>>> Mời quý độc giả xem một trích đoạn bộ phim "Phía trước là bầu trời". Nguồn: Youtube:
Loạt phim xưa bỗng nhiên gây sốt
Gần đây, cư dân mạng truyền tay nhau những trích đoạn của bộ phim Việt từng lên sóng cách đây 17 năm - “Phía trước là bầu trời” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Phim có sự tham gia diễn xuất của Hà Hương, Thu Nga, Kiều Anh, Văn Anh...
“Phía trước là bầu trời” kể về cuộc sống của những sinh viên tỉnh lẻ trong một xóm trọ nghèo. Mỗi người một tích cách, một hoàn cảnh, một khát khao. Đó là Nguyệt thảo mai, Thương hiền lành, Nhung đầy đam mê, Nghĩa vui tính, Nam mọt sách.
Khi lên sóng vào năm 2001, “Phía trước là bầu trời” được đông đảo khán giả truyền hình yêu thích, đặc biệt là giới trẻ. Hiện tại qua hàng chục năm phát sóng, phim vẫn có sức sống bền bỉ trong lòng khán giả, thậm chí gây sốt trở lại.
|
Poster phim "Phía trước là bầu trời". Ảnh: Tiền Phong |
Không chỉ "Phía trước là bầu trời" được đánh giá cao, về đề tài học sinh, sinh viên, không thể không kể đến loạt phim như: “Hoa cỏ may”, “12A và 4H”, “Xin hãy tin em”, “Hướng nghiệp”, “Biệt đội nhà C21”.
“Hoa cỏ may” gây sốt với nội dung kể về nhóm bạn thân lớn lên trong thời kỳ bao cấp. “12A và 4H” nhận được sự chú ý bởi là bộ phim đầu tiên khai thác những tâm lý phức tạp tuổi mới lớn. “Hướng nghiệp” là bộ phim truyền hình phía Nam gây bão khi đề cập đến vấn đề được dư luận quan tâm là hướng nghiệp, định hướng tương lai.
Phim truyền hình ngày xưa cũng không thiếu những tác phẩm lấy chủ đề về gia đình gây xúc động như “Của để dành”, “Mùa lá rụng”, “Chuyện phố phường”....
Về “Của để dành”, nội dung phim kể về gia đình bà Vi. Khi bà Vi bị tai nạn nằm liệt giường, ba người con của bà phó mặc việc chăm sóc mẹ cho người giúp việc. Chỉ đến khi bà Vi bỏ nhà đi, ba người con mới nhận thức được sự quan trọng của người mẹ.
“Mùa lá rụng” cũng được đánh giá cao về tính nhân văn. Phim kể về gia đình ông Bằng sống ở phố cổ Hà Nội. Là người coi trọng giá trị truyền thống, ông Bằng cảm thấy bất lực trước mong muốn rời tổ ấm của những đứa con.
|
Phim "Của để dành". Ảnh: Ngoisao |
|
Phim "Mùa lá rụng". Ảnh: VTV |
“Sóng ở đáy sông”, “Những ngọn nến trong đêm”, “Đất phương Nam”, “Con nhà nghèo” cũng từng khiến nhiều khán giả mất ăn mất ngủ khi ra mắt. “Sóng ở đáy sông” khai thác thành công nhiều vấn đề của xã hội trong thời chiến cho đến thời hậu chiến.
“Những ngọn nến trong đêm” gây sốt khi là bộ phim Việt đầu tiên lấy đề tài về nghề người mẫu. “Đất phương Nam” lại khắc họa sâu sắc cuộc đấu tranh của người dân với chế độ thực dân Pháp.
Vì sao phim xưa sống lâu, phim nay "chết yểu"?
Trái với phim Việt ngày xưa luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt, nhiều phim Việt hiện đại lại khiến khán giả ngán ngẩm bởi phim vướng hàng rổ sạn dù được đầu tư về mọi mặt. Lấy ví dụ một bộ phim truyền hình gây chú ý gần đây là “Cả một đời ân oán”.
Nội dung phim “Cả một đời ân oán” kể về gia đình Vũ gia với những mâu thuẫn ân oán chồng chéo giữa vợ - chồng, con đẻ - con rơi, anh chồng - em dâu, vợ cả - vợ lẽ. Tuy nhiên, phim bị chê xa rời thực tế khi hình ảnh mẹ chồng được xây dựng quá ghê gớm, con dâu chịu nhịn cả đời đến mức vô lý.
Diễn xuất của diễn viên phim “Cả một đời ân oán” cũng gây tranh cãi. Hồng Diễm bị chê dù diễn tròn vai nhưng không trọn vẹn. Nhiều khán giả nhận xét dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cô vẫn chỉ có một biểu cảm bình thản trên gương mặt.
|
Poster phim "Cả một đời ân oán". Ảnh: VTV |
Phim “Tình khúc bạch dương” dù mất 7 năm thực hiện và được đầu tư kỹ lưỡng với các cảnh quay ở nước ngoài vẫn bị chê tới tấp. Ngoài cài cắm quảng cáo lộ liễu, phim còn gây tranh cãi về trang phục, phát âm tiếng Nga, lời thoại.
“Tình khúc bạch dương” cũng vấp phải những ý kiến trái chiều khi khai thác quá sâu vào vấn đề ngoại tình. Càng xem, khán giả càng bức xúc trước việc các nhân vật trong phim chìm trong những mối quan hệ ngoài luồng.
Trong khi đó, phim xưa được khen ngợi có nội dung gần gũi với cuộc sống đời thường của số đông khán giả. Xem “Phía trước là bầu trời”, khán giả không quá xa lạ với câu chuyện sinh viên tỉnh lẻ đi ở trọ đầy khó khăn của các nhân vật trong phim.
Tính nhân văn của phim xưa cũng được cho là sâu sắc hơn. Phim ca ngợi người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu, luôn hướng nhân vật đến những điều tích cực. Lấy ví dụ, trong phim “Của để dành”, ba người con của bà Vi đã cuống cuồng đi tìm mẹ khi phát hiện mẹ bỏ nhà đi.
Ngoài ra, phim xưa còn được khen về khả năng diễn xuất của các diễn viên. Tham gia “Phía trước là bầu trời”, Kiều Anh, Thu Nga, Hà Hương gây ấn tượng bằng lối diễn xuất tự nhiên dù chưa có nhiều kinh nghiệm đóng phim.
Không phải ngẫu nhiên nhiều khán giả ước ao phim Việt ngày nay hay bằng những bộ phim xưa. Phải băng đây chính là bi kịch?