Việc vi phạm Luật Giao thông, từ vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều hay lạng lách đánh võng, chở quá tải... vẫn còn phổ biến ở nước ta. NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cho rằng, gốc rễ là do chúng ta chưa xây dựng được văn hóa giao thông, trên một mặt bằng chung như vậy thì chuyện học vấn không thể coi là thước đo để phản ánh ý thức được.
Tiếng Việt đâu có thiếu từ
Không biết ở góc độ của ông, một người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về quy hoạch giao thông thì tấm băng rôn "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học" gợi cho ông điều gì?
Tôi nghĩ những người đưa ra khẩu hiệu này cũng có lý của họ trong việc tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, với cách tư duy và văn hóa của người Việt thì điều đó thực sự không ổn.
Nó không ổn ở chỗ nào vậy?
Việc căng băng rôn lên để giáo dục người khác thì phải chọn ngôn ngữ cần chuẩn xác và mang tính văn hóa, không gây ra những ý kiến trái chiều, phản cảm. Ở đây, từ "ít học" mang tính miệt thị với những người ít có cơ hội được học hành, thậm chí cổ xúy cho việc người "ít học" thì cứ vô tư mà vượt đèn đỏ. Dĩ nhiên, mệnh đề trong băng rôn ấy rõ ràng là "vượt đèn đỏ" đồng nghĩa với việc ít học, vì nếu được học hành tử tế, nắm được luật lệ thì đã chẳng phạm luật đến mức coi thường mạng sống của bản thân và người khác. Nhưng tiếng Việt đâu có thiếu từ. Ngay như xử lý tử tù, sao người ta không chọn phương pháp tùng xẻo mà phải chọn phương pháp nhân văn như tiêm thuốc độc để hạn chế đau đớn cho họ?
Nhưng dù sao, tấm băng rôn ấy cũng rất ấn tượng và có tác dụng theo cách là nó đã khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại chính bản thân?
Tôi nghĩ cũng có đấy. Nếu không thì họ đã chẳng nhảy dựng lên như thế.
Nếu là ông, ông sẽ viết tấm băng rôn ấy như thế nào?
Có nhiều cách chứ, chẳng hạn như "vượt đèn đỏ là người vi phạm luật", "người có văn hóa không bao giờ vượt đèn đỏ", "vượt đèn đỏ là coi thường mạng sống của mình"...
|
NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. |
Quên sợ chết vì sai phạm thành thói quen
Hẳn là ông cũng có dịp đi công tác nước ngoài nhiều?
Đúng vậy. Tôi có điều kiện đi nhiều nước ở cả châu Á và châu Âu, từ những nước đang phát triển đến các nước phát triển.
Theo ông thì đâu là vấn đề lớn nhất trong việc so sánh giao thông ở ta với các nước?
Thực ra, cũng có nước hạ tầng giao thông như ở ta, nhưng về cơ bản thì giao thông ở ta còn lộn xộn cả về hạ tầng lẫn ý thức người tham gia giao thông mà cái lớn nhất tôi cho rằng vẫn là ở ý thức. Ở nhiều nước, người ta đi xe đạp cũng còn phải đội mũ bảo hiểm. Họ biết coi trọng, bảo vệ tính mạng của chính mình. Còn ở ta thì dường như không có được điều đó.
Tôi cũng cảm thấy điều đó khi ra đường, tôi đã nhiều lần tự hỏi hình như người ta chẳng biết lo sợ tai nạn, cái chết là gì hay sao mà họ vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, chở 4 - 5 người trên một chiếc xe máy lượn vè vè ngoài đường...
Ôi, những chuyện đó vẫn còn. Tôi nghĩ không hẳn là người ta không biết sợ tai nạn, sợ chết đâu mà vì những hành vi đó đã phổ biến lắm rồi. Nó như một thói quen đến mức người ta coi những sai phạm ấy là chuyện bình thường thì lâu dần cũng lấn át cái nỗi sợ kia đi.
Vì đâu nên nỗi ấy, thưa ông?
Là bởi, chúng ta không phải ai cũng có văn hóa giao thông, chưa xây dựng được văn hóa giao thông. Chỉ đến khi nào ra ngoài đường, người ta có ý định vượt đèn đỏ, đi ngược chiều nhưng tự thấy xấu hổ với chính bản thân mình mà không làm như thế nữa thì khi đó chúng ta sẽ có được văn hóa ấy.
