Cuộc đấu trong cõi vô hình
Theo tài liệu "Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải" của Hòa thượng Thích Thanh Từ, thiền sư Hương Hải vốn là dòng dõi con nhà danh gia vọng tộc. Bản thân ngài cũng từng có thời kỳ làm quan cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong nhưng được mấy năm thì ngài hâm mộ đạo Phật nên xin xuất gia. Ngài cùng một số đệ tử đi thuyền ra hòn đảo Tim Bút La ở Biển Đông để tu hành. Chính tại đó, lũ yêu ma đã nhiều lần tìm cách phá hoại sự tu hành của ngài.
Lần đầu tiên là vào lúc canh hai, những đồ đệ của sư bỗng nhiên trông thấy một con ma lớn đen sì, cao chừng hai trượng (8 thước) xồng xộc chạy vào, một lúc rồi biến đi đâu mất. Đến cuối canh ba, bỗng có một con rắn lớn bò đến quấn chặt mình sư khiến ngài không cựa động được. Ngài cố nhích mình lần tới bàn Phật, niệm chú Thần đao, một lát con rắn ấy biến mất. Lại một lần khác, một hôm đang giữa ban ngày bỗng mây đen kéo đến trước sân mù mịt, gió cuốn ầm ầm, cây gãy cát bay, mái nhà bung tốc, một lát mới hết.
|
Khi sư đang ngồi thiền thì bị đám yêu ma kéo đến quấy phá. Ảnh minh họa. |
Tháng thứ 3 tính từ khi sư đến đảo, lại một lần giữa đêm vắng, núi non yên tĩnh, bỗng nghe tiếng như ngàn muôn con mèo kêu ran lên một chặp. Lại đến tháng thứ tám, một lần giữa canh vắng đêm khuya, sư đang ngồi thiền trước điện Phật, hương đèn sáng choang. Bỗng thấy quân ma vừa trai vừa gái đứng vây tứ phía, đứa cầm giáo, đứa cầm mác, đứa dắt trâu, đứa dắt ngựa, đứa dắt voi, nhiều thứ quái tượng. Sư cảm thấy đau bụng, mắt mờ không thấy ánh sáng của đèn, không thấy tượng Phật, chỉ thấy toàn ma tinh.
Lúc đó, thiền sư Hương Hải hết sức trì chú và dùng nhiều phương thức bí mật đều không linh nghiệm. Sư bèn lập chí Kim Cang tưởng lửa Tam-muội, quyết đốt cháy thân mình và thiêu cả thế giới. Làm như vậy liền thấy linh nghiệm, một lát chúng ma biến đâu mất, cảnh sắc lại quang minh như trước. Song giữa đêm vắng núi yên không ai thấy biết việc đó.
Sáng ra, sư cho rằng đất này là ác địa, khó giáo hóa được, bèn trở về quê cũ là làng Bình An Thượng, phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam. Sư bảo với bà con làng xóm rằng: “Chỗ đảo này từ lúc mở mang đến nay chưa được khai hóa, chính là ác địa, cung ma, khó mở đạo pháp”.
Sau khi sư Hương Hải về trong đất liền được 1 tuần thì chợt có người nửa đêm đến tìm ngài. Sư hỏi người ấy: - Ban đêm đến tìm tôi chắc là có duyên cớ gì cần tỏ bày? Người kia thưa: - Cả thôn xóm của tôi có ba ngôi đền cũ ở núi Tim Bút La. Một miếu thần Cao Các Đại Vương, một miếu Phục Ba Đại Tướng Quân, một miếu thần Bô Bô Đại Vương. Hôm Sư cụ về được bốn ngày, trong làng chợt thấy thần cả ba ngôi đền này đều phục đồng lên nói rằng: “Hôm nọ bọn ma tinh tác quái mấy lần làm não hại Pháp sư, chúng ta ngồi yên xem thử coi ai thắng ai bại. Chúng ta bỗng thấy Pháp sư biến hình biến tướng, chẳng biết ở đâu, khiến chúng ma tinh phải lui hết. Chúng ta thấy Pháp sư thật là đạo hạnh kiêm toàn. Vì vậy chúng ta rất thán phục Pháp sư ấy, nên báo cho dân làng biết hãy đi thỉnh sư về trụ ở đây.” Bấy giờ mọi người trong làng nghe thấy việc như trên mới cho tôi vào thỉnh bạch sư cụ về duyên do trước đó”. Nhân lời khẩn cầu của dân đảo, sư Hương Hải lại ra đảo Tim Bút La tu hành hơn 8 năm nữa.
