Theo Reuters, trong ngày 9/7, đã có hàng nghìn người tham gia biểu tình ở thủ đô Colombo, bao vây xung quanh khu vực dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, yêu cầu ông này từ chức.
Cảnh sát ngăn đám đông quá khích tràn vào dinh Tổng thống. Ảnh: Reuters
Đài truyền hình địa phương Sirasa TV đã ghi lại được cảnh đám đông xông vào tư dinh của ông Rajapaksa, phá tan hàng rào cảnh sát xung quanh dinh thự. Trước tình hình ngày càng trở nên mất kiểm soát, Bộ Quốc phòng Sri Lanka đã đưa ra quyết định hộ tống ông Rajapaksa tới nơi an toàn.
Cảnh sát Sri Lanka dùng đạn hơi cay để giải tán đám đông. Ảnh: Reuters
"Tổng thống đã được sơ tán khỏi tư dinh và được đưa tới nơi an toàn. Lực lượng cảnh sát buộc phải bắn đạn hơi cay và sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông. Hiện tại, đã có 2 cảnh sát và 20 người biểu tình bị thương vì những va chạm không đáng có", đại diện cảnh sát Colombo cho biết.
Hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô của Sri Lanka. Ảnh: Reuters
Trước đó, cảnh sát Sri Lanka đã ban hành một lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn tình trạng biểu tình, nhưng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các đảng đối lập, nhà hoạt động nhân quyền và các đoàn luật sư. Chỉ một ngày sau khi lệnh giới nghiêm buộc phải dỡ bỏ, hàng nghìn người biểu tình đã tràn ra đường, hô vang những khẩu hiệu phản đối Tổng thống.
Người biểu tình ném lựu đạn hơi cay ngược lại phía cảnh sát. Ảnh: Reuters
Hiện tại, Sri Lanka đã rơi vào cảnh vỡ nợ, khiến 22 triệu người dân quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, thức ăn, thuốc men. Và theo những người biểu tình, chính quyền ông Rajapaksa phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, lạm phát tại Sri Lanka có thể lên tới 60% vào cuối năm, khi ấy, sẽ có khoảng 80% người dân tại quốc gia này phải bỏ bữa vì không thể mua nổi thực phẩm.