Nếu chim lợn kêu ở đâu thì ở đó chắc chắn có người chết, kêu 7 tiếng sẽ vận vào nam giới, 9 tiếng vận vào nữ giới. Quan niệm này khiến người dân ở nhiều địa phương hoang mang, lo lắng. Phải chăng chim lợn thực sự là “sứ giả của thần chết”, chỉ mang lại những sự chết chóc, xui xẻo?
7 tiếng là nam, 9 tiếng là nữ
Mấy ngày nay, gia đình chị Nguyễn Thị Nga (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa. Chẳng là cậu em út ở quê gọi điện lên thông báo ba ngày nay, đêm nào chim lợn cũng kêu ở đầu hồi nhà mình, trong khi mẹ chị đang nằm điều trị tai biến mạch máu não ở bệnh viện tỉnh Hưng Yên.
Năm nay, mẹ chị Nga 57 tuổi. Bố chị mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi ba người con ăn học. Cách đây hai tháng, cậu út lập gia đình, những tưởng mẹ chị sẽ được an nhàn khi con cái đều đã phương trưởng, yên bề gia thất. Thế nhưng đột nhiên, em út báo tin mẹ bị tai biến phải đưa đi cấp cứu. Chị Nga vội vàng thu xếp công việc về chăm mẹ được bốn ngày. Bệnh tình của mẹ chuyển biến tích cực, ở nhà lại có vợ chồng em gái và em út thay nhau ở bên mẹ nên chị Nga về Hà Nội. Chị mới về được một tuần thì nhận được hung tin của cậu út, chị đứng ngồi không yên, vội vàng đi nhờ người làm lễ giải xui cho gia đình.
Chị Nga bảo, chẳng phải ngẫu nhiên mà chị lo lắng khi có chim lợn kêu ở nhà mẹ đẻ. Bởi ở quê chị, người ta vẫn quan niệm chim lợn kêu là có người chết. Hồi chị Nga học cấp 3 ở quê, một dạo quanh khu nhà chị có tiếng chim lợn kêu liên tiếp mấy đêm liền. Sau đó, người hàng xóm nhà chị đang khoẻ mạnh, trong một lần đi ăn cỗ cưới về lao cả người và xe xuống sông, đến khi phát hiện thì đã mất. Hay đầu năm nay, mẹ chị kể khu nhà ông chủ tịch xã ở đầu làng thường xuyên có tiếng chim lợn, mấy ngày sau thì vợ ông mất vì bệnh tim. Những cái chết gắn với tiếng chim lợn ấy thực sự là nỗi ám ảnh với những người ở quê chị.
Tôi thử tra trên mạng về loài chim “kêu là có người chết” này. Rất nhiều diễn đàn, trang mạng cũng đề cập đến chuyện này. Thậm chí, có người còn cho rằng khi chim lợn kêu 7 tiếng thì sẽ ứng vào nam giới, còn 9 tiếng ứng với nữ giới phải bỏ mạng. Phải chăng chim lợn thực sự là “sứ giả của thần chết”?
|
Ảnh minh họa. |
Đặc trưng của loài
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) thừa nhận: Quan niệm chim lợn kêu là có người chết khá phổ biến ở nhiều địa phương và chính ông cũng không thấy xa lạ. Tuy nhiên, điều đó không có gì là khó hiểu hay kỳ bí.
Ông diễn giải: Thực tế, khoa học đã chứng minh nhiều loài động vật có khả năng dự báo được thiên tai hoặc biết trước cái chết, chẳng hạn khi tổ kiến được đôn cao sẽ có mưa lớn, chuồn chuồn bay thấp thì mưa, hay chuyện báo chí đưa tin về một con mèo ở Mỹ có thể dự báo chính xác cái chết bằng cách đến bên bệnh nhân đang trong giai đoạn hấp hối cho đến khi người này chết...
Cũng theo ông Khanh, việc chim lợn kêu rồi có người chết có thể là đặc tính của loài này. Bởi thông thường, con người sẽ phát ra một thứ sóng điện từ. Với người sắp chết sẽ có một thứ sóng (mùi vị) rất đặc trưng mà chỉ một số người hoặc một số loài vật mới nhận ra, trong đó có chim lợn. “Điều này cũng giống như việc bác sĩ bắt mạch sẽ biết tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân hay chuyện kền kền chuyên ăn xác thối phát hiện ra nguồn thức ăn của mình”, ông Khanh lấy dẫn chứng.
Chim lợn có đáng sợ?
Việc chim lợn kêu báo trước có người chết phải chăng đó là loài thực sự đáng sợ? Tôi đem thắc mắc này tới hỏi một số nhà khoa học, câu trả lời nhận được hoàn toàn trái ngược.
