>>> Mời quý độc giả theo dõi video Dòng người tiễn biệt Chí Tài: Sau lễ viếng, linh cữu nghệ sĩ Chí Tài được đưa ra sân bay về Mỹ. Hàng nghìn người hâm mộ đứng ở hai bên đường tiễn biệt ông.
Chí Tài qua đời ở cầu thang bộ chung cư ngày 9/12 khi ông chỉ có một mình. Nhưng hôm nay, lễ tang của danh hài đã diễn ra trong ấm áp tình thương, nỗi nhớ của rất nhiều người. Đông đảo nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp và hàng nghìn khán giả đã xếp hàng dài vào Nhà tang lễ Quốc gia khu vực phía Nam để nhìn mặt danh hài lần cuối.
Hai bên lối vào linh cữu là 18 chùm hoa trắng do chính tay Hoài Linh chuẩn bị. Trên mỗi chùm hoa là một bức ảnh của Chí Tài lúc sinh thời. Chỗ này là tấm danh hài cười tươi rạng rỡ, chỗ kia đặt tấm ông tạo dáng “ngầu ngầu”, tếu táo và còn đó cả những khoảnh khắc cố nghệ sĩ lãng tử với guitar, keyboard.
Trong tiếng hát Nhỏ ơi chân tình, giản dị, hình ảnh một Chí Tài say mê với nghệ thuật, thân thiện với khán giả, hết mình nâng đỡ bạn nghề kết đọng lại thành những tiếc nhớ khôn nguôi.
|
Dòng người xếp hàng vào viếng danh hài Chí Tài ngày 12/12. |
Hàng dài tiễn đưa
Cô Nga sống ở quận Bình Tân, kém danh hài Chí Tài hai tuổi. Bị bệnh thấp khớp nhiều năm nay, cô ngại chuyện đi lại nhưng từ sớm đã gọi con trai thứ hai dậy, hai mẹ con cùng đến tiễn đưa thần tượng. Bước đi bậm bạch, người phụ nữ vẫn chịu khó xếp hàng, nhân viên an ninh dặn những người xung quanh không xô đẩy và xịt nước sát khuẩn vào tay từng người.
Sau chục phút xếp hàng, người phụ nữ chắp tay, cúi người bên lĩnh cữu. Lần hiếm hoi được thấy nghệ sĩ Chí Tài lại là khi ông đã qua đời, dù vậy, nữ khán giả cố kìm nước mắt. Nhưng đến khi thấy Hoài Linh đứng bên cạnh cúi gập người đáp từ, cô bật khóc.
Cô Nga bảo hâm mộ Chí Tài và Hoài Linh suốt 20 năm nay, gần như không bỏ sót tiểu phẩm nào được phát hành của hai người. “Ổng diễn tự nhiên, chân thực. Điệu bộ của ổng dễ thương, không thể quên được”, người phụ nữ 60 tuổi chia sẻ về thần tượng Chí Tài.
Lễ tang của Chí Tài có rất đông khán giả đến viếng. Những hàng dài trật tự, gần như không có xô đẩy, nối từ cổng vào đến bên linh cữu. Vài ba lần ban tổ chức phải tạm đóng cổng viếng để khử trùng không gian bên trong nhưng tất cả vẫn chờ đợi.
Có thể nhìn thấy trong hàng dài đến viếng là người già, trung niên, người trẻ, sinh viên, học sinh, có cả em nhỏ. Nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ anh còn nhìn thấy cả cụ già ngồi xe lăn nhưng biết mình không đủ sức khỏe nên nhờ gửi vào thùng phúng điếu 100.000. Cụ muốn góp vào quỹ Chí Tài cho mục đích xây nhà từ thiện ở miền Trung sau đợt lũ vừa qua như tâm nguyện của cố danh hài.
Cũng có một cụ ông 80 tuổi, không nói được do vừa phẫu thuật cổ họng. Ông viết lên tờ giấy xin được gặp trưởng ban tang lễ Hoài Linh để vào viếng người nghệ sĩ mà ông yêu mến. Tờ giấy có dòng chữ: “Tôi chỉ xin 10 phút thôi rồi về liền” khiến nhiều người xúc động. Ông sau đó được nhân viên an ninh ưu tiên, cẩn thận dìu bước vào nhà tang lễ.
Có khán giả sống ở TP.HCM, cũng có không ít người ngoại tỉnh. Có người phúng điếu, có người vào viếng bằng tấm lòng nhưng có lẽ tất cả đều chung tình cảm dành cho Chí Tài, nghệ sĩ suốt hơn 20 năm qua mang đến tiếng cười cho công chúng, là ký ức đẹp trong lòng nhiều người.
Không ít người dân, khán giả đến từ sớm, sau khi xếp hàng vào viếng vẫn lán lại sân nhà tang lễ đến cuối giờ chiều để chờ đợi lễ di quan.
Khoảnh khắc linh cữu được đưa từ nhà tang lễ lên xe để ra sân bay Tân Sơn Nhất, hàng nghìn người đứng xung quanh đã vỗ tay tiễn biệt. Tràng pháo tay cuối cùng dành cho một danh hài nhưng gửi trong đó không thể kết hết những tấm lòng trân quý, mến mộ.
|
Hoài Linh bật khóc khi nói lời cảm ơn khán giả và tiễn biệt tri kỷ Chí Tài. |
Nghĩa cử cao đẹp của Hoài Linh
Cùng với hàng dài người dân, khán giả đến viếng, giới nghệ sĩ cũng quy tụ đông đảo tại Nhà tang lễ Quốc gia để tiễn đưa người đồng nghiệp mà như MC Kỳ Duyên viết: “Một người không có kẻ thù. Một nghệ sĩ chỉ biết đem niềm vui đến cho khán thính giả”.
