Cảnh "nóng" trên phim Việt giờ vàng: Nên hay không nên?
Vấn đề cảnh "nóng" trên phim không ít lần gặp phải phản ứng trái chiều từ dư luận. Những bộ phim truyền hình từng gây tranh cãi vì cảnh "nóng" có thể kể đến như: Người phán xử, Quỳnh búp bê, Anh có phải đàn ông không, Hành trình công lý, Mộng phù hoa, Tiếng sét trong mưa…
Lấy cảm hứng cuộc sống của gái làng chơi, bộ phim Quỳnh búp bê thời điểm mới lên sóng những tập đầu tiên (năm 2018) đã nhận nhiều ý kiến trái chiều vì có nhiều cảnh nóng và bạo lực. Trước những phản ứng gay gắt từ khán giả, bộ phim đã bị dừng chiếu và thay vào khung giờ đó là một bộ phim khác. Sau khi "dán nhãn độ tuổi", chuyển khung giờ phát sóng, Quỳnh búp bê mới được trở lại màn ảnh.
Tiếng sét trong mưa (năm 2019) chiếu vào khung giờ vàng trên kênh truyền hình Vĩnh Long cũng từng bị chỉ trích dữ dội vì nhiều cảnh "giường chiếu", phản ánh mối quan hệ trái với luân thường đạo lý.
Anh có phải đàn ông là bộ phim khai thác chủ đề tình cảm gia đình được phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV3 năm 2022. Tuy nhiên ngay khi vừa mới phát sóng tập đầu tiên, bộ phim đã nhận về nhiều tranh cãi vì cảnh "nóng" giữa cặp vợ chồng Lệ (Việt Hoa) và Nhật Minh (Hà Việt Dũng). Trong phân cảnh này, Lệ mặc váy ngủ gợi cảm và liên tục có những hành động khiêu gợi chồng mình. Nhiều khán giả đã để lại bình luận cho rằng cảnh "nóng" này là không phù hợp với một bộ phim phát sóng khung giờ vàng - có lượng lớn khán giả quan tâm.
Hành trình công lý đang phát sóng trên VTV3 những ngày qua cũng khiến dự luận "dậy sóng" vì cảnh "nóng" xuất hiện tần suất nhiều và được cho là táo bạo giữa Hoàng (Việt Anh) và Hà (Huyền Trang)….
Quả thật phim truyền hình Việt từ trước tới nay vẫn luôn được "gắn mác" là phim dành cho gia đình. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là nên hay không nên có cảnh "nóng" trên phim truyền hình Việt giờ vàng.
Trước vấn đề này, chị Hồng (Mẹ Bảo Linh) là khán giả thường xuyên theo dõi phim truyền hình Việt chia sẻ với Dân trí: "Tôi nghĩ phim truyền hình chiếu trên khung giờ vàng là phục vụ gia đình, nhiều đối tượng khán giả vì vậy cảnh "nóng" cũng nên tiết chế, nhẹ nhàng không nên mạnh bạo như phim chiếu rạp được. Nhất là những cảnh "nóng" kèm theo giọng nói của nhân vật như các phim nước ngoài thì tôi không thích lắm và theo tôi là không nên. Nhìn chung, tôi thấy cảnh "nóng" trong phim truyền hình Việt hiện nay đa phần đang ở mức vừa phải và tôi nghĩ chỉ nên nhẹ nhàng, không quá đặc sắc".
Biên kịch Trịnh Khánh Hà - tác giả của rất nhiều "bom tấn" phim truyền hình Việt bày tỏ với PV Dân trí: "Việc bộ phim có cảnh "nóng" hay không phụ thuộc vào nội dung, câu chuyện mà bộ phim đó kể dù là bất cứ đề tài nào. Có phim cần và cũng có rất nhiều những nội dung không cần dùng đến cảnh "nóng". Từ góc độ của người làm nghề, chúng tôi luôn mong muốn không bị giới hạn về cách thức cũng như hình thức thể hiện trong quá trình phát triển nội dung kịch bản, làm phim".
