Vai trò quan trọng như vậy nên chỉ cần một sai sót nhỏ từ khâu này cũng có thể gây nguy hại cho phim, nhẹ thì khiến nhà sản xuất hao tiền tốn của, các thành viên trong đoàn chuốc lấy bực mình; nặng thì ảnh hưởng đến uy tín của cả tập thể, làm giảm giá trị bộ phim. Những sự cố dở khóc dở cười liên quan đến bộ phận thiết kế vẫn thường xảy ra trên phim Việt nếu đạo diễn không đủ “tầm” về mặt kiến thức lẫn độ bao quát.
Còn nhớ cách đây hai năm, dư luận cũng từng dậy sóng vì phát hiện ảnh ca sĩ Hàn Quốc Changmin của nhóm nhạc DBSK bị đưa lên bàn thờ trong bộ phim truyền hình Thề không gục ngã.
|
Diễn viên Changmin trên bàn thờ trong Thề không gục ngã. |
Chuyện “bê đại” hình người sống (lại không liên quan gì đến diễn viên thủ vai nhân vật đã chết, được thờ trong phim) “hô biến” thành ảnh thờ không chỉ đoàn phim Thề không gục ngã mắc phải, mà cũng xảy ra ở đoàn phim truyền hình Đảo gió lạnh.
Khi dựng cảnh nhân vật nữ đau buồn trước cái chết của con, thấy trên chiếc bàn của chủ nhà cho thuê bối cảnh có khung hình một bé gái, đoàn phim tận dụng ngay làm ảnh thờ. Khi đang quay cảnh nhân vật cúng kiếng, thắp nhang, thì cô bé trong ảnh đi học về, tò mò ghé xem đoàn phim làm gì, phát hiện mọi người đang xì xụp thắp nhang... mình, liền khóc òa và chạy đi mách mẹ. Đoàn phim phải năn nỉ hai mẹ con gãy lưỡi để không bị mời ra khỏi nhà, tất nhiên, tổ thiết kế phải tìm ảnh bé gái khác để thay.
Chia sẻ cách tránh sự cố trong ảnh thờ, đạo diễn Hùng Phương kể khi quay Chuyện tình công ty quảng cáo, anh dùng ngay ảnh thờ của ông bà ngoại làm đạo cụ. “Vừa yên tâm, vừa là cách mong ông bà về phù hộ cho mình làm phim suôn sẻ”.
Liên quan đến chuyện thờ cúng, hồi làm phim này, anh từng suýt “lãnh đạn” vì sai sót của tổ thiết kế khi họ treo ngược hai mảnh vải chữ Tàu ở phía đầu quan tài. Cũng may Hùng Phương biết chút đỉnh tiếng Hoa nên phát hiện kịp thời. Trong một bối cảnh khác, anh cũng kịp thời sửa sai tình huống treo nhầm tờ giấy tiếng Tàu có nghĩa là Xuất nhập bình an ở cửa buồng ngủ, thay vì đúng ra phải treo ở cửa nhà!
Khán giả am hiểu nhận ra lỗi phục trang mũ một nơi quần áo một nẻo trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn 2. Cụ thể thân mũ của lực lượng biên phòng có màu xanh lá, còn thân mũ trong phim có màu đỏ, là của lực lượng lục quân.
Những sự cố trường quay “lỗ nhỏ đắm thuyền” như vậy ở những cảnh “chết người” phần lớn do công tác thiết kế ẩu và đạo diễn “cả tin”, nhưng cũng xảy ra những chuyện dở khóc dở cười, dù đội ngũ này đã làm việc rất cẩn thận.
Họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải - người hơn 30 năm kinh nghiệm và đã làm rất nhiều phim điện ảnh đình đám như Trăng nơi đáy giếng, Nụ hôn thần chết, Lời nguyền huyết ngải, Mỹ nhân kế, Quả tim máu, Cha cõng con… còn nhớ kỷ niệm lần làm phim Năm Thìn.
Đây là bộ phim của người Anh, họ sang VN quay bối cảnh. “Đoàn xuống Cái Bè (Tiền Giang) chọn được một ngôi nhà rất đẹp, ngó ra sông. Khổ nỗi, trong kịch bản có cảnh đám tang nên chủ nhà cương quyết không cho quay. Không thể tìm ngôi nhà khác ưng ý hơn, đoàn phim đành sửa kịch bản, “di dời” đám tang ra ngoài sân, chỉ quay cảnh khách đến viếng. Một thời gian sau, đoàn phim hay tin một người trong nhà đó qua đời”, họa sĩ Mã Phi Hải kể.
