Thảm họa hạt nhân và sự điên rồ mang tên Hiroshima

Google News

(Kiến Thức) - Việc ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản từ lâu đã là chủ đề tranh cãi về thảm họa hạt nhân và sự điên rồ mang tên Hiroshima.

Cách đây 70 năm, thế giới đã phải chứng kiến hai thảm họa hạt nhân. Ngày 6/8/1945, một máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã ném bom nguyên tử “Little Boy” (Cậu bé) đầu tiên trên thế giới xuống thành phố đông dân Hiroshima của Nhật Bản. "Little Boy" đã phá hủy hai phần ba diện tích thành phố Hiroshima và trong chớp mắt giết chết 80.000 người (chiếm 40% dân số Hiroshima). Số thương vong trực tiếp mà "Little Boy" gây ra là gần 180.000 người. Hàng ngàn người khác sau này đã bị chết vì bệnh bạch cầu và các bệnh khác liên quan đến nhiễm xạ.
Tham hoa hat nhan va su dien ro mang ten Hiroshima
"Little Boy" đã phá hủy hai phần ba diện tích thành phố Hiroshima và trong chớp mắt giết chết 80.000 người (chiếm 40% dân số Hiroshima). 
Ba ngày sau, ngày 9/8/1945, Mỹ đã ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki, giết chết từ  50.000 đến 100.000 người.
Tàn sát dân thường vô ích
Ngay từ năm 1965, nhà sử học Gar Alperovitz lập luận rằng mặc dù bom nguyên tử có thể đã dẫn đến kết thúc chiến tranh, nhưng ban lãnh đạo Nhật Bản đã muốn đầu hàng từ lâu, trước khi xảy ra cuộc xâm lược của Mỹ được  lên kế hoạch bắt đầu vào ngày 1/11/1945. Theo nhà sử học Alperovitz, việc ném bom nguyên tử hủy diệt Hiroshima và Nagasaki là không cần thiết.
Tham hoa hat nhan va su dien ro mang ten Hiroshima-Hinh-2
Tàn sát dân thường vô ích.
Trước đó, trong năm 1945, Không quân Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom kinh hoàng nhất trong lịch sử, với 66 thành phố của Nhật Bản đã bị phá hủy bởi bom đạn thông thường.
Vụ ném bom lửa xuống Tokyo trong hai ngày 9-10/3/1945 là cuộc tấn công hủy diệt nhất đối với một thành phố trong lịch sử chiến tranh. Khoảng 16 dặm vuông của thành phố Tokyo đã bị đốt trụi và ước tính có khoảng 120.000 cư dân thành phố  đã bỏ mạng.
Ngày 13/8/1945, tướng Nhật Anami nhận xét rằng hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki không gây thiệt hại nhiều bằng vụ ném bom lửa xuống thủ đô Tokyo.
Người Nhật khi đó sợ nhất điều gì?
Nếu người Nhật đã không sợ các vụ ném bom lửa và bom nguyên tử, thì họ sợ nhất điều gì?
Năm 2003, nhà sử học  Tsuyoshi Hasegawa của trường Đại học California nhận định: “Việc Liên Xô tuyên chiến (và đánh tan đạo quân Quan Đông gồm một triệu quân ở Mãn Châu) có vai trò quan trọng đối với quyết định đầu hàng của Nhật Bản hơn hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki”.
Tham hoa hat nhan va su dien ro mang ten Hiroshima-Hinh-3
Từ trái sang phải: Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Harry S.Truman và nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin tại Hội nghị Postdam.
Tại cuộc họp với Tổng thống Mỹ Harry S.Truman và Thủ tướng Anh Winston Churchill ở Potsdam hồi cuối tháng 7/1945, lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin đã thông báo về việc thực hiệm cam kết tuyên chiến với Nhật Bản ngay sau khi chiến thắng phát xít Đức.  Stalin cũng nói với các đối tác phương Tây của ông rằng Tokyo đã tiếp cận Moscow và yêu cầu Liên Xô môi giới để chấm dứt cuộc chiến, với những điều kiện có thể chấp nhận được.
Thế nhưng Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã có kế hoạch riêng. Việc thử nghiệm thành công bom nguyên tử tại New Mexico một ngày trước khi bắt đầu Hội nghị Potsdam đã khiến cho Tổng thống Mỹ Harry S. Truman tin tưởng có thể kết thúc cuộc chiến với Nhật Bản mà không đến sự giúp đỡ của Stalin. Tổng thống Truman cũng không chia sẻ những bí mật của dự án Manhattan với Stalin. Vào ngày cuối cùng của Hội nghị Potsdam, ông này chỉ nói  rằng Mỹ "đã có một loại vũ khí mới có sức công phá phi thường”.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin đã không hề tỏ ra bất ngờ và sau đó Tổng thống Truman đã phàn nàn với Thủ tướng Winston Churchill rằng Stalin "không thèm hỏi một câu”.
