“Đất rừng phương Nam” gây ồn ào, giới chuyên môn nói gì?

Google News

Nhà thơ, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm về ồn ào của phim Đất rừng phương Nam.

Đất rừng phương Nam đã chính thức ra rạp sau 3 ngày chiếu sớm. Tính đến sáng 16/10, phim đạt mức doanh thu gần 45 tỷ đồng. Dù nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn cũng như khán giả nhưng bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng vướng ồn ào ngay khi ra mắt. Phim bị chỉ trích xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn...
Mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ trên Dân Việt về lùm xùm xuyên tạc lịch sử của phim Đất rừng phương Nam: “Theo như lời của Hội đồng duyệt phim nhận định, bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam không vi phạm luật điện ảnh nhưng có một yếu tố làm cho người ta dễ hiểu sai. Đó là phim lấy tên Đất rừng phương Nam.
Lấy tên, lấy cảm xúc của tác phẩm văn học nhưng lại nói về một thời kỳ khác. Tác phẩm văn học là thời kỳ 1945 phim lại là năm 1920 – 1930. Cho nên người xem phê phán là đúng. Không nói đến chuyện xuyên tạc lịch sử hay không mà hai thời kỳ này rất khác nhau.
Bất kỳ bộ phim nào, trừ khoa học viễn tưởng ra cũng phải có không gian lịch sử nhất định. Điện ảnh có quyền phóng tác, hư cấu nhưng bối cảnh từ trang phục cho đến lời nói, sự kiện không thể sai được. Nhà làm phim có thể thêm vào những khoảng trống lịch sử chưa lấp đầy...
...Điện ảnh phải có mục tiêu rõ rệt khi làm phim, muốn ca ngợi gì, tôn vinh gì, cho dù khách quan nhất. Cho nên việc làm cho câu chuyện lẫn lộn giữa 2 thời kỳ lịch sử tuy chỉ cách nhau có 2 thập kỷ nhưng rất quan trọng vì đó là thời kỳ thay đổi rất lớn trong đời sống văn hóa, xã hội, đặc biệt là chính trị.
Nếu như Cục trưởng Cục Điện Ảnh Vi Kiến Thành nói phim Đất rừng phương Nam là bối cảnh những năm 1920 -1930 thì chưa có Việt Minh, thậm chí chưa có Đảng Cộng Sản, Đảng Cộng Sản đến năm 1930 mới hình thành. Chuyện đó không ai phê phán nhưng rõ ràng phim lấy tên Đất rừng phương Nam của giai đoạn 1945-1946 thì không thể bỏ qua vai trò của Việt Minh.
Câu chuyện phải được làm rõ và nói đến ở câu chuyện này là: "Vậy phim Đất rừng phương Nam nói về thời kỳ lịch sử nào, phải nói rõ ra. Chuyện phim có liên quan gì đến nhà văn Đoàn Giỏi hay bộ phim truyền hình Đất phương Nam đã có.
Tại sao phim không lấy một tên mới hoàn toàn. Theo tôi, trong chừng mực nào đó, đây cũng là một sự vi phạm bản quyền về tên gọi, về tinh thần tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi. Hay nói một cách thiếu thiện chí là "treo đầu dê bán thịt chó".
Chính vì phim lấy tên Đất rừng phương Nam là nguyên vẹn tên một tác phẩm đã ăn sâu trong tâm thức mọi người rồi. Thêm vào đó, phim cũng kế thừa cả bộ phim truyền hình trước kia, là một bộ phim truyền hình trung thành với Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Nếu giữ đúng tinh thần đó thì người ta sẽ chỉ nói phim của Nguyễn Quang Dũng hay hay dở.
Nhưng phim lấy tên Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi mà thời kỳ của phim lại là 1915-1920 - thời kỳ lịch sử khác với tác phẩm văn học. Cho nên bảo chê oan thì không đúng vì người ta phê phán bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam trên tinh thần của tác phẩm văn học Đất rừng phương Nam năm 1945”.
“Dat rung phuong Nam” gay on ao, gioi chuyen mon noi gi?
 Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Dân Việt.
Nhà thơ, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt cũng bày tỏ quan điểm về ồn ào của phim Đất rừng phương Nam. Người Lao Động dẫn lời nhà thơ này: “Vì đây là một phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng. Do đó, những tranh cãi về chi tiết lịch sử, cũng như sự xuất hiện của các nhân vật như thế nào so với nguyên tác rõ ràng đang tạo ra một cuộc tranh cãi cần thiết.
