>>> Mời quý độc giả xem video "Bảo Ngọc đăng quang Hoa hậu Liên lục địa 2022". Nguồn FBNV |
|
Cuộc thi nào cũng gọi là hoa hậu thì… loạn!
- Hiện nay, trong khi những "cường quốc hoa hậu" trên thế giới như: Mỹ, Ấn Độ, Venezuela… ngày càng không còn mặn mà với các cuộc thi nhan sắc thì trái lại, Việt Nam bùng nổ các cuộc thi hoa hậu, theo ông lý do là gì?
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Theo tôi nghĩ, trước đây việc cấp phép thi hoa hậu chặt chẽ nên chỉ có Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt, bây giờ thi hoa hậu nhiều quá, loạn lên rồi.
Thời chúng tôi, mục đích tổ chức thi hoa hậu là để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, định hướng cái đẹp cho giới trẻ. Thi hoa hậu giống như một ngày hội văn hóa, quy tụ các cô gái từ khắp mọi miền tổ quốc tham gia.
Lúc đó, thi hoa hậu không có tính thương mại. Báo Tiền Phong phải tự bỏ tiền ra tổ chức, không có lãi, thậm chí còn lỗ. Những năm đầu có công ty nào tài trợ đâu, mãi sau này mới có, đổi lại báo được bạn đọc quan tâm, có uy tín cao trong xã hội.
Giờ tôi cảm tưởng như các cuộc thi hoa hậu bị thương mại hóa, không chỉ tôn vinh sắc đẹp mà còn có mục đích khác mà mình không hiểu. Thi hoa hậu bây giờ mà lỗ chắc chẳng ai làm. (cười)
|
Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam). Ảnh: FBNV |
- Theo thống kê năm 2022 Việt Nam có 22 cuộc thi hoa hậu, điều đó đồng nghĩa với có 22 tân hoa hậu, hơn 40 á hậu. Nhìn vào những con số này ông nghĩ gì?
- Nhiều người nói vui, giai đoạn này "ra ngõ gặp hoa hậu". Không chỉ loạn cuộc thi hoa hậu mà còn loạn danh xưng khiến công chúng bức xúc.
Thực ra, trước đây từng xảy ra tình trạng loạn thi hoa hậu. Năm 1989, sau khi cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988 tổ chức quá thành công, khắp các nơi cũng rầm rộ thi hoa hậu, nào là hoa hậu xã, hoa hậu phường, quận…
Lúc đó tôi bị quy tội tuyên truyền lối sống văn hóa tư bản của Mỹ, thậm chí còn có một cuộc họp để luận tội tôi là kích động thi hoa hậu. Tôi có kích động đâu. Tôi đã lấy dẫn chứng từ xa xưa ông cha ta đã tôn vinh cái đẹp, trong lễ hội các cô gái đẹp còn được đưa lên kiệu rước cơ mà.
Sau đó tôi được giao soạn thảo quy chế thi hoa hậu. Quy chế được Bộ Văn hóa ban hành từ năm 1989, đến năm 2006 mới sửa. Trong quy chế quy định rất rõ cơ quan được cấp phép tổ chức thi hoa hậu là cơ quan văn hóa, hoạt động văn hóa, am hiểu văn hóa và phải có đủ kinh phí, có đủ điều kiện tổ chức. Thứ hai, thi hoa hậu cấp quốc gia mới được gọi là hoa hậu, còn thi cấp tỉnh thì gọi là hoa khôi, dưới nữa gọi là người đẹp. Giờ không quy định cụ thể, cuộc thi nào cũng gọi là hoa hậu thì loạn thôi! (cười)
- Nghị định 144/2020/NĐ - CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Theo ông đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cuộc thi nhan sắc ồ ạt tổ chức.
- Theo tôi quy định đó cởi trói cho hoạt động tổ chức thi hoa hậu là tốt nhưng phải quản lý được, có cách quản lý nhất là hậu quản. Sau đó phải đánh giá, xem xét, tốt thì thưởng, không tốt thì phạt, phạt nặng.
- Vậy theo ông có cách nào để khắc phục tình trạng loạn hoa hậu?
