Làm thế nào giảm thiểu tai biến y khoa ở Việt Nam?

Google News

Tỷ lệ tai biến y khoa tại Việt Nam diễn ra liên tiếp làm dư luận không khỏi lo lắng về chất lượng khám, chữa bệnh. 

Trong điều trị khám, chữa bệnh, rủi ro y khoa là điều khó tránh khỏi và không ai mong muốn. Tuy nhiên, việc gia tăng tỷ lệ tai biến y khoa tại Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là tai biến sản khoa, tai biến sau khi sử dụng vắc-xin diễn ra liên tiếp làm dư luận không khỏi lo lắng về chất lượng khám, chữa bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai biến trong y khoa, mà hiện nay ngành y đang dần dần khắc phục.
Lam the nao giam thieu tai bien y khoa o Viet Nam?
 Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm xạ trị ung thư phổi công nghệ cao (Bệnh viện Phổi Trung ương).
Tại buổi tọa đàm “Giảm thiểu các tai biến trong y khoa”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ, trong điều trị khám, chữa bệnh, rủi ro y khoa là điều khó tránh khỏi và không ai mong muốn. Hiện nay khi xảy ra bất kể tai biến y khoa nào ở bệnh viện, người nhà thường đổ lỗi và buộc tội cho cá nhân. Đó là việc không nên, vì nhiều vụ tai biến, lỗi chưa hẳn đã xuất phát từ phía bác sĩ. Vì thế, trách nhiệm của bệnh viện là phải tìm ra được những lỗi tai biến để đề phòng cho những trường hợp sau.
Khi xảy ra tai biến, chính bệnh viện đó sẽ phải thành lập Hội đồng chuyên môn để xem lỗi ở đâu, xử lý ở đó theo đúng quy định. Nếu chưa thỏa đáng, bệnh viện tiếp tục kiến nghị lập hội đồng chuyên môn cấp Sở, Bộ để giải quyết và tìm ra nguyên nhân tai biến.
Bác sĩ Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc Bệnh viện sản nhi Ninh Bình lại cho rằng, nguyên nhân chính là do chất lượng đào tạo bác sĩ hiện nay: "Nếu như ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc đào tạo bác sĩ phải diễn ra từ 10 đến 15 năm, thì ở Việt Nam thường chỉ có 6 năm. Như thế liệu có đảm bảo chất lượng? Không thể phủ nhận những tai biến xảy ra do sự sai sót, thiếu chuyên nghiệp của một số bác sĩ”, bác sĩ Kỳ thừa nhận. 
Từ đó, bác sĩ Phạm Cầm Kỳ cho rằng, thực tế đầu vào của các trường y luôn cao, nhưng không phải trường y nào cũng như vậy, có trường chỉ hơn điểm sàn một chút. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phải đưa ra những câu chuyện về kiểm soát đầu vào, đánh giá, kiểm tra chất lượng sinh viên trong quá trình đào tạo cũng như khi ra làm công tác khám, chữa bệnh. 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, không thể đòi hỏi một bác sĩ có thể điều trị được hết các loại bệnh nhưng quan trọng nhất, bác sĩ đấy phải giỏi chuyên môn của mình. Người bác sĩ phải tự xem xét năng lực của mình có thể chẩn đoán và chữa được không, nếu chưa đủ kinh nghiệm thì nên chuyển đến bác sĩ có kinh nghiệm hơn để tránh sai sót. Thứ trưởng cũng cho rằng, cần tập trung vào rà soát các chuyên khoa hay xảy ra tai biến để tập trung tìm nguyên nhân và khắc phục.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, hiện tượng một số bác sĩ làm ngoài giờ tại các phòng mạch tư mà ít chịu cập nhật kiến thức thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân gây tai biến trong nghề. Một nguyên nhân gây tai biến y khoa là do người bệnh được các bác sĩ khám đại khái, qua loa. Nếu ngay từ khi vào viện và trong suốt quá trình được chữa bệnh tại đây, người bệnh nhận được sự ân cần chăm sóc thì dẫu có xảy ra tai biến, chắc chắn họ cũng dễ thông cảm mà thiện chí hợp tác cùng bác sĩ giải quyết hậu quả.
Còn GS, TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế lý giải, một trong những nguyên nhân dẫn tới các tai biến trong y khoa chính là tình trạng quá tải bệnh viện. Việc hai đến ba bệnh nhân nằm điều trị trên một gường bệnh ở nhiều bệnh viện sẽ gây áp lực rất lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian khám, chữa bệnh của bác sĩ đối với bệnh nhân sẽ bị rút ngắn, kiến thức y khoa không đạt yêu cầu. Cho nên việc quá tải tại các bệnh viện sẽ rất khó để các nhân viên y tế, bác sĩ làm đúng theo các quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, quá tải bệnh viện còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong bệnh viện, không kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tai biến y khoa. Theo khảo sát, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại một số bệnh viện là 3 đến 7%, đây là con số chưa tính trên toàn quốc.
Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng và tử vong, kéo dài thời gian và tăng chi phí điều trị, càng ngày càng dẫn tới những bệnh khó điều trị do xuất hiện nhiều vi khuẩn đa kháng kháng sinh. GS, TS Bùi Đức Phú lại cho rằng, cần xây dựng được quy trình tư vấn, tiếp xúc với bệnh nhân, quy chuẩn hành nghề thì những vấn đề xảy ra tai biến sẽ hạn chế đi rất nhiều.
Bên cạnh đó, nên xây dựng tổ chức văn hóa an toàn cho người bệnh, mỗi thành viên thể hiện vai trò chủ động với sự hỗ trợ của tổ chức. Tuy vậy, để thực hiện những giải pháp trên thì cần có lộ trình và thời gian lâu dài. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, để giảm thiểu số ca tai biến, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Giảm tải bệnh viện, chấn chỉnh y đức, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ảnh của bệnh nhân, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh…
Theo Quân đội nhân dân

Bình luận(0)