Thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề an ninh bệnh viện, chính vì lý do đó Viện Các vấn đề xã hội của Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức Hội thảo "An ninh Bệnh viện - Thực trạng và giải pháp”, nhằm ngăn chặn tình trạng trên.
Hành hung, bắt cóc người trong bệnh viện
Có lẽ, trong những năm qua, thực trạng người nhà bệnh nhân hành hung các bác sĩ và nhân viên y tế trong bệnh viện là vấn đề được báo chí nhắc đến nhiều nhất. Vụ việc mới nhất xảy ra tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi nhận được tin bệnh nhân đã tử vong trong bệnh viện, người thân bệnh nhân đã có những hành động quá khích bao vây các y, bác sĩ tại đây rồi lao vào hành hung, đập phá máy móc và kính cửa phòng điều trị tích cực.
Hậu quả vụ ẩu đả trên đã khiến bác sĩ Mai Văn Lục, Trưởng Khoa Hồi cức tích cực, bị rách ở vùng mắt phải khâu 2 mũi; 3 y, bác sĩ khác bị thương.
Ngoài vấn đề hành hung y bác sĩ và nhân viên y tế, thì vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập tới tại Hội thảo, đó là tình trạng bắt cắp trẻ em. Theo nhận định, trong 3 năm qua đã xảy ra hai trường hợp trẻ sơ sinh bị bắt cóc gây rúng động dư luận.
Vụ việc đầu tiên xảy ra tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo đó, “hung thủ” đã đội lốt nhân viên y tế, trà trộn vào phòng sơ sinh rồi bế trẻ sơ sinh nói là đi xét nghiệm, sau khi thoát được mọi sự nghi ngờ, hung thủ đã bế thẳng đứa bé về nhà mẹ đẻ ở Bắc Giang.
Hay gần đây nhất là vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra ở TP.HCM. Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của dư luận cả nước và gây không ít khó khăn cho cơ quan công an điều tra. Bởi kẻ bắt cóc đã lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ càng trước khi hành động.
Ngoài hành hung bác sĩ trong bệnh viện, bắt cóc trẻ sơ sinh, có lẽ vụ việc khiến nhiều người phải suy nghĩ và đặt câu hỏi lớn về vấn đề an ninh bệnh viện, đó chính là vụ bệnh nhân bị chính em trai mình cắt chân trong bệnh viện. Không chỉ có cắt chân chị gái, đối tượng này còn hung hăng, đe doạ các nhân viên y tế của bệnh viện xanh-pôn.
|
An ninh bệnh viện Xanh Pôn được thắt chặt sau vụ em trai cắt chân chị gái. Ảnh: Lê Phương |
Lỗi do ai?
Nhận định về những sự vụ trên, GS Đào Văn Dũng- Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội- Ban tuyên giáo Trung ương nhận định, an ninh trật tự đang là vấn đề hết sức bức xúc tại các bệnh viện và điều đáng nói là thực trạng này ngày càng nghiêm trọng, rất đáng báo động. Nếu không có sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng với ngành y tế trong việc giữ gìn an ninh, trật tự thì các cán bộ, nhân viên y tế không thể yên tâm công tác.
Đồng thời, GS. Dũng cũng nhấn mạnh, phần lớn những vụ mất an ninh bệnh viện là do sự bức xúc của người dân trước trình độ chuyên môn, thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh. Ngoài ra, một số bác sĩ câu kết với “cò mồi” để lôi kéo bệnh nhân hoặc do bác sĩ tắc trách để xảy ra những sơ xuất đáng tiếc; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bức xúc, kéo đến đập phá, bắt đền bệnh viện, hành hung bác sĩ. Bác sĩ hoang mang, không yên tâm công tác; người bệnh mất lòng tin ở người thầy thuốc, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả khám và chữa bệnh.
Còn về phía Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, sở dĩ việc mất an ninh bệnh viện "nóng" như thời gian qua là do các biện pháp bảo đảm an ninh chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, khiến cho nhân dân bất bình, nảy sinh các hành vi quá khích.
Theo PGS Khuê, về phía bệnh viện, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn không ít sơ hở, yếu kém, thậm chí tiêu cực trong khám chữa bệnh. Trong khi đó, phần lớn các bệnh viện không chú trọng giải thích, tuyên truyền cho người bệnh thấu hiểu khi những hiện tượng tai biến y khoa xảy ra. Về phía bệnh nhân và người nhà của họ phần do thiếu ý thức tôn trọng thầy thuốc và pháp luật, phần cố chấp, cực đoan, nhẹ dạ nghe các phần tử xấu xúi bẩy dẫn đến những manh động khi có tai biến y khoa xảy ra.
Đồng thời, ông Khuê cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh. Cụ thể, phía công an sẽ giúp bệnh viện ngăn chặn tình trạng "cò" níu kéo bệnh nhân, nạn côn đồ tấn công bệnh viện hoặc nạn trộm cắp, móc túi, bắt cóc trẻ. Ngoài vấn đề an ninh, phía công an cũng sẽ giúp ngành y quản lý tình trạng hoạt động không phép, vấn đề xuất nhập cảnh của bác sĩ nước ngoài, quản lý thuốc men, hàng gian hàng giả...