Liên quan đến vụ việc “Bé trai bị xích cổ, đi lang thang khắp nơi” được người dân ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện vào khoảng 14h chiều ngày 14/8, PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Tiến cho hay, trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, đã có nhiều quy phạm pháp luật được quy định nhằm bảo vệ quyền trẻ em như những quy phạm pháp luật trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
Mặc dù vậy, tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn đang diễn ra hàng ngày. Không chỉ trong xã hội mà ngay chính gia đình của các em, quyền của các em cũng bị xâm phạm một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
“Tôi nghĩ, vụ việc bé Sỹ (12 tuổi), tự giằng đứt dây xích do cha khóa vào cây bạch đàn rồi bỏ trốn trên đây cũng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, một trong những vụ bạo lực về trẻ em trong gia đình mà được xã hội biết đến. Không biết bé đã làm chuyện gì hay “ngỗ nghịch” như thế nào mà khiến người cha phải thực hiện những “biện pháp” như vậy, tuy nhiên, hành động xích cổ, trói vào cây bạch đàn của người cha là một hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của bé Sỹ.” – luât sư Tiến nhận định.
|
Hình ảnh bé Sỹ bị xích ở cổ được người dân đưa vào trụ sở UBND xã Nghi Phương. |
Theo luật sư tiến, hành vi xích cổ trói con vào cây bạch đàn trong vườn của cha bé Sỹ đã vi phạm quy định Luật hôn nhân gia đình 2014 về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ: “1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; 2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Vì vậy hành vi này cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Căn cứ vào các tình tiết thực tế và kết luận điều tra của cơ quan điều tra, hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, hoặc phải chịu trách nhiệm hành chính.
Cụ thể, về trách nhiệm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/ 2013/ NĐ-CP, hành vi trên có thể phải chịu trách nhiệm hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 49 hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
Hoặc chịu trách nhiệm theo điểm a khoản 1 Điều 50 hành vi ngược đãi, hành hạ thành viên gia đình. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân.
Tùy thuộc vào những tình tiết, kết quả trên thực tế, hành vi của cha bé Sỹ có thể phải chịu trách nhiệm hành chính với mức phạt cao nhất lên đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra còn phải chịu hình biện pháp khắc phục hậu quả Buộc xin lỗi công khai nạn nhân khi có yêu cầu.
Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 151 Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình Bộ luật hình sự: “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Khung hình phạt cao nhất cho người có hành vi này là ba năm tù.