Đồng quan điểm, nhà báo Minh Ngọc (Nick M) cho biết: "Tôi nghĩ cảnh "nóng" nên hay không nên trên phim Việt giờ vàng hiện nay nó không quan trọng bằng chất lượng nội dung phim. Chúng ta cứ hay bị nhạy cảm khi nhắc tới cảnh "nóng", rồi nên chiếu giờ nào. Tuy nhiên, hãy nhìn sự phát triển của các series trên thế giới. "Game of Thrones" có cảnh "nóng" không? Có chiếu giờ vàng không? Thay vì tìm cách mổ xẻ hay ngăn chặn bằng những tiêu chí rất chung chung, hãy cụ thể hóa phim truyền hình bằng những tiêu chí về chất lượng".
Phim Việt có cảnh "nóng" sẽ hấp dẫn khán giả hơn
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí: Phim có cảnh "nóng" có hấp dẫn khán giả hơn không?
Biên kịch Trịnh Khánh Hà thẳng thắn cho biết: "Về nội dung câu hỏi của bạn tôi có thể khẳng định là có. Đây là thực tế đã trở thành công thức "chế tạo phim" mà rất nhiều nhà sản xuất áp dụng rồi. Tuy nhiên, đó là phim nói chung, còn phải xem những phim đó phát ở đâu, nền tảng nào, đối tượng khán giả là ai. Ở đây không phải để chiều theo thị hiếu khán giả mà bản thân việc đó là quan trọng để chúng tôi thể hiện chân thật nhất, sâu sắc nhất, đúng nhất những gì mình muốn gửi tới khán giả, đạt tới hiệu quả nghệ thuật, chạm tới cảm xúc của người xem".
Trước vấn đề, yếu tố nghệ thuật và mục đích "câu view, câu khách" của cảnh nóng trong phim, biên kịch Trịnh Khánh Hà chia sẻ: "Việc dùng cảnh "nóng" trên phim truyền hình để "câu view" là con dao hai lưỡi, lợi bất cập hại, rất dễ gặp phản ứng trái chiều, tôi không làm phim truyền hình hướng đến khán giả đại chúng sẽ lựa chọn cách thức đó để "câu kéo" khán giả đâu.
Nếu có thì những hình ảnh đó chắc chắn rất cần thiết để phục vụ cho mục đích thể hiện câu chuyện của họ. Không ai dại gì chọn bị "ném đá". Áp lực từ ý kiến trái chiều là rất lớn, thậm chí đôi khi ám ảnh đối với người làm phim chúng tôi, mặc dù chúng tôi có lí do của mình và thường vẫn rất tin vào sự lựa chọn của mình".
NSND Nhuệ Giang - đạo diễn của những tác phẩm phim điện ảnh nổi tiếng chia sẻ: "Với tôi, một tác phẩm nghệ thuật, một cảnh "nóng" được gọi là nghệ thuật dù là trên phim điện ảnh hay phim truyền hình thì cảnh đó nhằm mục đích phục vụ và bổ trợ cho nội dung của phim, nó làm người ta hiểu một cách đầy đủ hơn về mối quan hệ của các nhân vật trong phim. Và những cảnh "nóng" nhưng không hề dung tục. Điều cuối cùng, là tại sao phải hạn hẹp điểm nhìn, giới hạn sự sáng tạo".
Nhà báo Minh Ngọc (Nick M) nói: "Cảnh "nóng" câu khách mà phim vẫn dở thì đáng phê phán. Cảnh "nóng" quay đẹp và bổ trợ cho phim, để phim hay hơn là đáng khích lệ.
Cảnh "nóng" trên phim truyền hình Việt Nam hiện nay tôi thấy là khá bình thường. Như hôm trước có một bộ phim khiến dư luận sôi sục lên vì quá "nóng", nhưng khi xem tôi thấy nó không "nóng" như nhiều người nói.
Tuy nhiên, góc quay và cách set ánh sáng của các cảnh "nóng" một số phim truyền hình Việt Nam hiện nay tôi thấy khá thô, tính thẩm mỹ chưa cao, chính vì thế, nó dễ rất đến việc bị coi là phản cảm. Hãy cứ thử set ánh sáng trông "nghệ" một chút, có cách thể hiện mang tính thẩm mỹ cao hơn với việc "chơi" cùng ánh sáng và bối cảnh thì cảnh nóng ắt sẽ "nghệ" hơn nhiều".