Gần đây, diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh bị tố cáo tấn công tình dục cô gái 17 tuổi (người Anh) tại đảo Mallorca, Tây Ban Nha. Nhà chức trách nước sở tại chưa có kết luận cuối cùng, hai nghệ sĩ đang được tại ngoại nhưng bị cấm xuất cảnh.
Từ khi vụ việc xảy ra, hình ảnh Hồng Đăng lao dốc. Không chỉ bị nhiều nhãn hàng gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo, anh còn bị cắt vai khỏi bộ phim đang lên sóng. Những chương trình khác có sự góp mặt của Hồng Đăng cũng không được chiếu trong thời gian này.
Vai diễn dang dở vì bê bối đời tư
Hồng Đăng vướng cáo buộc trong giai đoạn đang tham gia bộ phim truyền hình Thương ngày nắng về, được phát sóng trên kênh VTV3. Phim về đề tài tình cảm gia đình, có sự góp mặt của nhiều diễn viên như NSƯT Thanh Quý, NSND Lan Hương, NSND Minh Hòa, NSND Trung Anh, Huyền Lizzie, Đình Tú, Lan Phương, Doãn Quốc Đam, Ngọc Huyền...
Kể từ tập 40 (lên sóng ngày 4/7), hình ảnh Hồng Đăng - trong vai Đức - biến mất hoàn toàn. Nhân vật Đức "xoăn" chỉ còn hiện diện qua giọng nói hoặc được nhắc đến trong những phân đoạn trò chuyện. Đơn vị sản xuất VFC không đưa ra thông báo chính thức, song đây là động thái rõ ràng cho thấy nam diễn viên này bị cắt vai.
Ê-kíp Thương ngày nắng về bị ảnh hưởng không nhỏ khi rơi vào thế khó, phải xoay chuyển hướng đi so với kịch bản ban đầu và đảm bảo lịch chiếu ở giai đoạn cuối. Phim đã hoàn thiện ở tập 42, dự kiến kết thúc trong tháng 7.
|
Hình ảnh Hồng Đăng trong phim trước khi bị cắt vai.
|
Trước đó, Đức từng được nhận xét là vai diễn với màu sắc khác biệt, giúp Hồng Đăng làm mới hình ảnh. Tuyến nhân vật này có yếu tố hài hước, mang lại tiếng cười cho người xem. Đức được xây dựng là kiểu đàn ông thiếu quyết đoán, không có sự nghiệp thành công, không thể làm trụ cột gia đình, bồng bột, ham vui. Sự kết hợp ăn ý với Lan Phương (vai người vợ tên Khánh) cũng tạo được hiệu ứng tốt.
Nhưng cuối cùng nhân vật không có cơ hội đi đến cuối hành trình. Chưa kể, vai diễn Đức sẽ mãi là một vết gợn khi nhắc tới Hồng Đăng sau này. Một vai diễn đáng quên trong sự nghiệp - đó là thực tế mà diễn viên sinh năm 1984 phải chấp nhận.
Từng phủ sóng màn ảnh
Hồng Đăng tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và lớp đào tạo diễn viên của Đài Truyền hình Việt Nam. Anh công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội.
Trước khi dính tai tiếng, Hồng Đăng là một trong những diễn viên nam phủ sóng phim truyền hình miền Bắc, bên cạnh Việt Anh, Mạnh Trường, Thanh Sơn, Doãn Quốc Đam... Gần hai thập kỷ qua, anh tham gia nhiều tác phẩm và được khán giả đặt biệt danh "soái ca màn ảnh".
Từ đầu những năm 2000, Hồng Đăng xuất hiện trong Lời thề cỏ non, Nhật ký Vàng Anh, Những người độc thân vui vẻ, Nhà có nhiều cửa sổ, Mặt nạ hoàn hảo.
Vai Minh Khang của Cầu vồng tình yêu (năm 2010) đánh dấu cột mốc lớn đầu tiên, đưa tên Hồng Đăng vào tầm ngắm của các đạo diễn. Cặp diễn viên "song Hồng" (Hồng Đăng - Hồng Diễm) cũng bắt đầu nổi tiếng nhờ dự án này.