Thiền sư Hương Hải là ai?
Theo tác giả Lê Mạnh Thát trong sách "Minh Châu Hương Hải toàn tập", tổ tiên 4 đời của sư Hương Hải là Khởi nghĩa kiệt tiết công thần Trung lộc hầu, người làng Áng Độ, Nghi Lộc, Nghệ An, theo phò Nguyễn Hoàng và đến sống tại Quảng Nam. Hương Hải đã sinh ra tại vùng đất này, tại làng Bình An thượng, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam hiện nay vào năm 1628.
Năm 18 tuổi ông thi đỗ Hương tiến và được bổ làm tri phủ Triệu phong. Năm Mậu Thìn (1652), ông đến thụ giáo với thiền sư Lục Hồ Vân Cảnh, được đặt pháp tự Minh Châu Hương Hải và pháp hiệu Huyền Cơ Thiện Giác, tiếp đến lại tới học đạo với thiền sư Viên Khoai Đại Thâm. Rồi 3 năm sau, ông từ quan và đi xuất gia lúc mới 30 tuổi.
Một thời gian sau ông đóng thuyền đến cù lao Chàm ở ngoài cửa biển Hội An, dựng 3 gian am nhỏ để ở và tu trì. Hòn đảo này chính là đảo Tim Bút La trong truyện kể ở trên nhưng Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận lại nói là cù lao Đại Lãnh.
Thời gian thiền sư ở đảo này khoảng chục năm, tiếng tăm tu thiền của ông được nhiều người biết đến, trong số đó có Hoa lễ hầu là Tổng thái giám. Hoa Lễ Hầu tâu với Dũng quốc công Nguyễn Phúc Tần (1649-1687) về thiền sư và thiền sư được quốc công mời về trụ trì viện Thiền tịnh ở núi Qui Kính. Mẹ của Nguyễn Phúc Tần và 3 con là Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ đều đến quy y cùng đông đảo quan lính .
Tuy nhiên về sau chúa Nguyễn nghi ngờ sư cùng một đệ tử có ý muốn về Bắc nên bắt sư và người đó tra tấn rồi không có bằng chứng gì nên đưa sư về Quảng Nam. Vì thấy duyên không hợp nên sư quyết chí trở về Bắc. Tháng 3 năm 1682, sư đã ra đến đàng ngoài và được chúa Trịnh Tác sai người đem thuyền đi đón về kinh.
|
Cổng chùa Nguyệt Đường ở Phố Hiến - Hưng Yên, nơi thiền sư Hương Hải từng trụ trì và xiển dương dòng thiền Trúc Lâm. |
Sau khi xét rõ sư gốc người làng Áng Độ chúa Trịnh sai đưa sư về trấn Sơn Nam đồng thời ra lệnh cho quan trấn thủ là Lê Đình Kiên đo ba mẫu đất công cất am cho sư. Tại đây sư đã có chỗ yên thân nên tu hành càng tinh tấn và đã chú giải các kinh chữ Hán ra chữ Nôm được 30 thiên đem khắc bản ấn hành.
Đến năm 1700, sư sang ở chùa Nguyệt Đường và dựng lại ngôi chùa này. Danh tiếng và đạo hạnh của sư vang lừng khắp nơi nên người đến học hỏi đạo pháp rất đông. Số học trò tinh thôn kinh luật đến hơn 70 người.
Năm 1715, ngày 13 tháng 5 âm lịch, sư biết giờ niết bàn đã đến, bèn tắm rửa xong, mặc áo ca-sa, ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ 88 tuổi. Các môn đệ xây ngôi tháp 3 tầng thờ sư. Nói về thiền sư Hương Hải, Hòa thượng Thanh Từ viết: “Tông phong của sư còn thạnh mãi mấy đời về sau. Chùa Nguyệt Đường là một thiền lâm lớn nhất trong nước. Sư là người gây âm hưởng của dòng thiền Trúc Lâm được vang lên trong khoảng mấy trăm năm chìm lặng”.