- Được biết bà đã chủ động xin rút khỏi Hội đồng duyệt phim quốc gia dù không nhận bất cứ hình phạt hay sự khiển trách nào. Lý do có phải vì áp lực dư luận quá lớn?
- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi ngồi ở hội đồng duyệt lâu năm, từ khi còn là Cục phó Cục Điện ảnh từ những năm 2000 tôi cũng đã làm chứ không phải công việc quá mới mẻ. Từ khi Cục trưởng Ngô Phương Lan về hưu tôi cũng đã muốn nghỉ để tập trung công việc chuyên môn. Tuy nhiên Quyền Cục trưởng mới có thuyết phục tôi ngồi lại thêm 1 nhiệm kỳ 2 năm và gửi công văn đề nghị như vậy với Hội điện ảnh VN (vì tôi là đại diện của Hội tham gia Hội đồng chứ không phải tư cách cá nhân). Nể vì lại có thêm một nữ cục trưởng mới và Thu Hà lại là con gái NSND Hải Ninh nên tôi nhận lời tiếp tục ngồi ở hội đồng duyệt.
|
NBK Hồng Ngát từng là Cục phó Cục Điện ảnh trước khi làm Phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh. |
Tuy nhiên, không chỉ lượng phim duyệt ngày càng nhiều nên áp lực ngày một lớn, căng thẳng hơn trước vì hơi tý là mọi người biết ngay và phản hồi ngay. Người ngồi duyệt không chỉ bị áp lực từ người bị duyệt, phim được ra, phim không được ra, phim được ra nguyên vẹn hay phim bị cắt xén, hay phân loại tuổi 13-16 hay 18 cũng phải cân nhắc thận trọng không các chủ phim cũng thắc mắc. Chưa kể những áp lực về tinh thần như thế, chúng tôi còn bị áp lực về sức khỏe khi một năm phải duyệt 200-300 bộ phim ngoại và khoảng gần 40 phim Việt.
Phim ngoại thì nhập vô tội vạ, phim hay lại vô cùng ít đa phần phim kinh dị phim ma, phim tâm linh hay hành động, đánh đấm hoặc hài hước bóng bẩy... xem nhiều duyệt nhiều các thể loại này phải nói thật là rất tổn hại thần kinh. Cho nên bên cạnh các phim được ra rạp thì lượng phim không được chiếu cũng bị gạt lại rất nhiều.
Phim Việt - nếu tôi không nhầm - thì hầu như Hội đồng chưa cấm phim nào, trừ "Bụi đời chợ lớn" từ mấy năm về trước. Hôm nào có phim Việt trình duyệt thì cả Hội đồng đều háo hức và ưu tiên xem đầu tiên. Nói như vậy để thấy Hội đồng duyệt cũng rất quan tâm, rất ưu ái với phim Việt chứ không hề chặt với phim nội và thoáng với phim ngoại như nhận xét không có căn cứ của nhiều người.
Tôi thấy rất kinh hãi khi nhiều người không hiểu gì cả nhưng cứ nói như đúng rồi, nói vô tội vạ và áp đặt vô cùng cảm tính. Nói như đại biểu Quốc hội, TBT báo Nhân Dân - Thuận Hữu: “Hễ cứ lên mạng là thấy chửi". Không những thế,tôi – người trả lời bài phỏng vấn này - thấy họ còn chửi từ trên xuống dưới bằng những ngôn từ rất dã man, xách mé không từ một ai. Đúng là thời đại của "văn hóa chửi" lên ngôi!
Về việc duyệt phim, với công việc đảm nhiệm chừng đó năm thì không tránh khỏi có lúc gặp tai nạn, tai nạn một cách vô tình. Bởi những người ngồi ở vị trí đó cũng là con người chứ không phải cỗ máy, không thể lúc nào cũng hoàn hảo. Nói vậy không phải để bào chữa, thanh minh mà đó là sự thật. Bản thân tôi cũng gặp tai nạn trong sự việc vừa rồi với phim hoạt hình "Người tuyết bé nhỏ" (lý do cả Hội đồng đã bỏ lọt 3 giây chứ không chỉ riêng tôi). Tôi cũng muốn nói thêm rằng, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà ở các lĩnh vực khác, "nước lạ" cũng không từ thủ đoạn cài cắm, lừa gạt mà mình chỉ sểnh ra một tí, thiếu cảnh giác là “bị mắc“ như chơi. Đây cũng là bài học sâu sắc, nhớ đời. Dù đã nhận ra sai sót và bị Bộ Văn hóa phê bình nhưng nhiều người ở tận đâu đó vẫn nhảy lên chửi, không hiểu rõ chuyện cũng “chửi leo” - chửi - theo bầy đàn!” và chửi như là một cái mốt".
- Đó cũng là lý do bà quyết định đóng cửa facebook vì bị tấn công trên mạng quá dữ dội?
- Tôi chỉ có một cái miệng nên không thể đối thoại với hàng ngàn cái miệng của người đời, những người ở tận đẩu đâu mà tôi không thân, không quen. Chính vì vậy dù facebook là nơi tôi thường xuyên chia sẻ thông tin hàng ngày cũng phải đóng cửa để được bình an. Thêm nữa cá nhân tôi thấy mình quá mệt mỏi nên tôi đã quyết định rời khỏi Hội đồng duyệt phim quốc gia.