Nam diễn viên từng chia sẻ ban đầu anh chỉ xin đóng một vai nhỏ để có thể tiếp tục công việc ở cửa hàng. Nhưng trong quá trình làm, đạo diễn thấy anh và Hồng Diễm có cảnh quay ăn ý và muốn khai thác thêm về cặp đôi này. Nhờ Minh Khang, anh được biết đến nhiều hơn, con đường nghệ thuật rộng mở với những bước tiến rõ rệt.
|
Hồng Đăng tham gia hàng chục phim trong gần 20 năm làm nghề.
|
Năm 2013, Hồng Đăng đảm nhận vai nam chính trong phim Giọt nước rơi, kết hợp cùng Chi Pu. Anh hóa thân thành một sát thủ. Tác phẩm này được chiếu vào khung phim cuối tuần và không mang lại hiệu ứng.
Từ năm 2015, Hồng Đăng tham gia liên tục các tác phẩm Tuổi thanh xuân, Zippo mù tạt và em, Mátxcơva: Mùa thay lá, Cả một đời ân oán, Người phán xử, Mê cung, Hoa hồng trên ngực trái, Hướng dương ngược nắng...
Vai nam chính trong Zippo mù tạt và em mang về cho Hồng Đăng giải thưởng VTV Awards và Cánh diều 2016. Anh có thêm giải Nam diễn viên truyền hình ấn tượng (VTV Awards 2018) với vai Phong (Cả một đời ân oán).
Năm 2020, Hồng Đăng và Hồng Diễm lần nữa chinh phục khán giả khi đóng cặp trong Hoa hồng trên ngực trái. Vai Bảo "tuần lộc" được yêu thích bởi hình ảnh lịch lãm, ga lăng và tình cảm.
Trong gần 20 năm làm nghề, Hồng Đăng hiếm khi bị chê diễn dở. Anh luôn thể hiện nhân vật tròn trịa, đồng thời cố gắng thay đổi màu sắc vai diễn để không gây nhàm chán, góp mặt trong cả phim hình sự và tình cảm gia đình. Ngoài vai chính diện, Hồng Đăng cũng thử sức với nhân vật hơi hướm phản diện, tâm lý phức tạp như Kiên (Hướng dương ngược nắng).
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi tần suất đóng phim quá dày đặc, Hồng Đăng bị liệt kê vào danh sách gương mặt cũ kỹ. Nhiều ý kiến cho rằng anh cần có vai diễn gai góc hoặc đột phá, mang tính dấu ấn hơn, thay vì cứ mãi an toàn như trước. Và đó là một trong những lý do thôi thúc Hồng Đăng nhận vai Đức "xoăn".
Nhưng Hồng Đăng tạm thời bị cấm sóng trước khi vai Đức kịp hoàn thiện. Từ ngày 1/7, các phim có Hồng Đăng tham gia (phát sóng lại trên VTV) như Hướng dương ngược nắng hay Mátxcơva: Mùa thay lá đều bị dừng chiếu. Chương trình Cuộc hẹn cuối tuần - Hồng Đăng làm khách mời - không thể lên sóng như thông báo ban đầu.
Các nhãn hàng từng chọn nam diễn viên làm đại diện hoặc quảng cáo bắt đầu có động thái xử lý khủng hoảng. Theo nhận định từ giới chuyên môn, vụ việc của Hồng Đăng cũng như Hồ Hoài Anh ảnh hưởng rất lớn đến nhãn hàng vì liên quan phạm trù quy chuẩn đạo đức.
Trong bài phỏng vấn trên Zing, bà Patricia Faraldo Cabana, giáo sư luật hình sự tại Đại học A Coruña (Tây Ban Nha) cho rằng trường hợp của hai nghệ sĩ Việt có thể “khá nặng”. Theo bà, họ chỉ có thể về nước khi được xử trắng án.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Bộ Văn hóa chờ kết luận từ cơ quan chức năng Tây Ban Nha trước khi có phương án xử lý các bước tiếp theo.