Vụ ám sát trùm mật thám Bazin chấn động Đông Dương

Google News

Marshel Bazin là tên trùm mật thám nổi tiếng tàn ác của thực dân Pháp hoạt động lâu năm tại Sài Gòn và mang nhiều nợ máu đối với nhân dân.

8 giờ sáng ngày 28/4/1950, tên Bazin - Chánh sở Mật thám Nam Kỳ bị ám sát tại khu vực giao lộ Catinat - D'Espagne (Ngã tư Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn ngày nay). Vụ án gây chấn động dư luận Đông Dương lúc bấy giờ. Marshel Bazin là tên trùm mật thám nổi tiếng tàn ác của thực dân Pháp hoạt động lâu năm tại Sài Gòn và mang nhiều nợ máu đối với nhân dân. Để ngăn chặn bàn tay khát máu của hắn, lực lượng kháng chiến Nam Bộ quyết định kết án tử hình và giao cho Quyết tử quân chịu trách nhiệm thi hành. Bảy Nho là 1 trong 8 người thi hành bản án đó.
Đó là Đại tá Trần Tấn Quang - Nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần - Mặt trận 779 chiến trường K hiện đã nghỉ hưu tại quận Tân Bình, TP HCM.
Treo cờ Đảng khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tân An
Chúng tôi gặp ông tại tư gia - một ngôi nhà cấp 4, đơn sơ.
Đã bước vào tuổi bạch kim thượng thọ 5 năm (85 tuổi) nhưng ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và giọng nói vẫn cứng cỏi như thời còn chỉ huy những trận hùng chiến vang danh quân sử.
Ở nơi ông cư ngụ, ít ai biết, ông đã từng tham gia ám sát tên Bazin khét tiếng tàn ác; từng là đội trưởng đội cận vệ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch; từng tham gia chỉ huy một chiến dịch quân sự ở chiến trường K. Người ta chỉ biết, đó là một "ông sĩ quan hưu trí" khỏe mạnh, cần mẫn đi bộ thể dục mỗi sáng và thân thiện với mọi người. Ít ai biết cuộc đời của ông đại tá về hưu ấy mang đầy những dấu ấn thăng trầm của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá Trần Tấn Quang sinh năm 1928 tại Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Khi còn là cậu học trò trường huyện, ông đã chứng kiến cảnh những cậu ấm cô chiêu, con cái của những hương hào, cai tổng, tề bắt nạt, đám học trò "dân đen". Những cô chiêu cậu ấm này quy tập lại thành một nhóm chơi thân với nhau và bắt những đứa học trò "dân đen" phục vụ cho chúng. Đứa nào tỏ vẻ không khuất phục là bị chúng đánh đập rồi méc với ba mẹ.
Trước cảnh bất công đó, cậu học trò Quang đã chiêu mộ một số bạn học thuộc lớp "dân đen" để chống trả lại đám học trò lưu manh dựa thế lực cha mẹ. Trong một trận "thư hùng" trên đường đi học về với hai anh em con nhà hương hào, một mình cậu bé Quang nhỏ thó đã hạ nốc ao cả hai xuống vũng trâu nằm. Từ trận đó, đám học trò Trường Tân Trụ đã không còn khép nép trước bọn con nhà quan nữa.
Năm 1945, trước khí thế sôi sục của phong trào kháng chiến chống Pháp lên cao độ, ông ghi danh tham gia vào đội vũ trang Việt Minh ngày 15/8/1945 để luyện tập quân sự chuẩn bị cho cuộc cướp chính quyền từ tay Pháp. Lúc đó, cha ông là chí sĩ Trần Văn Phụng - Hội trưởng Hội Liên Việt Đồng Minh (tức Việt Minh) tại Tân Trụ.
Ông là chiến sĩ thuộc Đại đội 2072 do ông Cò Tám chỉ huy. Đại đội có hơn 40 người nhưng chỉ có 3 cây súng, ngoài ra đều sử dụng mác, dao, gậy, tầm vông và… lòng quả cảm. 8 ngày sau, tức ngày 23/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc do Bác Hồ hiệu triệu bùng nổ tại Nam Kỳ. Ông cùng đồng đội tham gia phá đồn cướp chính quyền về tay nhân dân ở khu vực.
Cùng ngày đó, ông cùng 2 đồng đội được phân công hạ cờ Pháp thượng cờ đỏ sao vàng tại khu vực Cần Giuộc. Hai người kia là Chín Cần (tức Nguyễn Văn Chính, sau năm 1975 là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An) và Tư Thân (tức Anh hùng Lực lượng Vũ trang Huỳnh Công Thân, sau năm 1975 là Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Long An).
Sau sự kiện mùa thu 1945, địch điên cuồng bố ráp trả thù lực lượng cách mạng. Trước tình hình đó, để bảo vệ lực lượng kháng chiến, Tân An thành lập tổ trừ gian diệt bạo gồm 20 người, chia làm 3 tổ, chuyên ám sát những tên giặc có nợ máu với nhân dân. Giỏi võ, nhanh nhẹn và có sức khỏe tốt, ông được tuyển chọn vào Đại đội 2072 là đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Tân An.
Sau Hội nghị Xứ ủy (tháng 9/1949), Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra chỉ thị tổ chức lại chiến trường, củng cố nhân sự cấp khu và tỉnh. Trong nội thành, các Ban Công tác (tên gọi mật của Biệt động) gấp rút tuyển những chiến sĩ giỏi ở các địa phương về để xây dựng, tổ chức, chấn chỉnh lực lượng. Bảy Nho (bí danh của Trần Tấn Quang) được Bộ Tư Lệnh Nam bộ rút từ đơn vị vũ trang của Tân An về Tiểu đoàn Quyết tử 950 của Đặc khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.
 Đời thường của Đại tá Trần Tấn Quang.
Vụ ám sát trùm mật thám Bazin chấn động Đông Dương
Marshel Bazin là sĩ quan cảnh sát mật vụ giỏi được đưa từ Pháp sang Việt Nam từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ 2 để truy lùng những người kháng chiến. Hầu hết những vụ bắt bớ người cách mạng đều do y thực hiện. Nhờ những thành tích ấy, y nhanh chóng được đề bạt làm Chánh Sở Mật vụ Nam Kỳ. Do trụ sở mật vụ này tại số 213, trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi, quận 1, TP HCM) nên còn gọi là "Sở Catinat". Là kẻ khát máu, Bazin có nhiều ngón đòn tra tấn rất dã man. Nạn nhân đã lọt vào tay Bazin thường mong được chết để khỏi chịu những trận đòn đau đớn dai dẳng.
Thời điểm này, với ý đồ tiếp tục cai trị nước ta, Pháp xây dựng một chính quyền ngụy tạo với tên gọi "Nam Kỳ quốc". Để xây dựng quân đội trấn áp những lực lượng yêu nước. Bazin được giao nhiệm vụ tung lực lượng mật thám len lỏi vào hàng ngũ kháng chiến của ta.
Nhằm ngăn chặn thiệt hại cho lực lượng cách mạng, Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn quyết định tuyên án tử hình Bazin.
Ngay sau khi nhận được chỉ thị, một tổ trinh sát của Tiểu đoàn Quyết tử quân cải trang làm người bán hàng rong bám trụ tại Sở Mật thám Catinat thu thập quy luật đi lại của Bazin. Là một tên cáo già trong nghề mật thám, Bazin không ở nhà riêng mà sống luôn trong trụ sở Catinat. Y luôn rời trụ sở theo nguyên tắc: Đi bất chợt, về bất ngờ; đi đường này, về đường kia; luôn quan sát thật kỹ đoạn đường sắp đến; Đi chậm, quan sát nhanh phía sau và đi nhanh trước khi rẽ lối.
Sau nửa tháng, ta vẫn chưa nắm hết quy luật đi lại của Bazin. Tuy nhiên, vẫn còn một chi tiết khá nhỏ nhặt mà Bazin thường lặp lại. Đó là Bazin đi xe hơi. Mỗi khi đi ra ngoài, y đi bộ từ trên lầu xuống mặt đường rồi chui vào chiếc xe do sốpphơ (tài xế) đậu sẵn dưới mép công viên. Muốn ám sát hắn chỉ có cách duy nhất là thực hiện khi y đi bộ trên đoạn đường ngắn từ cầu thang lầu đến chiếc xe. Cách này mạo hiểm, dễ hy sinh.