Thực ra, Stalin không cần phải hỏi. Nhà lãnh đạo Liên Xô này còn biết rõ hơn Tổng thống Truman về những quả bom nguyên tử Mỹ. Harry S. Truman chỉ được thông báo về dự án Manhattan sau cái chết của Tổng thống Roosevelt vào tháng 4/ 1945 khi ông đảm nhận chức vụ tổng thống. Ngược lại, Stalin đã biết về dự án này trước đó hai năm, thông qua điệp viên Klaus Fuchs được cài cắm vào trung tâm nghiên cứu vũ khí hạt nhân Los Alamos. Điều khiến  Stalin cảm thấy phiền lòng là người Mỹ đã không chính thức thông báo với ông về việc họ đã có bom nguyên tử. Điều này khiến ông nghi ngờ về  ý định thực sự của các nước đồng minh, một khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc.
Mỹ ra tối hậu thư và chọn mục tiêu ở Nhật Bản
Một đòn nữa mà đồng minh Anh-Mỹ đánh Stalin là Tuyên bố  Potsdam đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Tuyên bố này do  Mỹ, Anh và Trung Hoa dân quốc soạn thảo và nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin chỉ biết qua một thông cáo báo chí.
Tối hậu thư do Mỹ soạn thảo được diễn đạt theo cách mà Tokyo không có lựa chọn nào khác ngoài việc bác bỏ. Giáo sư Tsuyoshi Hasegawa lưu ý: “Quyết định ném những quả bom nguyên tử do tướng Handy ban hành, với sự chấp thuận trước của Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson, vào ngày 25/7,  một ngày trước khi ban hành Tuyên bố Potsdam”.
Trước khi lệnh ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản được đưa ra, Ủy ban tìm kiếm mục tiêu của Mỹ đã bỏ ra nhiều tháng để lựa chọn thành phố nào của Nhật Bản sẽ bị ném bom nguyên tử đầu tiên. Danh sách mục tiêu chọn lọc này đã được thảo luận từ đầu tháng 5/1945, thậm chí trước khi Mỹ thử thành công bom nguyên tử.
Trong “danh sách tử thần” này, Hiroshima đứng thứ hai sau Kyoto, nhưng cố đô của Nhật Bản đã thoát nạn nhờ sự can thiệp cá nhân của Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson, người đã tận hưởng tuần trăng mật trước chiến tranh ở thành phố xinh đẹp này.
Tổng thống Truman dường như đã bị Bộ trưởng Chiến tranh Stimson thuyết phục rằng Kyoto  không quan trọng bằng mục tiêu quân sự như Hiroshima. Ông Truman đã viết trong nhật ký  rằng ông đồng ý với Bộ trưởng Stimson rằng "mục tiêu ném bom nguyên tử sẽ thuần túy về mặt quân sự”.  
Các báo cáo về vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima đã được trình lên Tổng thống Truman khi ông này đang ở trên chiến hạm USS Augusta trở về Mỹ. Không thể che giấu được sự phấn khích của mình, Tổng thống Truman đã nhảy lên và nói:   “Đây là điều tuyệt vời nhất trong lịch sử".
Nhưng  vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima đã không ngay lập tức dẫn đến việc Đế quốc Nhật Bản chấp nhận Tuyên bố Potsdam. Một ngày sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Ngoại trưởng Nhật Bản thời đó là Shigenori Togo  đã gửi một bức điện tín cho Đại sứ Naotaki Sato ở Moscow, hỏi về phản ứng của Moscow về yêu cầu môi giới trước đó. Chỉ sau khi Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản vào ngày 9/8/1945, phe chủ chiến ở Tokyo mới nhận ra rằng tiếp tục kháng cự là vô ích.
Có giả thuyết nói rằng người Mỹ thả bom nguyên tử ở Hiroshima là để chứng tỏ sức mạnh vượt trội của Mỹ trước Liên Xô hoặc để thử nghiệm các loại vũ khí mới này trong điều kiện thực tế. Bất kể vì lý do nào, thường dân của Hiroshima và Nagasaki đã trả giá khủng khiếp cho cái mà sau này Tổng thống Obama gọi là "ngoại lệ Mỹ”.
Minh Châu (Theo RT)

Bình luận(0)