Việt Hương và Hoài Linh có mặt từ sớm, vừa là trưởng ban lễ tang, vừa đóng vai người em đứng đáp lễ. Một người quàng khăn trắng lên cổ, một người đội lên đầu. Cả hai đều cố nén xúc động để lo liệu chu toàn mọi chuyện.
Hoài Linh cho biết anh đã nén nước mắt và chỉ bật khóc khi nói lời tiễn biệt: "Cảm ơn toàn thể quý vị, xin quý vị cho tôi rơi một giọt nước mắt ở đây. Tôi đã kiềm chế nhiều lắm rồi. Giờ tôi xin rơi một giọt nước mắt, khóc để chào người anh của tôi ra đi và không trở về nữa”.
Nhưng hơn cả một giọt nước mắt, danh hài sau đó khóc nghẹn khi nhiều nghệ sĩ cùng quỳ gối bên linh cữu: "Thưa anh, hôm nay chúng em ngồi đây vĩnh biệt. Anh đã khuyên nhủ chúng em rất nhiều. Vì đường xa xôi cách trở, chúng em không thể về bên anh".
Trong phút tiễn biệt, nghệ sĩ Hoài Linh cũng đề nghị ca đoàn hát bài Thánh ca có lời “xin vĩnh biệt mọi người”. Danh hài cho rằng bài Thánh ca rất đúng trong khoảnh khắc này.
Ca đoàn sau đó đã hát Xin để lại anh em với ca từ “Xin vĩnh biệt mọi người / Tôi ra đi lần cuối, không bao giờ trở lại / Hẹn nhau trong Nước Trời...”.
Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Hoài Linh khiến nhiều nghệ sĩ, báo chí, khán giả nể phục vì là người lo liệu và chịu trách nhiệm chính lễ tang của Chí Tài. Hoài Linh chia sẻ với một người thân rằng: "Bây giờ chẳng ai cô độc hơn anh đâu, 2/3 quãng đời anh đi chung ông ấy, giờ còn lại mỗi mình".
Trước khi xe tang chuyển bánh từ đường Phạm Ngũ Lão đến sân bay Tân Sơn Nhất, Hoài Linh một lần nữa cúi người cảm ơn. Khi đã ngồi trên xe máy, anh tiếp tục chắp tay hướng đến khán giả hai bên đường.
Cùng với Hoài Linh, Việt Hương, nhiều nghệ sĩ cũng đã đến từ sớm để chào nghệ sĩ Chí Tài, người được các đồng nghiệp nhận xét là thân thiện, cởi mở, “hiền khô”, “chẳng giận ai bao giờ”.
Buổi sáng, nhiều nghệ sĩ trong đó có Trường Giang - Nhã Phương đã cùng nắm tay nhau khi đón linh cữu Chí Tài từ xe vào nhà tang lễ. Sau đó, các nghệ sĩ lại chia nhau đứng cạnh các tấm ảnh của cố nghệ sĩ và cúi người đáp lễ khán giả đến chia buồn. Đến phút chia tay, Trường Giang - Trấn Thành cầm nến, theo sau là nhiều nghệ sĩ cùng tiễn linh cữu Chí Tài lên xe.
Cõi nhớ còn để lại
Trước đó, NSND Trần Ngọc Giàu là người thay mặt các nghệ sĩ phát biểu trước lúc di quan. Ông gọi danh hài là “em”, xưng “thầy”.
“Chí Tài thân mến, mỗi người nghệ sĩ để lại cho đời những tác phẩm. Riêng em, không phải chỉ những tác phẩm để nhớ, mà người ta còn nhớ đến em qua tính cách, qua nhân cách sống.
Đó là những gì truyền thông, các anh chị em nghệ sĩ, bạn bè thân hữu và nhiều khán giả đến viếng hôm nay nhớ đến.
Chí Tài đã nhiều lần đi, nhiều lần về, nhưng lần này, em đã ở lại trong cõi nhớ của mọi người. Điều đó được thể hiện khi các anh chị em ở đây và ngoài kia, nhiều khán giả cũng đang chờ đợi để từ biệt em.
Lát nữa đây, khi quan tài đóng lại, sẽ có nhiều tiếng khóc, những giọt nước mắt của mọi người tiếc thương em. Đó cũng là niềm hạnh phúc của em. Chuyến ra đi này, khi quay về, em chỉ còn gặp lại vợ trong tâm tưởng, trong cõi nhớ của bạn bè đồng nghiệp. Vĩnh biệt Chí Tài!”.
|
Danh ca Tuấn Ngọc hát tiễn biệt đồng nghiệp. |
Tuấn Ngọc đại diện các nghệ sĩ cất tiếng hát tiễn đưa Chí Tài. Danh ca chọn bài Về đây nghe em của cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc và bảo trước đây Chí Tài hay đàn cho ông hát. “Ước gì anh ấy còn sống”, Tuấn Ngọc nói.
"Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi"
Đúng khoảnh khắc danh ca 73 tuổi cất tiếng hát, ngoài trời mưa trái mùa lâm râm.
>>> Mời quý độc giả theo dõi video Tuấn Ngọc hát 'Về đây nghe em' trong lễ tang Chí Tài: Ca sĩ Tuấn Ngọc hát "Về đây nghe em" bên linh cữu nghệ sĩ Chí Tài trước lúc di quan ra sân bay về Mỹ.