Anh tâm sự: "Có nằm mơ tôi cũng không hình dung được cuộc đời mình lại rẽ lối như thế này, từ một tay chủ quán nhậu lừng danh ở Long Hải của thập niên 1990".
Thời đó, hầu hết các đoàn phim ở Sài Gòn về vùng biển này đều phải tìm đến anh.
Thứ nhất anh có thể đáp ứng tìm kiếm cả trăm diễn viên quần chúng mà đoàn phim không phải mất tiền nhiều, bởi cả vùng biển ai cũng phải nể và qúy diễn viên Lê Quang. Thứ hai, cứ mỗi lần quay xong, cả đoàn phim cứ kéo vào quán anh ăn nhậu, hát ca thoải mái mà không phải lo tiền bạc, bởi nghĩa khí của ông chủ quán có hàm râu xồm xàm.
|
Nam diễn viên Lê Quang nổi tiếng với vai diễn Võ Tòng. |
Nói như thế để thấy tính của anh rất giang hồ trượng nghĩa. Sẵn tính đam mê nghệ thuật, nên mỗi lần gặp: Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Quyền Linh, Nguyễn Hậu, Kim Khánh, Mỹ Duyên… anh khoái lắm.
Có lần cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa thấy anh tướng tá ngon lành dành cho anh vai… cướp. Chỉ được thoại 2-3 câu nhưng anh cảm thấy sướng vô cùng.
Nhưng phải đến cơ duyên với NSƯT - đạo diễn Vinh Sơn, nghiệp diễn cho Lê Quang mới được khởi sắc. Chỉ sau vài vai nhỏ trong các bộ phim: Mảnh đất tình đời, Đảo hải tặc, Người đẹp Tây Đô… anh được giao vai Võ Tòng trong Đất Phương Nam, một vai diễn mà anh phải vượt qua nhiều gương mặt kỳ cựu.
|
Lê Quang từng xuất hiện trong nhiều phim nổi tiếng, nhưng chỉ được giao các vai nhỏ. |
Với nét mộc mạc, chân chất đến sự lầm lì đặc thù của gã miền Tây sinh sống ở vùng biển, Lê Quang có một vai diễn Võ Tòng ấn tượng, để rồi thay đổi cả cuộc đời của anh.
Khổ vì nổi tiếng
Nhắc đến vai diễn Võ Tòng, chính cố diễn viên Nguyễn Hậu cũng từng thốt lên: “Tôi diễn hơn 30 năm trong nghề, thế mà cũng không bằng một vai diễn của nó, cái này gọi là tổ đãi”.
Thời nổi tiếng, anh vẫn ở vùng biển một cách an nhàn, không màng thế sự của dân làm phim. Lần đó có người bạn thân, vì tiếc cho một nhân tài nằm trong lá ủ, lén lấy vài tấm hình của Lê Quang về Sài Gòn đăng báo, kể về đời sống của một Võ Tòng đang… thất nghiệp.
Đọc bài báo xong, anh quyết lên Sài Gòn lập nghiệp. Ở chốn thị thành, đối diện với chuyện ăn ở của một “ngôi sao", Lê Quang không thể lê la ngoài đầu đường xó chợ. Gặp bạn bè, café ăn sáng cũng không thể ngồi nhìn người ta trả tiền. Ngày qua ngày, kinh phí dự trù cạn kiệt, vòng vàng, xe máy anh đều bán hết để xoay sở.
|
Lê Quang diễn chung với Việt Trinh trong phim "Dòng sông vẫn trôi".
|
Dù nhận được nhiều vai diễn, nhưng lương bổng không được bao nhiêu, Hơn nữa, anh có đóng vai gì, người ta vẫn chỉ nhớ đến anh là Võ Tòng.
Đất sống càng ngày càng hẹp. Anh chuyển đủ thứ nghề, từ nhiếp ảnh phim trường, rồi trợ lý, chủ nhiệm đoàn phim, đạo diễn ca nhạc cho các ca sĩ trẻ…. Thậm chí có lúc người ta thấy anh còn làm trong một đoàn đua xe, với nhiệm vụ săn sóc viên khiêm ngoại giao với các giám đốc nhãn hàng quảng cáo của đoàn đua xe.
Đỉnh cao của những ngày thất nghiệp là anh được làm chủ nhiệm đoàn phim. Chức danh oai như thế, nhưng ở vai trò này anh không cần phải tính toán tiền bạc, cũng không cần lo việc ăn uống ngủ nghỉ của đoàn phim, mà chủ yếu lấy cái danh Võ Tòng đi… xin bối cảnh.