Tôi đã báo cáo Thường vụ Hội điện ảnh VN và Hội đã gửi công văn lên Bộ VHTT&DL đề đạt nguyện vọng này của tôi. Quyết định thành lập Hội đồng duyệt phim quốc gia là do Bộ Trưởng ký nên khi nghỉ cũng phải có công văn xin phép như vậy). Dù chưa có công văn trả lời của Bộ Văn hóa nhưng mấy tuần nay tôi không còn đi duyệt phim nữa, hội đồng chỉ còn lại 10 người. Như vậy từ giờ những ai có phim chưa được ra hay bị cắt sửa gì bởi hội đồng duyệt thì đừng có lôi tôi ra mà chửi nữa, tôi không còn trách nhiệm gì ở đây cả.
|
NBK Hồng Ngát điều hành sản xuất phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" khi đã 70 tuổi. Ảnh chụp trên trường quay với diễn viên Thuý Hằng. |
- Trong thời gian ngồi hội đồng duyệt phim bà vẫn tham gia sản xuất phim, có sự ưu ái nào với các phim bà mang duyệt hay nó vẫn bị cắt như thường như trường hợp phim sắp ra rạp là "Truyền thuyết về Quán Tiên"?
- "Truyền thuyết về Quán Tiên" là bộ phim chiến tranh cực kỳ chính thống và nghiêm túc chúng tôi vừa hoàn thành và cũng vừa trình duyệt để tham dự LHPVN lần thứ 21. Hội đồng xem chăm chú và cũng góp ý, bắt sửa 4 -5 năm chỗ rất khe khắt. Có những chi tiết phải đối thoại đến cả nửa tháng để bảo vệ mà chỉ được giữ lại được 50% trong phim. Không hề có một sự ưu ái nào với phim của tôi. Tôi là giám đốc sản xuất của phim và ngồi trong hội đồng duyệt nhưng "Truyền thuyết về Quán Tiên" vẫn không là ngoại lệ. Dù có là ai thì khi mình mang phim lên duyệt tức là đã thuộc đối tượng bị kiểm duyệt rồi nên tất nhiên mình phải tuân thủ và phải chấp hành thôi.
- Nhiều người nói ngồi trong hội đồng duyệt phim thì quyền lực lắm, thực chất công việc này với bà như thế nào mà bà quyết định xin thôi?
- Tôi nghĩ người làm nghề thì luôn say nghề, sống chết vì nghề. Tôi chưa bao giờ chán nghề, kể cả nghề viết hay nghề làm phim. Tuy nhiên việc rời Hội đồng duyệt đúng là trút được gánh nặng. Trước chúng tôi chỉ duyệt 1 tuần 2 buổi nhưng vì lượng phim nhập quá nhiều nên phải tăng lên 3 buổi. 1 tuần duyệt 6 phim ngoại chưa kể phim Việt mà thù lao tôi nói thẳng luôn không cần giấu giếm, là mỗi phim dài 90 phút hay 100 phút thì thù lao chỉ được 150.000 đồng theo quy định của Bộ Tài chính. Số tiền này là trích từ phí đóng duyệt phim của chủ phim cho Cục Điện ảnh. Ngoài ra không có một nguồn "bồi dưỡng" nào khác vì trước đó khi làm Cục trưởng, chị Ngô Phương Lan rất nghiêm nên kiên quyết không cho nhận tiền thù lao của các chủ phim và chúng tôi cũng nhất trí với quy định này.
Ngồi ở hội đồng duyệt phải gánh công việc nhiều áp lực và mất thời gian nên dù đã từng mời nhiều người như đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Bùi Thạc Chuyên, MC diễn viên Tuấn Tú... nhưng các anh ấy chỉ duyệt cùng lắm một hai tháng là chạy mất. Họ thích đi làm phim hơn. Đó là vị trí không ai muốn ngồi.
Có người nói tôi nên ra khỏi hội đồng duyệt cho nền điện ảnh phát triển!. Vâng, tôi đã đi ra rồi và hy vọng điện ảnh sẽ phát triển. Nhưng nên nhớ điện ảnh phát triển là nhờ các nghệ sĩ sáng tác ra các tác phẩm điện ảnh chứ không phải từ những người duyệt phim. Nếu phim đã hay thì cả hội đồng sẽ ngả mũ đón chào chứ không ai lại nỡ dập một tác phẩm tốt cả.
- Quyết định rời hội đồng duyệt phim ở tuổi xấp xỉ 70, bà có định dành thời gian làm phim tiếp không sau "Truyền thuyết về Quán Tiên"?
- Đúng là tôi có ý định làm một bộ phim truyện về Hà Nội ngày hôm nay. Ý định và kịch bản cũng có từ lâu rồi, trước cả phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" nhưng còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở về nguồn vốn. Tôi sinh ở Hưng Yên nhưng hơn nửa thế kỷ sống ở Hà Nội. Vì thế có thể đây sẽ là bộ phim cuối cùng chăng? Nhưng nếu dự định này không thành chắc tôi sẽ "rửa đao gác kiếm". Cũng đã đến lúc rồi!
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.