Liên quan tới vụ tai nạn giao thông thương tâm làm 3 người chết tại xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) trưa 30/1 vừa qua, chiều 3/2, trao đổi với báo giới, đại tá Nguyễn Hữu Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, cơ quan điều tra đã xác định ông Lãnh Đức Dũng, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng là người trực tiếp cầm lái chiếc xe gây tai nạn này.
Theo một số báo đưa tin thì ngày 30/1, ông Lãnh Đức Dũng về huyện Hòa An (cách TP Cao Bằng chừng 20 km) để làm giỗ cho bố vợ. Trong đám hiếu này, ông Dũng được cho là đã uống rượu nên khi ra về điều khiển ô tô (biển kiểm soát 11A-018.34) không làm chủ được tốc độ, va chạm với xe mô tô biển số 11S1-007.68, làm 3 người chết là anh Vương Văn Tiến (SN 1979), cháu Vương Giang Khang (SN 2013), bà Nông Thị Điềm (SN 1953), đều trú tại xóm Nà Lạn, xã Phù Ngọc.
Sau vụ tai nạn, ông Lãnh Đức Dũng bị thương nhẹ. Hiện sức khỏe ông Dũng tạm thời ổn định song tinh thần khá suy sụp và ông đang ở nhà.
|
Chiếc xe ô tô gây tai nạn do ông Dũng cầm lái dựng ngược lên trời. |
Nhiều người băn khoăn, trong vụ việc trên, nếu nguyên nhân ông Dũng gây tai nạn là do lái xe trong lúc vừa uống rượu xong, không làm chủ được tốc độ thì ông Dũng sẽ bị xử phạt như thế nào, bồi thường cho gia đình nạn nhân ra sao? Còn nếu thông tin trên là không đúng sự thật, ông Dũng không uống rượu trước khi lái xe, và ông đi xe đúng luật thì hình thức xử phạt và bồi thường sẽ như thế nào?
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Mạc Kính Thi, Công ty Luật Lincon and Brothers, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, để đưa ra câu trả lời xác đáng về việc ông Dũng sẽ bị xử phạt như thế nào, bồi thường ra sao, cần phụ thuộc vào kết quả khám nghiệm hiện trường và kết luận điều tra của cơ quan chức năng, vì đây là cơ sở xác định việc ông Lãnh Đức Dũng – Bí thư huyện Hà Quảng có vi phạm luật giao thông dẫn đến gây tai nạn trong quá trình điều khiển phương tiện hay không.
Giả sử đặt trường hợp thông tin một số báo đưa ông Dũng lái xe gây tai nạn do sử dụng rượu bia là đúng thì ông Dũng đã vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008. Cụ thể, ông Dũng đã vi phạm Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ về việc cấm: “8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Nếu đây là nguyên nhân dẫn đến việc ông Dũng gây ra tai nạn làm 3 người tử vong thì căn cứ các quy định tại Khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, và căn cứ điểm (a) mục 4.3 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán – TAND Tối cao, ông Dũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” – Điều 202 Bộ luật Hình sự và có thể chịu khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Đồng thời, ông Dũng phải bồi thường cho gia đình người bị nạn theo quy tại Điều 623 “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” – Bộ Luật dân sự 2005.
Về vấn đề thứ 2, giả sử ông Dũng trong quá trình điều khiển phương tiện đã tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ (trong đó có cả việc không uống rượu bia trước khi lái xe) thì ông Dũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên vẫn phải bồi thường cho gia đình người bị nạn theo các quy định tại Điều 623 “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” – Bộ Luật dân sự 2005, trừ các trường hợp: 1. Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; 2. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (theo quy định tại Khoản 3 Điều 623 Bộ luật Dân sự).
Mức bồi thường thiệt hại sẽ theo thỏa thuận giữa các bên, trường hợp các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì có thể yêu cầu TAND cấp có thẩm quyền giải quyết.
Dưới đây là các điều luật tham chiếu cụ thể cho những phân tích trên của Luật sư Thi:
Khoản 8 Điều 8 quy định về “Những hành vi bị nghiêm cấm” – Luật Giao thông đường bộ 2008, trong đó có cấm:
Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điểm a Mục 4.3 Nghị Quyết 02/2003/NQ-HĐTP
“4.3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
a. Làm chết ba người trở lên;
b. Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;
c. Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.2 mục 4 này;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
e. Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản được hướng dẫn tại điểm e tiểu mục 4.2 mục 4 này;
g. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
Điều 623 Bộ luật dân sự 2005: Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.