Bất kỳ cảnh quay nào đoàn phim không xin được bối cảnh cứ nhờ đến anh, và lần nào anh cũng bảo: “Nếu chủ nhà có xem phim Đất Phương Nam thì tôi… thắng”. Quả nhiên, vị gia chủ khó khăn đến đâu, cứ gặp được Võ Tòng là cho thoải mái quay, thoải mái ăn ở, thậm chí có người khoái Võ Tòng quá, không lấy tiền thuê, chỉ cần anh nhậu với họ.
|
Lê Quang trong phim "Người Mỹ trầm lặng".
|
Cuộc sống vốn không là mơ, phim ảnh thời tuột dốc, diễn viên cũng tuột theo. Đất Sài Gòn cái gì cũng quy ra tiền, nên anh tiếp tục lâm vào thế bí.
Có người bạn quý anh tặng chiếc xe gắn máy, khuyên anh nên chạy xe ôm để xoay xở qua ngày. Anh trăn trở: Thân làm diễn viên ra đường ai cũng biết mặt, giờ chạy xe ôm thì còn gì đời nghệ sĩ. Đêm nằm anh nghĩ: sao mình lại khốn đốn thế này, phải tìm một phương án mới, nhằm làm lại cuộc đời.
Làm tất cả chỉ để sinh tồn
Có lần Lê Quang nhận show quảng cáo, Võ Tòng có sức mạnh bắt cá sấu là nhờ thuốc bổ. Dĩ nhiên anh được mời đóng vai chính, nhưng tiền lương không cao lắm. Để ý trong kịch bản có một cảnh cascadeur bay xe xuống sông rồi đánh nhau với cá sấu, anh xin đạo diễn cho mình đóng cảnh này nhằm tăng thu nhập.
Cứ tưởng mọi việc sẽ ngon lành, không ngờ ra hiện trường chiếc xe phân khối lớn to quá, mà chiếc cầu để xe lấy đà bay lên rồi lọt xuống sông thì hẹp quá. Tay chân run, tim đập mạnh, anh vẫn quyết tâm nhắm mắt, nhắm mũi quyết liều một phen để có thêm tiền.
Lần đó, anh cứ như người cõi chết trở về, bởi với pha mạo hiểm này mọi người cứ nghĩ là lọt xuống nước là êm ru. Mấy ai biết, cả người anh đập mạnh vào thân xe đến nín thở, rồi chuyện xuống nước phải vật lộn với con cá sấu thật gần 100 ký (đã chết) cả ngày trời. Về đến nhà anh chỉ biết nằm thẫn thờ, vì cái gì mà mình phải bán mạng như thế!
Trước đây trong phim Nước mắt giang hồ, anh phải từng đu từ trên nóc nhà thờ xuống đất để vượt ngục. Anh bảo: "Lần đó chỉ cần tôi buông tay là lọt từ trên cao xuống hàng rào kẽm gai là chết nay tại chỗ. Vậy mà vẫn cứ phải “chơi” trong tình trạng tay chủ nhiệm cứ mắng suốt đêm vì bảo tôi liều mạng".
Sau lần đó, người ta lại nghe tin anh đổi nghề, đi chụp hình cho đoàn phim, làm đạo diễn ca nhạc cho: Nhật Kim Anh, Tô Tài Năng, Lâm Nhật Thanh, Tuấn Kiệt…
Hỏi anh vì sao có nghề mới? Anh cười: “Tôi học lỏm của quay phim Trinh Hoan, mượn máy quay giá rẻ, rồi kêu đạo diễn Minh Cao tư vấn, làm riết thành nghề. Giờ ai đặt hàng hoành tráng hay nhẹ nhàng tôi làm tuốt, sống gần 3 năm với nghề này cũng vui lắm, phải tranh thủ để còn… tồn tại.
Lạ nhất là cái nghề ca sĩ của anh. Đây là cái nghề tay trái, nhưng nó lại nuôi vợ và hai con ăn học đàng hoàng, thậm chí hiện giờ anh đã mua được một căn hộ nhỏ rất tươm tất ở vùng ven thành phố.
Cái duyên bắt đầu từ một nhà báo thân thiết bắt anh mặc bao bố, giả làm Võ Tòng hát bài Đất Phương Nam. Lần đó có Lý Hùng, Lý Hương, Kim Khánh… nhưng anh lại là người được vỗ tay nhiều nhất. Anh em trong nghề động viên: Anh hát hay, lại trúng tủ với vai diễn Võ Tòng, sau không thử đổi vận số của mình làm ca sĩ xem sao?
Thế là về nhà tự chọn 5 – 7 bài hát “tủ”, tự đi phối khí hoà âm, từ mày mò trang phục. các show hát tăng dần theo thời gian. Lúc đầu chỉ diễn được ở những vùng sâu, vùng xa, thậm chí là các show từ thiện… Nhưng bây giờ thì cả ca sĩ hải ngoại về cũng mời anh hợp tác, đi show suốt quanh năm suốt tháng.