- Cần quy định rõ đơn vị như thế nào, có đủ điều kiện kinh nghệm tổ chức hay không thì mới được cấp phép, cuộc thi nào thì gọi là hoa hậu. Ngày xưa thi hoa hậu do Cục văn hóa quần chúng cấp phép. Đây đúng thực là ngày hội văn hóa, hàng nghìn cô gái khắp cả nước tham gia, từ dân tộc thiểu số đến miền biên giới hải đảo. Còn bây giờ, chỉ mấy chục cô gái “ăn trắng mặc trơn” chủ yếu ở trong thành phố thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác thì còn gì là ngày hội văn hóa, tôn vinh cái đẹp nữa. Các cô gái đó phải gọi là thí sinh thi hoa hậu chuyên nghiệp rồi.
Ngày xưa một cuộc thi có hàng nghìn thí sinh đăng ký, thậm chí có cuộc thi 5000 cô gái đăng ký tham gia. Hoa hậu thời đó được hàng triệu người quan tâm, yêu mến, đi đâu là được đón tiếp linh đình, mấy ngàn người vây kín. Dân bỏ cả việc đồng áng đi xem hoa hậu. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2004 còn lập kỷ lục trên 20 triệu người xem qua truyền hình. Bây giờ nhiều cuộc thi, hoa hậu đăng quang xong là công chúng quên tên, chả mấy ai biết đến.
|
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2022 đang khởi động thu hút nhiều thí sinh. Ảnh: Hoa hậu Việt Nam |
Thời tôi không mời ca sĩ làm giám khảo
- Không chỉ các cuộc thi hoa hậu tổ chức ồ ạt mà việc chọn giám khảo chấm thi hoa hậu dường như cũng “thoáng” hơn xưa, ông thấy sao?
- Làm giám khảo chấm thi hoa hậu khó lắm. Những người chấm hoa hậu không những có tài, có đức mà còn giỏi trong việc thẩm định con người, thẩm định cái đẹp như: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giáo sư nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền, NSND Trà Giang, nhà tạo mẫu Minh Hạnh…
Họ là những nhân cách lớn, không ai mua chuộc nổi. Làm giám khảo hoa hậu phải là người có con mắt tinh đời để nhận ra cái đẹp một cách chuẩn xác. Bởi, cái đẹp không chỉ thể hiện qua vóc dáng bên ngoài mà còn là cách giao tiếp, ứng xử… Thời trước, chúng tôi không mời ca sĩ làm giám khảo, ca sĩ chỉ đến hát thôi.
- Phải chăng đó là lý do các hoa hậu thời đầu được lòng dư luận vì “tài sắc vẹn toàn”?
- Các hoa hậu như Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Nguyễn Thiên Nga, Ngô Phương Lan… đều là tiến sỹ, thạc sỹ, thông thạo nhiều ngoại ngữ, thành danh trên con đường sự nghiệp, có nhiều hoạt động cộng đồng, hoạt động từ thiện, văn hóa… Không ai chạy sang showbiz. Hoa hậu cuối cùng tôi làm Trưởng ban giám khảo là Đặng Thu Thảo, năm 2012. Cô ấy cũng không mặn mà với showbiz.
- Trong số những tiêu chí để chọn hoa hậu, với ông chiều cao có quan trọng?
- Có rất nhiều tiêu chí để lựa chọn thí sinh đăng quang, như có gương mặt đẹp, chỉ số nhân trắc học chuẩn, vẻ đẹp hình thể hài hòa, cân đối, đứng thì chân có 5 điểm chạm vào nhau mới là đẹp. Rồi vẻ đẹp hiểu biết, ứng xử, tính cách…
Về chiều cao, trước đây những năm 1980, 1990 không đặt nặng lắm, còn bây giờ yếu tố này khá quan trọng bởi thí sinh còn đi thi quốc tế. Nhưng chiều cao không phải là tất cả. Ngày xưa những cô gái cao 1m7 các cụ coi là … ế chồng vì cao quá. Giờ hoa hậu phải cao từ 1m65 trở lên. Đẹp đến mấy mà cao dưới 1m60 cũng không chọn làm hoa hậu được.
- Là người có uy tín, kinh nghiệm nhiều năm chấm thi hoa hậu, vì sao những năm gần đây không thấy ông xuất hiện trên ghế giám khảo?
- Từ khi tôi nghỉ hưu cũng có nhiều nơi mời chấm thi hoa hậu nhưng tôi không đi vì mình làm giám khảo trong nước, quốc tế trên 20 năm rồi. Với lại không biết họ tổ chức thế nào. Nếu lỡ cuộc thi tổ chức không tốt, mình cũng ê mặt!
- Cảm ơn nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh về cuộc trò chuyện!