Liên quan đến vụ cháu Cù Hoàng Phi Long (15 tháng tuổi, học tại cơ sở Mầm non Sơn Ca ở đường Hữu Nghị, TP Đồng Hới, Quảng Bình) bị 3 bảo mẫu đánh trói, nhét giẻ vào mồm, xảy ra ở cơ sở mầm non Sơn Ca (đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), hiện 3 bảo mẫu đang bị điều tra mức độ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Hình ảnh cháu Long bị bạo hành gây phẫn nộ dư luận.
|
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc bé 15 tháng tuổi bị trói tay chân, hành hạ nói trên, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, rất có thể với những hành vi trên, ba bảo mẫu này có thể phải đối mặt với tội “hành hạ người khác theo quy định tại điều 110, Bộ luật Hình sự.
“Hành vi nhét giẻ vào mồm, trói tay chân và đánh đập ngay tại lớp học, 3 cô giáo có thể bị xử lý hình sự về "Tội hành hạ người khác" theo Điều 110 Bộ luật Hình sự”, Luật sư Thái cho biết.
Luật sư Thái dẫn giải, Điều 110, Bộ luật Hình sự quy định về Tội hành hạ người khác nêu rõ: 1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người.
“Với các hành vi trên, ba giáo viên rất có thể đối mặt với khoản 1 điều 110 “Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”, Luật sư Thái cho hay.
Theo luật sư Thái, ngoài việc bị xử lý hình sự thì còn phải bồi thường nghĩa vụ dân sự. Việc bồi thường này là đền tiền cho việc xâm phạm sức khỏe và tinh thần cháu bé.
Tuy nhiên, Luật sư Thái cũng cho rằng, việc đối mặt với án hình sự là hơi nặng nhưng bản thân các cô giáo cũng cần rút kinh nghiệm. Trẻ con như búp tren cành mà đối xử với chúng phải bằng tình yêu thương, chứ ngược đãi thế này ai chẳng xót xa.
“Trong trường hợp có 2 tình tiết giảm nhẹ theo điều 46 thì các giáo viên này mới chuyển khung được. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp cháu bé bị thương thì phải xem xét cả tội cố ý gây thương tích nữa”, Luật sư Thái cho biết.
Qua vụ việc trên, Luật sư Thái cũng cho rằng, ngành giáo dục nên bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức thêm cho các giáo viên mầm non, quản lý chặt chẽ các trường mầm non tư thục để tránh những trường hợp đáng tiếc, ảnh hưởng đến hình ảnh người giáo viên trong mắt người dân, ảnh hưởng đến tâm lý các cháu nhỏ, gây hoang mang lo lắng cho các bậc phụ huynh và xã hội.
Dư luận địa phương đang rất phẫn nộ trước hành động trên ngay khi chị Đinh Thị Thuý Hằng (trú ở phường Hải Thành, TP Đồng Hới) chia sẻ trên trang cá nhân facebook thông tin liên quan đến vụ việc. Theo thông tin ban đầu, vợ chồng chị Đinh Thị Thuý Hằng thấy con trai cháu là Cù Hoàng Phi Long thời gian gần đây, sau khi đi học về thường có nhiều biểu hiện lạ như: hay khóc, hoảng sợ khi thấy người lạ đến gần, không chịu cho tắm, thay quần áo, cùng với đó là xuất hiện trên tay chân của con nhiều vết bầm tím,…nên vợ chồng chị Hằng quyết định xem camera, theo dõi xem con đang làm gì ở trường. Trưa ngày 5/10, sau khi mở camera theo dõi, chị Hằng bất ngờ phát hiện, vào lúc 10h26 phút cô L. đã véo tai cháu mấy lần vì cháu Long không chịu ăn. Đến 10h57 phút cô H kéo cháu vào góc và lấy thìa inox (thìa vẫn thường đút cho cháu ăn) đánh liên tục vào hai tay và hai má cháu. Chứng kiến bé trai bị bảo mẫu bạo hành, chị Hằng không kìm nổi cảm xúc liền lao đến trường, đạp cửa xông vào thì thấy cháu Long bị trói chặt chân tay về phía sau, miệng bị nhét giẻ, đồng thời bị cô giáo đè xuống sàn… với nhiều vết thương bầm tím.
Sự việc ngay sau đó tạo nên làn sóng phẫn nộ trên cả cộng đồng mạng lẫn xã hội bên ngoài, bởi thời gian qua liên tục xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em từ những giáo viên trông trẻ. Trẻ em như búp trên cành, nhưng thay vì đối xử với các cháu bằng tình yêu thương, chính những giáo viên được xem như mẹ hiền thứ hai lại dùng đòn roi cùng những hành động bạo hành phản cảm. Nhiều ý kiến cho rằng phải xử lý nghiêm minh để răn đe những giáo viên khác để không còn xảy ra những trường hợp tương tự.