Thời tôi làm trưởng ban tổ chức, kiêm trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trong hơn 20 năm, có nhiều vị giám khảo nổi tiếng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, GS Nguyễn Quang Quyền (đã mất)... Có cả nữ giám khảo nổi tiếng như Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, nhà tạo mẫu Minh Hạnh... Nhưng không ai được vào phòng “đo đạc”, không ai được quan sát thí sinh trực tiếp trong trạng thái Eva như TS Thẩm Hoàng Điệp vì chị là nhà nhân trắc học có nhiệm vụ quan sát tận mắt những người đẹp dự thi trong trạng thái Eva và sau đó trao đổi lại cụ thể vẻ đẹp hình thể và chỉ số nhân trắc học cho ban giám khảo.
Chị tâm sự với tôi: “Mỗi lần vào phòng đo, được quan sát thí sinh trong trạng thái Eva tôi thấy nhiều em rất đẹp... Đẹp lắm!...”.
Và chị nhắc lại câu nói của GS Nguyễn Quang Quyền, người thầy đã khuyến khích, động viên chị theo con đường nhân trắc học: “Vẻ đẹp hình thể của thiếu nữ Việt Nam không thua kém gì các nước khác...”. Tôi đã mời GS Nguyễn Quang Quyền nhà nhân trắc học nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam (ông đã mất vì tai nạn ôtô) tham gia ban giám khảo cuộc thi hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức năm 1992.
Ông thường nói rằng vẻ đẹp hình thể của các thiếu nữ Việt Nam không thua kém nhiều nước trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn chưa có hoa hậu nào đăng quang những cuộc thi lớn như cuộc thi Hoa hậu Thế giới vì các người đẹp của chúng ta còn thiếu tự tin khi ra với thế giới rộng lớn!
Có lẽ vì “truyền thống khép kín” về văn hóa của chúng ta qua nhiều thế kỷ chăng?! Tôi đồng tình với ông nhận định này. Chỉ có tự tin đi ra với thế giới bên ngoài vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam mới thực sự tỏa sáng!
|
TS Thẩm Hoàng Điệp trả lời phỏng vấn của MC trong một cuộc thi nhan sắc
|
TS Thẩm Hoàng Điệp quê gốc ở Hà Nội. Chị gắn bó với Đại học Y khoa Hà Nội gần 40 năm. Năm 1992 chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Chị học ngành giải phẫu và từ năm 1990 chị tham gia nhóm “Nhân trắc học”, được GS nhân trắc học nổi tiếng Nguyễn Quang Quyền dẫn dắt, khuyến khích, động viên...
Nhiều năm tham gia ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tôi thấy chị là người cởi mở, thẳng thắn, khách quan trong việc thẩm định các thí sinh dự thi. Nhờ có chị là người trực tiếp quan sát thí sinh trong trạng thái Eva mà chúng tôi, những thành viên trong ban giám khảo biết được khá chi tiết không những về số đo nhân trắc học mà còn cả những chi tiết mà khi thí sinh mặc áo tắm trình diễn cũng không thấy được.
Từ làn da, các đường nét đẹp, gợi cảm đến những khiếm khuyết mà chị cung cấp cho ban giám khảo để ban giám khảo cân nhắc, lựa chọn chính xác, khách quan.
Ông cha mình thường nói “ Nhân vô thập toàn”, kể cả những người đẹp, những nhan sắc nổi trội ở các thí sinh dự thi hoa hậu. Ban giám khảo đã có một quy định mà tất cả thành viên đều nhất trí ấy là tất cả thông tin cụ thể của các thí sinh dự thi tuyệt đối bí mật chỉ để ban giám khảo cân nhắc, xem xét thận trọng và cụ thể trước khi chấm sao cho khách quan, công bằng, chuẩn xác...
TS Thẩm Hoàng Điệp quê gốc ở Long Biên, nhưng gia đình nhiều năm sống ở phố Huế. Chị học ở trường Trưng Vương thời phổ thông. Là một người làm khoa học nhưng tâm hồn dễ rung cảm với thơ ca. Có lần chị còn gửi cho tôi một bài thơ khá dài do chị sáng tác.
Là người đa cảm và cảm xúc về làng quê vẫn in đậm trong tâm hồn chị. Chị tâm sự với tôi: “Mỗi lần trở về làng không còn những cánh đồng lúa vàng cùng những vườn cây trĩu quả, nào na, bưởi, nhãn, mít... thay vào đó là siêu thị đầy ắp hàng, đường làng xe cộ qua lại tấp nập... Cuộc sống văn minh, hiện đại sao tôi vẫn ngậm ngùi nhớ những ngày hè về quê ăn bát bánh đúc, rồi lội xuống ao mò cua, bắt ốc...”.
Là người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp nên nhiều năm tham gia ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, chị luôn trân trọng, nâng niu từng nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chị luôn công bằng, khách quan trong việc thẩm định, đánh giá, cùng các thành viên trong ban giám khảo lựa chọn được những thí sinh xứng đáng vào các danh hiệu, từ hoa hậu, á hậu đến các danh hiệu khác.
TS Thẩm Hoàng Điệp cho rằng: “Đến nay vẻ đẹp của các hoa hậu, người mẫu đã chứng minh cho sự đúng đắn của nhóm nhân trắc học chúng tôi. Kết quả này có được là nhờ sự sáng suốt của lãnh đạo báo Tiền Phong thời đó đã kiên quyết áp dụng môn khoa học mới này một cách nghiêm túc vào các cuộc thi để tìm ra vẻ đẹp một cách khoa học...”.
Quả thực vào những năm 1990, NHÂN TRẮC HỌC còn là một môn khoa học mới, có thể nói là khá xa lạ ở Việt Nam. Nhờ các cuộc thi hoa hậu do báo Tiền Phong khởi xướng và tổ chức, nhân trắc học mới phát triển, trở thành một trong những tiêu chí quan trong cho các cuộc thi người đẹp, người mẫu hiện nay. Và TS Thẩm Hoàng Điệp đã góp công không nhỏ vào lĩnh vực này...
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn.