Vì sao "anh hùng khó qua ải mỹ nhân"?

Google News

(Kiến Thức) - ThS Thạch Mai Hoàng chỉ ra rằng chính tính trượng phu ở nam giới khiến họ dễ mủi lòng, dễ bị chi phối bởi phụ nữ.

Đó là điểm thú vị được nhà nghiên cứu chỉ ra để lý giải cho câu hỏi vì sao nam giới được coi là phái mạnh song vẫn bị thu phục bởi những người phụ nữ vốn được cho là yếu hơn, chẳng thế mà có câu "anh hùng nan quá mỹ nhân quan" (anh hùng khó qua ải mỹ nhân).
Những phụ nữ... khởi nguồn chiến tranh
GS Nguyễn Tấn Đắc từng viết: "Những cuộc đánh nhau vì đàn bà vẫn còn trong xã hội ngày nay, nhưng chỉ giới hạn giữa những cá nhân và đã trở nên vô nghĩa. Còn trong xã hội cổ, những cuộc đánh nhau vì đàn bà thường được khoác cho tầm vóc của những cuộc chiến tranh lớn lao và có ý nghĩa trọng đại. Trong những xã hội càng cổ, khi chưa có những cuộc chiến tranh vì lãnh thổ và quyền lực thì mục tiêu của các cuộc đấu tranh chủ yếu là để cướp đoạt, mà đàn bà có khi trở thành mục tiêu thứ nhất".
Điểm lại, từ Đông Tây kim cổ, những câu chuyện về phụ nữ là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh đã không còn xa lạ. Nàng Helen trong thần thoại Hy Lạp với sắc đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" khởi nguồn của cuộc chiến giữa quân Hy Lạp và quân T'roa, kéo dài 10 năm mới chấm dứt. Trong sử thi Ramayana, chàng Rama đã phải chiến đấu dũng cảm để cứu nàng Sita từ tay quỷ vương Ravana. Hay nàng Mỵ Nương, con gái vua Hùng thứ 18 nết na xinh đẹp đã khiến Thủy Tinh phải hô mưa gọi gió, dâng nước lớn hòng cướp nàng từ tay Sơn Tinh...
Cũng chính người phụ nữ đã làm cho nhiều đấng đế vương, vua chúa, bậc anh hùng phải điêu đứng, quốc gia suy tàn, thậm chí chết đứng giữa trận tiền. Nàng Đát Kỷ xinh đẹp mà độc ác đã khiến Trụ vương - từ một vị vua cuối cùng triều đại nhà Thương bên Trung Quốc văn võ song toàn cũng trở nên rượu chè, xô đẩy nhà Thương tới diệt vong sau hơn 600 năm tồn tại. Chàng Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du vốn "đội trời, đạp đất ở đời", "giang hồ quen thói vẫy vùng; gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo"; ấy thế mà khi Thúy Kiều khuyên nên ra quy hàng, chàng "nghe lời nàng nói mặn mà" để rồi mắc mưu Hồ Tôn Hiến, phải chịu cái chết oan ức "trơ như đá, vững như đồng; ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời"...
Rõ ràng, dù vẫn được coi là phái mạnh, là đấng anh hùng, "nam nhi đại trượng phu" thì những người đàn ông vẫn bị thu phục bởi chính người phụ nữ. Vì sao lại như vậy? Phải chăng, nam giới không thực sự là phái mạnh như quan niệm?
 Ảnh minh họa.
Dễ mủi lòng vì tính trượng phu
Theo các nhà nghiên cứu, để trả lời cho câu hỏi vì sao nam giới được coi là phái mạnh nhưng lại bị thu phục bởi chính người phụ nữ vốn được coi là phái yếu thì trước hết cần phải làm rõ khái niệm phái mạnh - phái yếu.
ThS Thạch Mai Hoàng, Bộ môn Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải: Về mặt sinh học, việc mạnh - yếu (giống đực - giống cái) do ảnh hưởng trực tiếp từ hormon giới tính. Các hormon này quy định về thể hình, cấu tạo cơ thể... khác nhau. Đồng thời, nó cũng tạo ta sự khác biệt về tâm tính, chẳng hạn với giống đực thì có tính hung dữ, mạnh mẽ và ngược lại. Việc cho rằng, nam giới là phái mạnh, nữ giới là phái yếu chỉ thuần túy xét ở góc độ sinh học.
