Sri Lanka sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện cá nhân cho đến ngày 10/7. Động thái này diễn ra khi nước này nỗ lực ứng phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Tối 27/6 (giờ địa phương), chính phủ Sri Lanka thông báo sẽ đóng cửa các trường học ở các khu vực thành phố trong 2 tuần và chỉ cung cấp nhiên liệu cho các mục đích thiết yếu như dịch vụ y tế, tàu hỏa, xe buýt và các phương tiện vận chuyển thực phẩm.
Quốc gia Nam Á này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và nợ nần nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ do tình trạng thiếu hụt ngoại hối khiến chính phủ không thể trả hết các khoản vay và nhập khẩu các mặt hàng cơ bản như thực phẩm và thuốc.
Sri Lanka đã vỡ nợ các khoản vay nước ngoài vào tháng 5 sau khi không thể trả các khoản thanh toán lãi suất cho hai trái phiếu chính phủ trị giá 1,25 tỷ USD, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương rơi vào tình cảnh này trong hơn 2 thập kỷ.
Ngày 27/6, Bandula Gunawardana, người phát ngôn của nội các Sri Lanka nói rằng đất nước sẽ chỉ cung cấp nhiên liệu cho các dịch vụ thiết yếu cho đến ngày 10/7. Bên cạnh đó, người dân được khuyến khích làm việc tại nhà và các dịch vụ xe buýt liên tỉnh sẽ ngừng hoạt động.
Công chức tại Sri Lanka được yêu cầu nghỉ ngày thứ 6 hàng tuần trong 3 tháng tới, chủ yếu vì tình trạng thiếu nhiên liệu khiến việc đi lại trở nên khó khăn và để khuyến khích họ trồng trọt.
“Sri Lanka chưa bao giờ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng như vậy trong lịch sử”, ông Gunawardana nói.
Cơ quan quản lý điện quốc gia cho biết, việc cắt điện khoảng 2 tiếng rưỡi mỗi ngày sẽ tăng lên khoảng 3-4 tiếng mỗi ngày.
Một tài xế cho biết vào cuối tuần trước anh đã xếp hàng đến 48 giờ để mua xăng và sau đó chỉ được mua lượng xăng trị giá 56 USD.
Chính phủ Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khoản cứu trợ khoảng 3 tỷ USD. Sri Lanka cũng tìm kiếm khoảng 4 tỷ USD hỗ trợ tài chính từ Ấn Độ và Trung Quốc để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.