Trong khi đó, cơ sở của ta cho biết, Bazin đang có trong tay danh sách toàn bộ các vị lãnh đạo kháng chiến miền Nam. Y đang ráo riết chuẩn bị thực hiện một chiến dịch bí mật truy bắt.
Không thể chần chờ được nữa. Đêm 29/4/1950, dù chưa điều nghiên mục tiêu một cách hoàn hảo, đích thân Chỉ huy trưởng quân sự Đặc khu Nguyễn Văn Thi triệu tập Tiểu đội Quyết tử do Bùi Ba là tiểu đội trường và Bảy Nho (tức Trần Tấn Quang) là tiểu đội phó.
Ông Trần Tấn Quang bồi hồi nhớ lại: "Lúc đó tiểu đội có 12 người. Anh Bùi Ba có bí danh là Ba Dân, Ba Danh. Anh ấy đậm người, gan dạ nhưng chậm chạp. Còn tôi thì nhanh nhẹn như sóc. Chúng tôi là một cặp bổ khuyết cho nhau. Để thực hiện nhiệm vụ ám sát cò Ba De (tức Bazin - NV), cấp trên bí mật gặp từng người giao nhiệm vụ chứ không họp. Tôi được phân công là tráng sĩ số 2, tự đi đến công viên đối diện Sở Mật thám đứng chờ. Sẽ có tráng sĩ số 1 - Lúc đó tôi chưa biết tráng sĩ này là ai, khi đến điểm hẹn mới biết đó là Bùi Ba - bắn ám sát Ba De tại cửa Sở Mật thám.
Nếu tráng sĩ 1 bị địch phát hiện hoặc giết Ba De không thành công, tôi sẽ tiếp tục bắn Ba De. Nếu tráng sĩ 1 ám sát thành công, tôi âm thầm rút lui. Nếu tôi nổ súng, ngay sau đó sẽ có 1 chiếc xe hơi hiệu Traction có gắn ký hiệu mật áp sát đến, tôi chỉ việc leo lên, tài xế sẽ đưa tôi về nơi an toàn. Giao nhiệm vụ xong, anh Thi thết đãi chúng tôi. Tuy anh không nói ra nhưng tôi biết, đó là bữa cơm tống biệt Kinh Kha".
Sau này ông mới biết còn có 1 tráng sĩ số 3 đứng ở góc xa quan sát mọi động tĩnh của Bazin. Tráng sĩ số 1 phải luôn xoay lưng về phía Sở Mật thám để tránh địch nghi ngờ. Tráng sĩ số 1 chỉ việc quan sát tráng sĩ số 3. Khi nào tráng sĩ 3 lật nón ra, tráng sĩ 1 sẽ xoay người lại nhắm vào Bazin nổ súng.
7 giờ sáng, 3 tráng sĩ lặng lẽ vào vị trí định sẵn trong công viên như những người vô công rỗi việc. Đến 8 giờ, tráng sĩ 3 ra hiệu Bazin xuất hiện từ trên lầu bước xuống đường. Tráng sĩ Bùi Ba chuẩn bị hành động nhưng chờ mãi không thấy tráng sĩ số 3 lật nón mà trái lại, anh ta có vẻ lúng túng. Bùi Ba ngoái nhìn lại thì thấy Bazin đang đi cặp kè với 1 sĩ quan quân đội Pháp. Đó là tình huống ngoài tiên liệu. Thay vì bỏ nhiệm vụ, Bùi Ba vẫn quyết định tiến thẳng về phía Bazin.
Từ vị trí số 2, Bảy Nho cũng phát hiện ra tình huống ngoài kế hoạch nên cùng tiến về phía Bùi Ba chuẩn bị bảo vệ đồng đội.
