>>> Mời quý độc giả xem video: "Chí Phèo - Thị Nở: Truyện chưa kể". Nguồn VTV24: |
|
Sau bộ phim Chị Dậu (1980) và tiếp tục mạch đề tài về sự cùng quẫn, bế tắc của người nông dân Việt Nam trước năm 1945 với chất liệu được chuyển thể từ các tác phẩm văn học đặc sắc, đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa lại cống hiến cho điện ảnh Việt Nam một bộ phim kinh điển khác: Làng Vũ Đại ngày ấy.
Từ tiểu thuyết Sống mòn và hai truyện ngắn Chí Phèo và Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, bằng ngôn ngữ điện ảnh nhuần nhị đã được khẳng định qua phim Chị Dậu, đạo diễn Phạm Văn Khoa tiếp tục đưa đề tài này lên một tầm cao mới của nghệ thuật kể chuyện, xây dựng bối cảnh xã hội và đặc biệt là tài năng khắc họa nhân vật sống động và trở thành biểu tượng của điện ảnh Việt Nam.
Sống mãi với thời gian
Đặc biệt nhất trong số đó phải kể đến Bùi Cường và Đức Lưu với sự hóa thân thành hai nhân vật sống mãi với thời gian: Chí Phèo và Thị Nở. 36 năm kể từ khi bộ phim ra đời, NSƯT Bùi Cường - người vừa đột ngột qua đời ở tuổi 71 - vẫn “chết tên” với vai diễn kinh điển bước từ văn chương lên màn ảnh.
|
Tác phẩm Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa. |
Kịch bản của bộ phim được nhà văn, nữ biên kịch Đoàn Lê (người cũng đã qua đời cách đây chưa lâu) chuyển thể từ 3 tác phẩm độc lập của Nam Cao và đưa những nhân vật của ông: từ Giáo Thứ đến Lão Hạc, từ Chí Phèo, Thị Nở đến Bá Kiến, Lý Cường... quy tụ về trong một không gian văn hóa của làng Vũ Đại trước Cách mạng Tháng 8/1945.
Sự cùng quẫn, đời sống bế tắc, nghèo đói lại phải chịu sự hà hiếp, giày xéo của bọn quan lại, cường hào khiến những nhân vật của ông không chỉ là người nông dân cùng đường như Chị Dậu.
Đó còn là những cá nhân mang nỗi đau của người trí thức bất lực trước thời cuộc (Giáo Thứ), nỗi tuyệt vọng cô độc của người già neo đơn (Lão Hạc) và cả những kẻ bị ức hiếp rồi trở thành lưu manh hóa như Chí Phèo, hay xấu xí, nhỡ nhàng, bị khinh rẻ như Thị Nở.
Bộ phim mang hơi hướng tự sự qua lời dẫn chuyện của Giáo Thứ (Nguyễn Hữu Mười), người trở thành nhân chứng của những bi kịch khốn cùng ở làng Vũ Đại. Ngôi trường tư thục của anh ở Hà Nội bị đóng cửa và biến thành một nhà thuốc tư nhân, Giáo Thứ đành trở về quê để sống nhờ vợ và viết văn kiếm sống.
|
NSƯT Bùi Cường qua đời vào sáng ngày 3/8. |
Nỗi niềm của Giáo Thứ là nỗi niềm của một trí thức, kẻ sĩ thất cơ lỡ vận, như lời tự sự của anh: “Tôi như con ngựa còm, cứ ì ạch qua được cái dốc này, lại tiếp đến cái dốc khác. Bây giờ thì tương lai đóng cửa trước mắt tôi”.
Hay đó là sự tự vấn trước kiếp sống mòn: “Đời mình rồi sẽ ra sao, sẽ mốc đi, mục đi như những cảnh vật quanh đây. Mình sẽ chết mà chưa hề được sống. Chết trong lúc đang sống mới thật khốn khổ” khi trở về cánh đồng làng.
Cuộc sống ở làng quê còn tối tăm, cùng quẫn hơn: Chí Phèo (Bùi Cường), từ một anh nông dân nghèo bị đi tù oan, ra tù trở về làng lại thành kẻ bị lưu manh hóa, suốt ngày say xỉn, rạch mặt ăn vạ.
Vợ con Giáo Thứ nheo nhóc phải ăn cháo cám trừ bữa, lại chịu cảnh bị vợ ba Bá Kiến sang đòi nợ, sỉ vả hạ nhục. Lão Hạc (nhà văn Kim Lân) cô quạnh tuổi già một mình, sống cùng con chó vàng trên mảnh vườn suốt ngày bị cha con Bá Kiến tìm cách dọa nạt để cướp biến thành tài sản của lão...
