Ở các cuộc thi hoa hậu trong nước, đo nhân trắc học là vòng thi không thể thiếu. Đây là cơ sở để ban giám khảo đánh giá vẻ đẹp ngoại hình của thí sinh, cũng như kiểm tra vấn đề thẩm mỹ. Quá trình này thường do đội ngũ y bác sĩ chuyên môn đảm nhận. Hội đồng giám khảo có trách nhiệm giám sát và xem báo cáo.
Đo nhân trắc học như thế nào?
Theo chia sẻ từ Mâu Thủy, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, khi bước vào vòng này, các thí sinh phải cởi bỏ trang phục, chỉ mặc quần lót. Hầu hết bác sĩ là nữ.
Kiểm tra nhân trắc học không đơn giản là đo ba vòng ngực, eo và hông. Các thí sinh được đo cân nặng, chiều cao đứng, chiều cao ngồi, vòng cánh tay, vòng đùi, chiều rộng của vai. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đo chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể dựa trên cân nặng và chiều cao để xác định gầy hay béo).
Ngoài ra, chuyên gia sẽ kiểm tra 5 điểm chạm để xác định thí sinh có đôi chân thẳng đẹp. Ðó là điểm chạm giữa hai đùi, hai đầu gối, hai bắp chân, hai mắt cá chân trong và khớp giữa hai ngón chân cái khi đứng. Ở bước này, không nhiều thí sinh đạt được 5 điểm chạm.
"Ngoài chỉ số hình thể, tỷ lệ gương mặt cũng được kiểm tra kỹ. Các chuyên gia còn vặn mũi, bẻ cằm để biết thí sinh có phẫu thuật thẩm mỹ hay không. Tỷ lệ hoàn hảo được tính dựa trên khoảng cách giữa hai mắt, khoảng cách từ mũi đến miệng, từ miệng đến cằm. Tuy nhiên không có con số cụ thể, mà nhờ vào sự cân đối hài hòa trên gương mặt", Mâu Thủy tiết lộ.
Cũng theo á hậu, hàm răng, màu mắt, mái tóc, làn da, ngôn ngữ hình thể góp phần vào vẻ đẹp tổng thể của một thí sinh.
|
Mâu Thủy tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. Ảnh: Việt Hùng.
|
Á hậu Phương Nga tâm sự cô cũng có kỷ niệm khó quên khi thi hoa hậu vào năm 2018. "Tôi không thấy sợ hay lo lắng khi đo nhân trắc học, nhưng cảm giác ngại là điều khó tránh. Ngoài các số đo nói trên, bác sĩ còn kiểm tra màu da. Ai tắm trắng hay can thiệp phương pháp gì đều bị phát hiện", người đẹp nhớ lại.
Về vấn đề kiểm tra để phát hiện thí sinh "dao kéo" ở vòng nhân trắc học, nhà sử học Dương Trung Quốc, Trưởng ban giám khảo Hoa hậu Việt Nam 2020, từng bày tỏ đây là bài toán đau đầu. Hoa hậu Việt Nam cơ bản vẫn đề cao vẻ đẹp tự nhiên, chỉ chấp nhận thí sinh xăm lông mày, chỉnh sửa răng (có hồ sơ y tế).
"Tôi muốn nói đến nhu cầu làm đẹp của chị em, mà làm đẹp tức là phải can thiệp. Khó nhất ở chỗ ngưỡng can thiệp đến đâu là phù hợp. Vì nếu lạm dụng, đương nhiên không còn đường nét ban đầu. Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản từ gương mặt mộc cho đến khi make-up đã thấy có khoảng cách rồi. Có thí sinh bơm hoặc tiêm chất gì đó lên mặt. Các bạn nói rằng làm từ lâu và chất đó sẽ không còn chỉ sau nửa năm. Nhưng khi kiểm tra, đội ngũ chuyên môn vẫn phát hiện ra. Khi bị loại, các bạn có chút ấm ức. Bản thân giám khảo cũng tiếc một số ứng viên tiềm năng, nhưng đã là quy định thì chúng ta phải tuân thủ", ông Dương Trung Quốc chia sẻ.
Vòng thi mặt mộc
Một trong những phần quan trọng khác ở các cuộc thi sắc đẹp trong nước là vòng chụp ảnh mặt mộc. Thí sinh phải để mặt mộc hoàn toàn, không sử dụng son bóng hay kem chống nắng, cũng không được tạo kiểu tóc.
Theo thông tin hậu trường, nhiều thí sinh rất "ăn" trang điểm và ánh đèn sân khấu. Do đó, ban giám khảo cần gặp trực tiếp, chấm mặt mộc để nhìn rõ từng đường nét gương mặt.
Kết quả chấm thi hoa hậu bao gồm cả một quá trình, từ điểm mặt mộc, nhân trắc học cho đến phỏng vấn kín và các màn trình diễn trực tiếp trên sân khấu. Á hậu Thụy Vân chia sẻ khi làm giám khảo Hoa hậu Việt Nam năm 2020: "Với tôi, điều khó khăn nhất là đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi cái đẹp còn tùy vào góc nhìn, quan niệm của từng người. Chưa kể, có người bạn nhìn lần một chưa thấy đẹp, lần thứ hai lại thấy đặc biệt".
Thông thường, ở các quốc gia khác, thí sinh hoa hậu cũng trải qua vòng chụp ảnh mặt mộc. Ví dụ, gần đây, cuộc thi Miss England 2021, Miss Earth Philippines 2021 công bố bộ ảnh không trang điểm của dàn người đẹp. Các đấu trường quốc tế như Miss Universe, Miss Grand International cũng đưa hoạt động chụp hình mặt mộc vào lịch trình chung.
|
Phương Nga tại Miss Grand International 2018. Ảnh: MGI.
|
Tuy nhiên, theo tiết lộ từ một số người đẹp từng thi quốc tế, Miss Universe, Miss World, Miss Grand International hay Miss International không thực hiện việc đo nhân trắc học. Họ sử dụng số đo thí sinh cung cấp từ trước. Tại Miss Grand International 2018 (Phương Nga tham gia), ban tổ chức chỉ đo chiều cao và cân nặng của thí sinh.
Lâu nay, ở các cuộc thi quốc tế, ban tổ chức không có quy định cấm thí sinh dao kéo. Có lẽ vì vậy việc đo nhân trắc học là không bắt buộc.