Theo ông Hoàng, việc nam giới quan tâm tới phụ nữ là bởi ảnh hưởng từ cơ chế sinh học. Đàn ông luôn muốn gene của mình được nhân lên, do vậy họ sẽ có xu hướng chọn lựa những người phụ nữ trẻ đẹp, khoẻ mạnh vì dễ sinh nở. Còn phụ nữ lại có xu hướng lo lắng cho tương lai, con cái nên họ sẽ chọn những người đàn ông có thể đảm bảo cuộc sống gia đình sau này. Dĩ nhiên, vẫn có những người đàn ông lấy người phụ nữ không còn xuân sắc và những người phụ nữ bỏ qua yếu tố kinh tế của người bạn đời song điều đó vẫn chưa đại diện cho xu hướng chung.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng chỉ ra rằng chính tính trượng phu ở nam giới khiến họ dễ mủi lòng, dễ bị chi phối bởi phụ nữ. "Có thể một người đàn ông nào đó ra ngoài xã hội sống ngang tàng, thậm chí là dân anh chị nhưng trước người phụ nữ của mình, họ sẵn sàng làm mọi điều để người phụ nữ ấy được vui, được hạnh phúc. Đó là vì họ muốn mình thực sự là trụ cột, là chỗ dựa cho người phụ nữ của mình. Tất nhiên, không phải với mọi phụ nữ, đàn ông đều yếu lòng, thể hiện tính trượng phu mà chỉ với những người phụ nữ đã thiết lập được mối quan hệ gần gũi với họ", ông Hoàng nhấn mạnh.
Đàn ông thích phụ nữ, phụ nữ thích... mua sắm
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, Trưởng phòng Con người và Văn hóa, Viện Nghiên cứu Con người đưa ra những bằng chứng rất thú vị về mối quan tâm của nam giới và nữ giới. Bà phân tích: Mô hình não bộ của nam giới và nữ giới có sự khác biệt (hình vẽ). Với nam giới, bộ não sẽ chia ra nhiều phân khu quan tâm tới những vấn đề khác nhau. Trong đó, mối quan tâm tới nữ giới (women) chiếm tỷ lệ lớn hơn các mối quan tâm khác cộng lại (mô hình 1). Như vậy, việc nam giới quan tâm tới phụ nữ hoàn toàn do yếu tố di truyền.
Còn ở nữ giới, mô hình não bộ chỉ ra rằng một trong những mối quan tâm lớn nhất của họ lại là mua sắm (shopping). Đồng thời, phụ nữ cũng là người chuộng sự hào nhoáng, thích buôn chuyện, thích giày dép do... yếu tố di truyền. Kỹ năng lái xe, đỗ xe là những mối quan tâm thấp nhất của nữ giới (mô hình 2).
Phụ nữ... dễ bỏ cuộc hơn nam giới
Nhìn vào mô hình não bộ của nữ giới có thể thấy nó đã "tố cáo" phụ nữ không phải là người quyết đoán khi mà sự lưỡng lự, thiếu kiên định chiếm tỷ lệ lớn chỉ ngay sau việc mua sắm.
Trên góc độ di truyền học, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng, chính sự phát triển của các bán cầu não và sự liên kết cấu trúc của não bộ ở hai giới khác nhau đã khiến cho việc theo đuổi mục tiêu của mỗi giới có sự khác biệt. Nam giới hướng tới những cái tổng quát, lớn lao, nhìn xa trông rộng hơn nên họ sẽ biết cách để đạt được mục tiêu đến cùng. Ngược lại, với nữ giới, họ nhìn thấy những cái thiết thực, sát sườn nên việc đặt ra mục tiêu thường trong ngắn hạn và cũng sẽ tìm cách đạt được mục tiêu ấy. Những mục tiêu dài hạn không phải là mối ưu tiên của nữ giới.
(còn tiếp) 
"Người ta vẫn nói "đàn bà dễ có mấy tay". Thế nhưng, đàn ông cũng mưu cao kế sâu, thâm hiểm chứ. Vậy nên, không thể chỉ quy cho phụ nữ là nguy hiểm hơn nam giới được".
ThS Thạch Mai Hoàng 
An Nhiên

Bình luận(1)

Minh Hiền

v

Cần cân nhắc khi trích dẫn ý kiến của "nhà khoa học" để đưa vào bài viết.