Chưa làm gương thì đừng mong có văn hóa
Nhằm tuyên truyền ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân, mới đây, trên địa bàn TP Quy Nhơn, Bình Định có treo tấm băng rôn "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học". Tuy nhiên, trước những phản cảm, ngành chức năng tỉnh đã tháo gỡ tấm băng rôn này.
Theo ông thì văn hóa giao thông có phản ánh trình độ phát triển của một đất nước?
Dĩ nhiên là cũng có chứ.
Phải chăng chúng ta chưa xây dựng được văn hóa giao thông vì đất nước ta còn nghèo?
Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Nó có nhiều lý do, cả về mặt văn hóa khi đất nước ta đi lên từ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, tâm lý tùy tiện vẫn còn ăn sâu khi đất nước bước vào công nghiệp hóa. Thứ hai là yếu tố giáo dục. Chúng ta có làm đến nơi đến chốn đâu! Thứ ba là chế tài vẫn chưa đủ mạnh, người tham gia giao thông vẫn còn tâm lý chống đối kiểu chỗ nào có gắn camera, bắn tốc độ hay có cảnh sát giao thông thì nghiêm chỉnh chấp hành, còn chỗ nào không có thì thản nhiên vi phạm. Rồi tiêu cực trong việc xử lý vi phạm cũng khiến cho nhiều người có tư tưởng nhờn luật.
Nhưng thực tế thì chúng ta cũng đã cố gắng rất nhiều trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung cũng như luật giao thông nói riêng rồi đấy chứ?
Đúng là chúng ta có rất nhiều cách thức tuyên truyền, từ băng rôn khẩu hiệu đến tuyên truyền qua phương tiện truyền thông. Nhưng nó vẫn chưa đủ sức tạo ra thay đổi bởi vì chúng ta đang thiếu hẳn yếu tố làm gương, đặc biệt là người lớn tuổi. Tuyên truyền, giáo dục mà không làm gương thì khác nào làm nhà mà không xây móng. Từ những đứa trẻ đều biết đèn đỏ phải dừng, nhưng cha mẹ chở chúng vẫn cứ ngang nhiên vượt. Rồi thì nhiều người vẫn lấy cái mác xe công vụ để vi phạm luật, khi vi phạm thì a lô nhờ vả để không phải nộp phạt, người thực thi công vụ thì nhận tiền hối lộ của người vi phạm... Cứ như thế thì tuyên truyền, giáo dục mãi cũng chỉ là cho có thôi.
Bằng cấp đầy mình vẫn phạm luật
Có khi nào ông phạm luật giao thông không?
(Cười) Cũng có chứ, như khi thấy người ta đi xe máy lên vỉa hè mình cũng chạy xe theo... Thực ra, tôi tin nếu có cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này thì chắc chắn số người không bao giờ vi phạm luật giao thông chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều đáng nói là nhiều người phạm luật chỉ là hãn hữu, nhưng cũng có những người cố tình không chấp hành luật, việc phạm luật với họ như một thói quen, là chuyện bình thường.
Vi phạm Luật Giao thông dường như phổ biến đến mức nó không phân biệt trình độ học vấn thì phải?
Đúng thế. Đừng tưởng chỉ người ít học, đúng hơn là người có học vấn thấp mới phạm luật giao thông mà ngay cả những người bằng cấp đầy mình cũng có vi phạm trong khi nhiều người học vấn thấp nhưng chấp hành luật lệ tốt.
Hẳn là cũng phải có cách nào đó để thay đổi chứ?
Muốn vậy, phải xem xét lại cả trách nhiệm của những người làm quy hoạch giao thông xem tầm nhìn của anh đã đủ rộng để người dân không phải chịu cảnh tắc đường triền miên. Công tác giáo dục phải kết hợp với yếu tố làm gương. Đặc biệt, chế tài phải thực sự mang tính răn đe. Cứ làm cho đúng luật lệ, sai đâu xử lý đến đấy thì lâu dần cũng sẽ tạo cho người dân ý thức cần phải thay đổi, biết sợ, biết ngại khi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... thôi.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Việc xây dựng văn hóa giao thông không thể làm trong một năm, hai năm bằng những phong trào này, đợt phát động nọ, tháng an toàn giao thông kia. Có khi phải mất cả một thế hệ mới xây dựng được văn hóa ấy. Tuy nhiên, nếu muốn tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ tránh được cách làm hình thức kiểu lúc ra quân thì rầm rộ nhưng sau đó lại như chưa có chuyện gì, như "bắt cóc bỏ đĩa"".
NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Thụ