Thừa kinh nghiệm về những rắc rối với chủ nhà trong cảnh tang ma, trong phim sắp bấm máy Xóm trọ 3D, để phục vụ cảnh nhóm pê-đê múa hát trong đám tang, họa sĩ Mã Phi Hải lùng kiếm một ngôi nhà hoang ở quận 7 để dựng bối cảnh cho... đỡ hồi hộp.
Diễn viên lãnh đủ
Trong giới làm phim hiện nay, hầu như chỉ có phim điện ảnh mới đầu tư chu đáo cho bộ phận thiết kế, còn phim truyền hình do kinh phí có hạn nên khá lơ là khâu này.
Nhiều họa sĩ thiết kế vốn cũng chỉ xuất thân từ “nghề dạy nghề” rồi thuê mướn người quen, người thân không hiểu gì về nghề vào phụ việc. Diễn viên Nguyễn Hậu cho biết, có lần đến trường quay, ông giật mình thấy xuất hiện dân anh chị, xăm trổ đầy mình đang dựng bối cảnh, giữ phục trang.
Ở các phim chiếu rạp, quần áo cho diễn viên được nhà sản xuất đầu tư, còn trong phim truyền hình, diễn viên phải tự lo. Nguyễn Hậu từng than trời vì sự “làm cho có” của đội ngũ nghiệp dư này.
“Có lần vào vai nhà giàu, tôi trưng dụng cái kính mát hàng hiệu của người bạn từ Na Uy mang về tặng, thêm đôi giày da của Ý rất xịn và bộ đồ vest. Đến khi quay, người giữ phục trang đưa lại cho tôi cái kính bị gãy gọng, đôi giày tróc da và cái áo vest bị ủi quá nóng đến nỗi bề mặt vải bóng loáng. Dựng bối cảnh qua loa, sơ sài như có phim thiết kế căn phòng của một quan chức người Pháp chỉ có mỗi cái bàn làm việc, phía sau lưng người ngồi là bức tường trên đó treo lá cờ Pháp, không có tủ kệ, bản đồ, thậm chí không có nổi dụng cụ cắm bút”, anh nói.
Để tiết kiệm chi phí thiết kế bối cảnh, trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn 2, cảnh đám cưới được ghi hình “tận dụng” từ đám cưới thật của nhà sản xuất bộ phim, bởi cứ nhẩm tính với chi phí cho diễn viên quần chúng là 120.000 đồng/người/ngày thì tiền phục vụ cho cảnh quay đám cưới sẽ khiến chi phí sản xuất phim đội lên rất nhiều.
Giản lược bất cứ khoản nào có thể, nên khi xem phim truyền hình, khán giả tinh ý sẽ thấy sạn lổn nhổn: diễn viên mặc quần áo của lực lượng biên phòng, nhưng lại đội mũ của lực lượng lục quân, quân hàm đeo ngược, sai biển tên, phim cổ trang nhưng trên cây búa có ghi chữ Latin, thời Pháp nhưng nhân vật đi xe đạp có chiếc giỏ phía trước vốn chỉ xuất hiện sau này.
|
Cây búa có chữ Latin trong phim cổ trang Trần Trung kỳ án. |
Dù sao chuyện bực mình, khó chịu vì khoản quần áo cũng không sợ bằng chuyện ăn uống. Diễn viên sợ nhất là những cảnh liên quan đến “ẩm thực” vì thời gian quay kéo dài mà thức ăn không được hâm nóng, nguồn gốc thức ăn cũng khó xác định nên khi đóng những cảnh này, các diễn viên hay chơi “chiêu” giả vờ gắp thức ăn đưa lên miệng rồi “cương” thoại kiểu: “À để nói nghe chuyện này” để kiếm cớ khỏi ăn.
Nếu buộc phải diễn cảnh ăn thì chỉ gắp dưa leo, cà rốt cho lành. Có lần nữ diễn viên Kiều Trinh nôn thốc nôn tháo vì uống phải ly nước chanh bị bỏ nhầm gia vị hạt nêm thay vì đường - muối.
Tất nhiên, không phải đoàn phim nào cũng gặp sai sót ở khâu đạo cụ, gây khó cho diễn viên, đạo diễn như vậy. Có những sự cố xảy ra “trời ơi đất hỡi” khiến cả đoàn khóc dở mếu dở vì chẳng lường trước được.