Ngã ba đường của sự bế tắc
Những cảnh sống cùng cực tuyệt vọng ở làng quê ấy trở thành chất liệu để giáo Thứ viết những bài báo tố cáo sự tàn ác, nhũng nhiễu “những con mọt dân ức hiếp dân lành”, hay “những sự thật tàn nhẫn của xã hội này”. Nhưng tờ báo Quốc Hồn từng đăng những bài báo của anh bị mật thám theo dõi vì ủng hộ Việt Minh và buộc phải đóng cửa.
Giáo Thứ một lần nữa đứng giữa ngã ba đường của sự bế tắc. Trong khi những thân phận ở làng quê của anh như Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở... càng trở thành những kẻ không có đất sống ngay trên mảnh đất của làng mình và lần lượt rơi vào những bi kịch hay phải tự kết thúc cuộc đời của họ trong đau đớn, tủi nhục.
|
Chí Phèo là vai diễn để đời của cố nghệ sĩ Bùi Cường. |
Đạo diễn Phạm Văn Khoa một lần nữa tái hiện không khí của làng quê Bắc Bộ với sự dàn cảnh kỹ lưỡng, mang lại những thước phim thấm đẫm không gian văn hóa làng xã nông thôn miền Bắc.
Ông cũng thành công khi lần lượt xây dựng những nhân vật điển hình đại diện cho ba thành phần thấp cổ bé họng trong xã hội thời đó: từ trí thức nghèo, nông dân bị ức hiếp đến những kẻ bị lưu manh hóa vì bị giày xéo, vu oan.
Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật và tính cách được đạo diễn thể hiện một cách nhuần nhị, duyên dáng. Những câu thoại được sử dụng một cách thông minh, đắt giá và có sức sống lâu bền.
Trong một cuộc đối thoại với đồng nghiệp ở đoạn đầu phim, khi Giáo Thứ tâm sự trở về quê để viết văn, bạn của anh đã đáp lại rằng: “Văn chương thời buổi này, những cái mình viết với tất cả tâm hồn mình thì không được đăng, còn những bài viết vớ vẩn trên các tờ báo lá cải, thì lại có tiền”.
Trào lộng lẫn cảm thông
Với Chí Phèo, một nhân vật kinh điển đã trở thành từ cửa miệng của người Việt Nam, đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa cũng khắc họa nhân vật rất tài hoa qua khả năng diễn xuất của Bùi Cường.
Đó là một nông dân nghèo bị lưu manh hóa với gương mặt nham nhở, hai tròng mắt luôn trắng dã, hàm răng đen xỉn và câu thoại đặc sắc: “Say cho quên mẹ cái đời này đi. Uống cho tới lúc đái ra rượu mới thích”.
|
Diễn xuất tuyệt vời của cố nghệ sĩ Bùi Cường đã đem đến một vai diễn kinh điển trên màn ảnh Việt. |
Chuyện tình Chí Phèo - Thị Nở dù xuất hiện không nhiều trong phim nhưng được Bùi Cường và Đức Lưu vào vai duyên dáng, đem lại những tiếng cười trào lộng lẫn sự cảm thông, đặc biệt là cảnh buổi sáng hôm sau ở vườn chuối.
Lão Hạc, qua diễn xuất chân thật, dung dị của nhà văn Kim Lân để lại sự xót thương trước một thân phận người nông dân cùng quẫn, phải ăn bả chó để tự sát để bảo toàn mảnh vườn cho đứa con trai đang đi phu đi lính.
Gia đình Bá Kiến, đại diện cho giai cấp phong kiến thối nát và tàn ác cũng được xây dựng tâm lý đặc sắc, từ vẻ ngoài gian xảo của Bá Kiến, sự hung hăng ác độc của Lý Cường con trai lão, đến sự nanh nọc, hàm hồ của bà vợ Ba (Mai Châu).
Trong một cảnh mô tả cuộc đối đầu, lời qua tiếng lại giữa hai bà vợ, Bá Kiến thốt lên một câu: “Việc nhà có thối nát thì lấp lại, đừng có bới lên mà ngửi nữa” - đã thể hiện tài năng xây dựng nhân vật và tạo dựng không khí của biên kịch và đạo diễn.
Bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa vừa tôn trọng những chất liệu văn chương của nhà văn Nam Cao, vừa sáng tạo để tạo ra một không gian điện ảnh với khả năng kết nối tài hoa giữa ba tác phẩm độc lập trở thành một bộ phim thống nhất.
Phim để cho một nhân vật trí thức nông thôn trở thành một nhân chứng, người kể lại những bi kịch, những nỗi đau và sự bế tắc của làng quê, của con người Việt Nam một thời chưa xa.