Ở góc độ một người đọc tác phẩm và một người xem phim, tôi cũng đồng ý là có những thứ hoàn toàn không có trong tác phẩm văn học, cũng như nếu so với bối cảnh lịch sử thì có nhiều chi tiết trong phim cũng không hợp lý.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là một phim giải trí không phải là phim lịch sử, việc ê-kíp hư cấu để tạo ra kịch tính cho câu chuyện là có thể hiểu được. Vấn đề quan trọng là cách chúng ta hư cấu có tạo ra sự đồng thuận với cảm xúc khán giả có hiểu biết về lịch sử vùng đất, hay là chúng ta đi ngược lại với những gì thuộc về lịch sử của vùng đất đó.
Do đó, chúng ta không cần quá soi xét, nhất là khi đây cũng không phải là một phim lịch sử. Chưa kể về mặt tư liệu lịch sử, tôi cho rằng chúng ta cũng chưa có một hệ thống quy chuẩn nhất định về trang phục của các thời kỳ một cách tường minh, để từ đó dựa vào đó mà soi chiếu với phục trang của các nhân vật trong phim".
“Dat rung phuong Nam” gay on ao, gioi chuyen mon noi gi?-Hinh-2
 “Đất rừng phương Nam” gây ồn ào. Ảnh: Báo Đồng Nai. 
Trước đó, khi phim ra rạp, không ít nghệ sĩ đánh giá về phim. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - người thực hiện phim truyền hình Đất phương Nam dành lời khen cho ê-kíp: “Đất phương NamĐất rừng phương Nam, một ví dụ cụ thể về sự khác biệt giữa ngôn ngữ truyền hình nhiều tập và ngôn ngữ điện ảnh. Thấy rõ cả một quá trình nỗ lực sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và đoàn phim dựa trên những chất liệu cũ.
Một kịch bản thông minh chọn lọc những nhân vật và sự kiện thích hợp phục vụ cho một ý tưởng mới. Đường dây An và Út Lục Lâm, một cặp nhân vật đầy xung đột và khó lường, dẫn khán giả xuyên suốt bộ phim với nhiều tâm trạng thú vị. Một vài nhân vật mỏng đi nhường chỗ cho vài nhân vật dày lên: Ông Tiều (Tiến Luật), Tư Mắm (Băng Di) thực sự ấn tượng với lối diễn đa dạng.
Và cao trào đã bất ngờ tạo cho bác Ba Phi Trấn Thành một chiều sâu nhân vật. Những sự kiện sôi động xen kẽ với những khoảng lặng đầy chất thơ, dính kết nhau tạo nên một bữa tiệc nhiều mùi vị.
Đạo diễn khôn khéo dùng giọng điệu hóm hỉnh (nhưng không phải hài trào phúng) để kể về một thời bi tráng hào hùng của vùng đất phương Nam, với những người hùng áo vải đúng nghĩa. Dàn diễn viên hợp vai, sinh động, đặc biệt Tuấn Trần (Út Lục Lâm) và bé Hạo Khang (An).
Và những thế mạnh của điện ảnh: Hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, bối cảnh hoành tráng được khai thác tối đa đầy hiệu quả. Cứ một phim mới ra đời, tôi lại nghĩ đến hình ảnh người nông dân sàng gạo, những hạt lép rơi xuống, đọng lại trên sàng một ít những hạt đẹp. Đất rừng phương Nam sẽ nằm trong số những phim ghi dấu chặng đường phát triển của điện ảnh nước nhà”.
Diễn viên Oanh Kiều cũng khen ngợi Đất rừng phương Nam: “Lần đầu tiên xem phim mà mình đã chạm được cười trong nước mắt, cảm giác đó nó hạnh phúc lắm. Một bộ phim cảnh miền quê mình đẹp đến nao lòng, một câu chuyện phim dễ thương và cảm động”.
Liên quan đến lùm xùm của phim, theo Vietnamnet, trước những ý kiến cho rằng phim Đất rừng phương Nam xuyên tạc lịch sử, ngày 14/10, nhà sản xuất đã phải làm việc với Cục Điện ảnh để thẩm định lại và thống nhất việc sửa chữa những nội dung gây tranh cãi.
Sau buổi làm việc, nhà sản xuất chủ động đề xuất với Cục Điện ảnh về việc sửa phần thoại trong phim, chuyển từ "Nghĩa Hoà Đoàn" thành "Nam Hoà Đoàn" và "Thiên Địa Hội" thành "Chính Nghĩa Hội". Quá trình chỉnh sửa hoàn thành trong ngày 15/10. Ngày 16/10, nhà sản xuất quyết định chính thức công chiếu phim thay vì ngày 20/10 như dự kiến.

Xem trailer phim Đất rừng phương Nam. Nguồn Vietnamnet


Thu Cúc (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)