Vì sao người Việt chuộng hình thức?

Google News

(Kiến Thức) - ThS Trần Văn Phương cho rằng, chuộng hình thức là căn bệnh “thâm căn cố đế” của người Việt, đến nỗi ở đâu cũng thấy.

Người Việt hay quan tâm đến hình thức, từ chuyện coi “lời chào cao hơn mâm cỗ” đến việc chuộng bằng cấp, làm gì cũng cốt sao cho “bằng anh bằng em”, được “nở mày nở mặt” với khu phố, xóm làng… Theo các nhà nghiên cứu, đó là căn bệnh trầm kha của người Việt.
Chỉ thực dụng mặt... tâm linh

ThS Trần Văn Phương, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy văn hóa cho rằng, chuộng hình thức là căn bệnh “thâm căn cố đế” của người Việt, đến nỗi ở đâu cũng thấy.
Đoạn, ông Phương dẫn ra những câu chuyện thực tế để minh chứng cho điều mình nói: Đến nhà bạn chơi, dù trong bụng rất đói nhưng vẫn từ chối khi được bạn mời cơm, vì nếu đồng ý ngay thì sợ mang tiếng là tham ăn. Ngay người mời đôi khi cũng là hình thức, mời vì phép xã giao, cho có chứ trong lòng thực tâm lại chẳng muốn khách ăn chút nào.
Hay việc cưới xin, ma chay, đời người ai chả gặp thì làm gì có chuyện “ma chê, cưới trách”. Chẳng qua là người ta quá quan tâm đến hình thức, xem việc làm cỗ ra sao, mời gọi mình thế nào chứ lại không quan tâm đến việc làm ma có suôn sẻ không, đôi trẻ có vui không. Nếu như không làm mâm cao cỗ đầy, nhất lại là khi gia đình có điều kiện thì sẽ bị dị nghị rằng keo kiệt. Vậy nên người ta rất sợ mang tiếng với xóm làng, khu phố mà cố làm cho thật to. Thậm chí, dù kinh tế gia đình không cho phép nhưng vẫn chạy vạy, vay mượn để cho “bằng chị bằng em”, được “nở mày nở mặt” với xóm làng... Đó là những biểu hiện của bệnh hình thức đã ăn sâu vào tâm thức người Việt.
Rồi trong việc đi lại, cái xe máy, ô tô hay xe đạp cũng chỉ là phương tiện giúp con người ta di chuyển. Đáng ra chỉ cần mua xe số cho hợp túi tiền thì người Việt lại có tâm lý mua xe tay ga, xe đắt tiền, coi đó như một sự nâng cao giá trị bản thân và cũng được xã hội công nhận. Hay khi xây nhà, đáng ra chỉ cần 50m nhưng cứ xây thêm 10m nữa dù chẳng ở hết các phòng, chỉ cốt để khách đến chơi nhà khen nhà cửa rộng rãi... Vì chuộng hình thức như vậy nên người Việt có xu hướng ít quan tâm đến công năng sử dụng. 
Tuy nhiên, trong thực tiễn người Việt chuộng hình thức bao nhiêu thì trong đời sống tâm linh người Việt lại thực tiễn bấy nhiêu. Bằng chứng là đi lễ, người ta sẽ cố gắng sắm sanh những mâm cao cỗ đầy, của ngon vật lạ với tâm niệm “tốt lễ dễ kêu”, tin tưởng vì thế mà thần linh sẽ ban phát cho mình nhiều điều tốt đẹp.
 Ảnh minh họa.
Chạy theo giá trị ảo
Cũng theo ThS Trần Văn Phương thì chính căn bệnh chuộng hình thức khiến người Việt luôn chạy theo giá trị ảo, từ đó sinh ra bệnh thành tích. Cuối năm họp tổng kết, cơ quan nào cũng muốn nhận bằng khen là đơn vị trong sạch vững mạnh, dù tăng trưởng chẳng là bao, thậm chí thua lỗ. Ngành giáo dục thì phấn đấu đạt kết quả tốt nghiệp càng cao càng tốt, có nơi 99 - 100% đỗ tốt nghiệp THPT nhưng điều đó không phản ánh thực chất dạy và học. Rồi thì đi đâu cũng thấy làng văn hóa, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, dù ở đó vẫn có cờ bạc, mại dâm, đánh nhau, nghiện ngập... Người ta nhìn vào những bằng cấp, danh hiệu... để đánh giá năng lực, trình độ của con người, thế nên mới sinh ra việc mua bằng, dùng bằng giả...