TS Ngô Xuân Tường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho hay, ở Việt Nam hiện có 3 loài chim lợn thuộc họ Cú lợn (Tytonidae), bộ Cú (Strigiformes), gồm: Cú lợn lưng xám (Tyto alba), Cú lợn lưng nâu (Tyto capensis) và Cú lợn rừng (Phodilus badius). Chúng là những loài định cư, không phổ biến. Chúng sống ở những nơi gần người, trên các cây cao rậm rạp hoặc trên các trần nhà, vùng đồng cỏ (ở đồng bằng sông Cửu Long). Cú lợn thường làm tổ trong các hốc cây hoặc các hốc ở mái nhà, vùng đồng cỏ rậm. Thức ăn của chim lợn là chuột, chim nhỏ và thỉnh thoảng còn ăn cả bò sát nhỏ...
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chính vì đặc điểm nguồn thức ăn của chim lợn thường sống gần với người, vậy nên chuyện chim lợn thường kêu ở khu dân cư, trên mái nhà, trong vườn... là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thêm vào đó, chim lợn là loài sống về đêm, tiếng kêu của chúng vang vọng giữa không gian tĩnh mịch dễ gợi cho người ta suy tưởng về những điều kỳ bí chứ thực ra đó chỉ đơn thuần là hoạt động sinh học.
TS Ngô Xuân Tường cũng thừa nhận, hiện nay chưa có công trình khoa học nào chứng minh được rằng chim lợn kêu báo hiệu người chết vì chúng phát hiện được mùi tử khí, cũng chưa có nghiên cứu chuyên sâu về tiếng kêu của chim lợn. “Việc chim lợn kêu rất nhiều trong một thời điểm nào đó ở một vùng nào đó có thể giải thích như sau: Tiếng kêu của chim lợn dùng để dọa con mồi, khiến con mồi hoảng sợ phải di chuyển để trốn chạy, khi đó chim lợn dễ dàng phát hiện ra. Trong quá trình đi kiếm mồi, không phải lúc nào chim lợn cũng kêu. Có thể còn nhiều lý do khác chưa được biết đến. Thứ nữa, trong thời kỳ sinh sản, do nhu cầu thức ăn tăng cao nên chim lợn phải nỗ lực kiếm ăn nhiều hơn. Do vậy chúng cũng kêu nhiều hơn. Thường thì chim lợn kêu nhiều vào mùa sinh sản”, ông Tường cho biết.
Từ những phân tích trên, câu hỏi “chim lợn có thực sự đáng sợ?” đã được các chuyên gia phủ nhận. TS Tường đưa thêm dẫn chứng để chứng minh cho nhận định này: “Chim lợn không những không đáng sợ mà nó còn là loài chim có ích cho nông nghiệp. Theo tài liệu, mỗi năm Cú lợn lưng xám (Tyto alba) có thể tiêu diệt 300 - 400 con chuột phá hoại mùa màng”.
Còn TS Vũ Thế Khanh dù thừa nhận chuyện chim lợn kêu có liên quan đến người chết, song ông cũng cho rằng không nên “đổ thừa” hoàn toàn do chim lợn. “Bởi thực tế thì dù chim lợn không kêu vẫn sẽ có người chết. Chim lợn chỉ nên coi như một chiếc chuông báo cũng như việc gà gáy thì trời sáng hoặc dù kiến không bay ra khỏi tổ thì trời vẫn mưa, chuồn chuồn không bay cao thì trời vẫn nắng...”, ông Khanh nói.
Như vậy, tiếng kêu của chim lợn hoàn toàn không phải là một điều kỳ bí, mang màu sắc tâm linh hay chỉ đem đến điều xui xẻo. Tuy nhiên, “việc tin hay không tin vào một điều gì đó là tuỳ thuộc ở quan niệm của mỗi người. Nên coi niềm tin chim lợn báo trước cái chết cũng giống việc người ta tin rằng chim khách kêu là báo trước nhà sẽ có khách đến thăm, hay các loài động vật trên thế giới dự báo kết quả của các trận bóng đá ở Wold Cup...”, TS Ngô Xuân Tường tỏ ra mềm mỏng.
“Bên cạnh quan niệm cho rằng chim lợn kêu là có người chết thì dân gian vẫn có câu “chim sa, cá nhảy” để ám chỉ những điều xui xẻo nếu gặp phải hiện tượng này. Khi chim bay vào nhà, chẳng may bị chết thì nhiều người dùng gạo, muối gói cùng xác con chim với mong muốn “tống tiễn” vận hạn. Tuy nhiên, đó chỉ là một phép an thần bởi hiện nay chưa có một cơ sở nào để giải thích cho việc xui xẻo do “chim sa, cá nhảy” gây ra. Vì thực tế, có những con cá nhảy lên bờ là đặc tính của chúng (cá chuối kiếm thức ăn cho đàn con)”.
TS Vũ Thế Khanh