Những người phụ trách thiết kế của đoàn làm phim truyền hình Nơi đó có tình yêu nhớ đời lần đi tìm đạo cụ là chiếc nhẫn hột xoàn (tất nhiên là giả). Số là trong lúc giải lao, người yêu của một nữ diễn viên trong đoàn đến chơi và thấy cô này đeo trên tay chiếc nhẫn hột xoàn bèn nổi cơn ghen, gây gổ rồi tháo luôn chiếc nhẫn ném đi.
Hôm đó đoàn phim quay ở quận 2 (TP.HCM) ở một bãi cỏ trống, bùn và nước ngập xăm xắp nên việc truy lùng chiếc nhẫn là vô vọng. Không kịp tìm mua chiếc khác thay thế, đoàn phim đành nghỉ, hôm sau quay tiếp, dĩ nhiên là phải trả thêm tiền một ngày thuê bối cảnh. Chi phí này sau đó bắt “thủ phạm” lãnh và anh chàng cũng vui vẻ chấp nhận.
Phim ảnh đang bước vào thời kỳ bùng nổ, nhưng đi kèm với sự gia tăng về số lượng phim thì đội ngũ làm nghề không “nở nồi” bao nhiêu. Số họa sĩ thiết kế cứng nghề, được đào tạo bài bản như các anh Mã Phi Hải, Trần Trung Lĩnh, Lê Minh Đương, Lã Quý Tùng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phần đông là những người hành nghề theo kiểu “nghề dạy nghề”.
Vì vậy, sai sót trong thiết kế chắc chắn khó tránh khỏi, nhất là khi thiết kế là khâu dễ “ăn chặn” nhất trong đoàn phim vì nhà sản xuất, đạo diễn rất khó xác định giá trị thật của đồ vật, cảnh trí thuê mướn. Do đó nếu gặp phải người làm nghề không có tâm, đoàn phim sẽ chịu đựng nhiều phiền toái, khổ sở.
Nâng niu như “đạo cụ” động vật
Tìm “đạo cụ” là đồ vật xem ra đỡ éo le hơn “đạo cụ” là động vật, đặc biệt là khi “đạo cụ” động vật đó bị trục trặc giữa lúc quay, cần phải tìm cái khác thay thế.
Đoàn làm phim Quả tim máu nhớ đời lần chạy đôn chạy đáo tìm con heo. Số là trong phim có đoạn nhân vật cu Hù (Thái Hòa đóng) ôm con heo đi giết thịt đãi tiệc. Thông thường một cảnh phim phải thực hiện vài lần. Do thời tiết Đà Lạt khi đó quá lạnh nên con heo “đạo cụ” đã xuất hiện trong cảnh quay trước đó bỗng lăn ra chết lúc nửa đêm, báo hại tổ thiết kế phải cử người vượt đường xa, gió lạnh phi thẳng tới một trại heo và rất may tìm được một con heo khác bề ngoài tương tự con đã chết.
|
Thái Hoà và chú heo trong Tèo em. |
Trong phim Tèo em, để có con cá sấu xuất hiện ở phân cảnh Tèo em vật lộn với cá sấu trên sông, bộ phận thiết kế mua luôn một con cá sấu thật lúc nó chuẩn bị được đưa đi làm thịt, lấy bộ da rồi độn vải vào. Cảnh này lên phim chỉ một-hai phút nhưng quay ròng rã suốt bảy ngày, đến nỗi bộ da dày cộm của cá sấu bị ngâm trong nước liên tục dần rữa ra, phải “dặm vá, sơn phết” lại vì không muốn có thêm con cá sấu nào nữa “hy sinh vì nghệ thuật”.
Họa sĩ thiết kế Lê Minh Đương - từng làm các phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Truy sát, Ngọc Viễn Đông, Vệ sĩ Sài Gòn, Yêu, Em chưa 18… hài hước kể: “Đạo cụ động vật được cưng còn hơn diễn viên, trong phim Em chưa 18 sắp ra rạp, nhân vật nuôi hai con chó, có hôm một trong hai con mệt mỏi vì nắng nóng. Trong khi chờ quay, đoàn phim phải gọi một chiếc taxi đến, nổ máy xe thường trực để chú chó vào nghỉ trong không gian mát lạnh”.