Điều đặc biệt nguy hại, theo ThS Trần Văn Phương là căn bệnh chuộng hình thức, chuộng thành tích đã được giáo dục ngay từ khi trẻ còn học... mẫu giáo, thông qua những tờ phiếu bé ngoan. Dĩ nhiên, đó là động lực khuyến khích trẻ phấn đấu hơn, nhưng mặt trái của nó là tạo cho trẻ suy nghĩ rằng chỉ kém cỏi mới không nhận được tờ phiếu ấy. Từ đó trẻ tự ti, mặc cảm với bạn bè, thậm chí bị cha mẹ trách cứ. Sống trong một môi trường mà người ta cố gắng để đạt được những giấy chứng nhận, danh hiệu này kia, kể cả bỏ tiền ra mua danh hiệu sẽ khiến cho những đứa trẻ quen dần và cũng biết chuộng hình thức như người lớn. Cứ thế, cả xã hội chạy theo thành tích, theo hình thức mà quên đi những giá trị cốt lõi làm nên nhân cách, phẩm giá con người. Dĩ nhiên, những thứ đó không phải chỉ nằm ở các danh hiệu.
Chuộng hình thức vì chỉ có hai thái cực giá trị
Vậy vì sao người Việt lại trọng hình thức đến thế? ThS Trần Văn Phương lý giải là từ tính tò mò, hiếu kỳ, tâm lý đám đông của người Việt. Người Việt hay để ý của nhau. Vậy nên khi thấy người khác có được cái gì hay ho, mới mẻ thì cũng cố gắng để “nở mày nở mặt”, bằng bạn bằng bè, sắm cho kỳ được. 
Còn theo PGS. TS Ngô Văn Giá thì do xã hội người Việt truyền thống là xã hội đẳng cấp. Toàn bộ cấu trúc làng xã nhìn con người theo phận vị. Do con người cá nhân không phát triển, xã hội lại không có dân chủ và bình đẳng bởi ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo (“quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”), thành thử bao giờ người ta cũng nhìn theo tiêu chí hơn hay kém hoặc đúng hay sai. Nó khác với xã hội dân chủ, ở đó con người cá nhân phát triển, người ta biết phát hiện ra những cái khác nhau, độc đáo ở mỗi cá nhân rồi bổ sung cho nhau, tôn vinh nhau lên. 
Đằng này, chỉ với hai thái cực giá trị (đúng – sai, hơn – kém) nên dẫn đến loại trừ nhau, từ đó mà chạy theo những thứ hào nhoáng, tưởng như thật mà không thật. Bởi lẽ, tiêu chí đúng – sai, hơn – kém không phải lúc nào cũng chính xác. Anh lấy mô hình của cái anh cho là bậc trên, là đúng để chạy theo nhưng không phải lúc nào những thứ đó cũng là giá trị thực.
Cũng vì chuộng hình thức mà người Việt háo danh, sợ mình bị lép vế với thiên hạ nên thích huân chương, thành tích. Cứ đạt được một giải thưởng nào đó là đã tự mãn huênh hoang rồi. Xã hội cũng nhìn vào đó mà trọng vọng, làm cho căn bệnh hình thức mãi phổ biến. 
PGS.TS Văn Giá cho rằng, để hạn chế căn bệnh này của người Việt cần phải bổ sung một nguyên lý quan trọng nữa trong xã hội là tìm ra giá trị độc đáo ở mỗi cá nhân, để tất cả được quyền chung sống thân ái, bình đẳng với nhau, bổ sung cho nhau và làm cho xã hội phong phú lên. Chỉ nhìn theo tiêu chí kém thì xã hội sẽ bị đẩy vào sự triệt tiêu, loại trừ lẫn nhau. Có khi chỉ còn là sự ghen ăn tức ở, ích kỷ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận “sẽ rất khó để xóa bỏ được căn bệnh này”. 
(còn nữa)
Theo nhà văn Tạ Duy Anh, bệnh hình thức khiến người Việt sinh ra thói sính ngoại. Ông phân tích: Chính từ việc “bế quan tỏa cảng”, thói tự mãn, tự bằng lòng với những gì mình có nên người Việt lạc hậu quá lâu về phương diện kỹ thuật, công nghệ. Dần dần dẫn đến tâm lý mình không có khả năng đó, hoặc khả năng đó không phải là mặt mạnh, như những người láng giềng. Vì thế, thấy cái gì của nước ngoài cũng lạ, cũng hay, cũng tốt. Từ thói sính ngoại - như một thói quen tiêu dùng biến thành bệnh sính ngoại - như một sự méo mó về tinh thần. Nó được cổ vũ bằng thói sĩ diện và ngày càng trầm kha. 
Thanh Thủy

Bình luận(1)

Minh Hiền

Nguyễn đắc phúc

Phải nói chính xác là người Việt miền Bắc. Người miền Bắc đa phần sống vì hư danh, bề ngoài. Người nam thực tế hơn nhiều.