Bazin và tên sĩ quan Pháp có vẻ như phát hiện sự di chuyển đột ngột của Bùi Ba. Tên sĩ quan quân đội đặt tay lên báng súng. Khi Bùi Ba đến khoảng vừa đủ gần, tên sĩ quan quân đội rút súng ra. Nhanh như cắt, Bảy Nho rút khẩu Mat ra bắn 3 phát hạ gục tên sĩ quan Pháp. Cùng lúc đó, Bùi Ba cũng bắn liền mấy phát về hướng Bazin nhưng chỉ trúng 1 viên vào ngực. Tên khát máu vẫn còn sức bỏ chạy. Bảy Nho bắn đuổi theo Bazin thêm 1 phát trúng vai. Phát đạn này khiến hắn đổ gục xuống đường.
Bùi Ba và Bảy Nho lẫn vào cảnh người hỗn loạn của đường phố. Hai chiếc Traction chạy trờ tới đón Bùi Ba và Bảy Nho. Cả hai đào thoát theo 2 tuyến đường khác nhau. Bảy Nho được xe chở về hướng ngã tư Bảy Hiền. Thời điểm đó, ngã tư Bảy Hiền là khu vực bạt ngàn cao su, ít bóng người. Về đến Bảy Hiền kể như đã thoát. Từ Bảy Hiền, Bảy Nho rời xe hơi. Một tổ khác đưa Bảy Nho về căn cứ Tân Phú Trung bằng đường bộ.
Ngày hôm sau, đồng loạt các tờ nhật báo tiếng Pháp, tiếng Việt đều đưa tin vụ ám sát này với tiêu đề: "Vụ ám sát chấn động Đông Dương - Ông Cò Bazin - Giám đốc Sở Mật vụ Nam phần (có nơi gọi là Giám đốc Sở Cảnh sát mật Đông Dương) bị Việt Minh bắn bạch nhật giữa đường phố đông đúc Sài Gòn. Người đi cùng ông Cò là đại úy quân đội Pháp quốc Roger bị bắn chết tại chỗ bởi 3 phát đạn. Ông Cò chỉ bị thương ở ngực và gãy cánh tay trái được điều chuyển vào bệnh viện cứu chữa cấp thời nhưng không qua khỏi. Vụ ám sát cho thấy, lực lượng quân sự Việt Minh có mặt khắp mọi nơi.
Nơi diễn ra cuộc ám sát là giao lộ Catinat - D'espagne, ngang nhà hàng La Pagode. Hai đội viên ám sát của Việt Minh thủ súng lục đứng chờ sẵn ở tiệm thuốc tây Métropole trên đường D'espagne. Khi Bazin đi ngang qua với đại úy Roger, đội viên này lặng lẽ bám theo, cách sau vài ba bước. Bất ngờ đại úy Roger quay lại, đúng vào lúc anh này cho tay vào túi quần.
Biết đã gặp Việt Minh, đại úy Roger xáp tới đạp vào người anh đội viên. Anh này té vô vách tường nhưng vẫn nổ súng từ trong túi quần. Đạn trúng ngực tên đại úy. Người đội viên Việt Minh rút súng ra bắn hết mấy viên còn lại vô ngực Bazin. Bắn xong ông ta chạy tới chiếc Traction đậu sẵn ở bãi đậu xe trước Tòa Đô chính. Một đội viên khác có nhiệm vụ yểm trợ anh đã bắn sốpphơ của Bazin, nhưng sốpphơ đã nhanh chân chui xuống gầm xe. Cả hai nhảy lên xe vọt ngay, tất cả về điểm tập kết để ra bưng sau đó.
Vụ ám sát diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng 5 phút, không lực lượng an ninh nào kịp trở tay. Loạt đạn đầu gây thương vong cho đại úy Roger, bay qua nhà hàng La Pagode làm bể các tủ kính chưng rượu và bánh ngọt. Dân sang ăn điểm tâm tại đây hốt hoảng nằm mọp xuống nền gạch bông tránh đạn. Chừng cảnh sát tới thì chiếc Traction của đội ám sát đã mất dạng".
Theo An ninh thế giới

Bình luận(0)