Ai từng xem Hoài Linh diễn đều phải đồng tình danh hài có cái duyên “trời cho ai nấy hưởng”. Cũng câu nói ấy, cũng dáng ngồi ấy, cũng điệu bộ ấy, qua cách thể hiện của diễn viên khác chưa chắc khán giả đã cười nhưng nếu là Hoài Linh diễn thì người ta phải cười ngả, cười nghiêng, “cười như được mùa”.
Nói như “vua hài đất Bắc” Xuân Hinh, Hoài Linh có sự tài hoa. Trong khi nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định Hoài Linh có lối diễn hài gần gũi, dân dã, đậm chất Nam Bộ. Có lẽ, cũng chính sự kết hợp giữa tài hoa và dân dã đã đưa Hoài Linh lên đỉnh cao của sự nghiệp dù so với các danh hài khác, anh không phải người được học hành bài bản.
|
Hoài Linh thành công với nhiều vai giả gái. |
Không học hành bài bản
Hoài Linh từng hơn một lần thành thật rằng anh không phải người được đào tạo bài bản về diễn xuất. Không qua trường lớp, không được chỉ dạy về “khuôn vàng thước ngọc” của sân khấu, cũng không đi lên từ chính kịch như nhiều danh hài đương thời. Thay vào đó, nam nghệ sĩ đi lên từ bản năng về diễn xuất. Và đến tận bây giờ, lối diễn của anh vẫn thiên về bản năng.
Quan sát kỹ, không khó để nhận ra Hoài Linh không có nhiều kỹ thuật trong diễn xuất. Cách diễn không dụng công, đài từ, giọng nói cũng không tròn trịa như những người học hành. Nhưng cái duyên trên nét mặt, biểu cảm, diễn xuất thì không thể phủ nhận.
Chính sự duyên dáng bản năng mà không phải người học hành nào cũng có ấy đã đưa Hoài Linh, vốn chỉ là một người điều khiển chương trình tiệc cưới, bất ngờ được một nhà viết kịch chọn mặt gửi vàng. Và cũng từ đó, Hoài Linh lên như “diều gặp gió” ở bên Mỹ.
Thực ra, Hoài Linh nổi tiếng ở hải ngoại trước khi về Việt Nam. Nhưng anh thực sự xây dựng được danh tiếng, vị thế, sức ảnh hưởng khi về nước và trở thành cây hài ăn khách của Sân khấu Nụ cười mới.
Các vai diễn của Hoài Linh tại sân khấu này đã giúp anh đoạt nhiều giải thưởng. Cũng từ đây, nam danh hài đã thực hiện nhiều live show như Bí mật bật mí bị mất, Những tên cướp biển vùng Caribê, Hoài Linh Kung fu, Hoài Linh kỳ án, Chàng khờ và kẻ lưu manh, Đời bạc lắm, Kệ, Cười trước đã...
Hoài Linh góp phần không nhỏ vào giai đoạn thành công rực rỡ của sân khấu hài trước khi chuyển sang giai đoạn bùng nổ game show, hài kịch trên sóng truyền hình.
Nam nghệ sĩ trở thành một trong những “vedette” của làng hài. Đến nay, anh cũng là nghệ sĩ hiếm hoi vẫn đều đặn có live show riêng, vẫn bán được vé và vẫn được yêu thích.
|
Lối diễn xuất "diễn như không diễn", thiên về dân gian miền Trung và Nam Bộ của Hoài Linh chiếm được tình cảm từ khán giả. |
Diễn như không diễn
Đặc trưng của Hoài Linh là lối diễn hài tự nhiên, diễn như không diễn. Không cầu kỳ, tô vẽ cho diễn xuất của mình. Như NSƯT Trần Minh Ngọc từng đánh giá Hoài Linh đã vận dụng cái duyên sân khấu đầy ngẫu hứng. Diễn thông minh, biết tung hứng, biết tương tác. Tương tác với khán giả và tương tác với cả chính đồng nghiệp.
Vì giỏi tương tác, Hoài Linh dễ tung hứng với bạn diễn, anh đóng với ai cũng hợp. Nam nghệ sĩ từng gây ấn tượng khi đóng với "vua hài đất Bắc" Xuân Hinh trong Xử chửa hoang dù trước đó người ta vẫn hay đặt hai danh hài lên bàn cân, cho là “một chín một mười”.
Anh cũng để lại dấu ấn mạnh về hài khi hợp tác với Chí Tài. Hai người trở thành bạn diễn ăn ý suốt nhiều năm trong các dạng vai khác nhau từ bạn bè, thông gia, thậm chí vợ chồng, tình nhân.
Ngoài các bạn diễn nam, Hoài Linh cũng ăn ý với nhiều gương mặt diễn viên nữ như Hồng Vân, Thúy Nga, Việt Hương. Như một gam màu trung tính, Hoài Linh dễ kết hợp với bạn diễn, không bị “ngợp”, không bị lệch tông, tôn bạn diễn nhưng vẫn giữ được nét diễn của mình.
Một trong những nét diễn ấy là “cười cùng khán giả”. Nhiều câu thoại, do chính Hoài Linh nói ra, nhưng khi khán giả cười, anh cũng cười.
Có người gọi đó là “cười mồi”, tức một kỹ thuật biểu diễn. Nhưng cũng không ít người đồng tình, Hoài Linh đã đóng hai vai trò khi diễn xuất, vừa là diễn viên, vừa là khán giả. Bởi lẽ, đâu có ai cấm diễn viên không được cười với tình huống gây cười mà chính mình tạo ra?
|
Ngoài diễn xuất, Hoài Linh cũng hát được cải lương, bolero. |
Đa năng, đa tài
Giả gái không phải là độc quyền của Hoài Linh vì nhiều danh hài Việt cũng thành công nhờ đóng vai nữ. Nhưng sở dĩ giả gái được xem là thương hiệu của Hoài Linh vì anh duyên nhất là giả gái và cũng đẹp nhất khi hóa thân làm nữ giới.
Dáng người thanh mảnh, đôi mắt lúng liếng giúp những vai nữ của Hoài Linh chinh phục được số đông công chúng, dù cũng có thời điểm, anh bị cho là đóng quá nhiều, lạm dụng và hơi "thô".
Đáng nói, dù ghi dấu ấn với giả gái, không có nghĩa danh hài bị “chết vai”, anh đóng ông lão nhà quê, vai cha già, ông thông gia, thậm chí gã ăn xin giàu có cũng đều chiếm được tình cảm của khán giả.
Hoài Linh có sự linh hoạt trong diễn xuất. Ngoài hài kịch, Hoài Linh tham gia nhiều dự án điện ảnh. Có những bộ phim không thành công, nhạt nhòa nhưng cũng có vai diễn ghi được dấu ấn như vai ông Tư Lành trong Dạ cổ hoài lang.
Dù đâu đó vẫn có người cho rằng Dạ cổ hoài lang phiên bản điện ảnh quá kịch, nhưng sự lột xác về diễn xuất của Hoài Linh là không thể phủ nhận. Với Tư Lành, khán giả thấy một góc hoàn toàn khác trong diễn xuất của Hoài Linh. Hoài Linh không chỉ là một nghệ sĩ hài.
Nói về sự đa tài của “hai lúa” Hoài Linh, không thể không kể đến việc anh có thể hát được. Nhưng không phải là kiểu hát “nghe được” mà là hát hay. Anh hát được cải lương, dân ca Nam Bộ, bolero, thậm chí nhạc trẻ đều ổn. Nhiều tác phẩm của anh trở nên sinh động hơn nhờ lồng ghép với âm nhạc.
Hoài Linh cũng là người hiểu về đời sống âm nhạc và thực sự cho thấy là một người đau đáu với nhạc truyền thống, trong đó có cải lương. Những ví dụ, những dẫn chứng, những nhận xét của Hoài Linh về cải lương khi làm giám khảo Gương mặt thân quen suốt nhiều mùa là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đấy.
Đau đáu như “tằm rút ruột nhả tơ”, với nghề, với nghiệp thì thành công và danh tiếng là tất yếu.