Kỳ bí những chiếc đầu trâu treo trước mộ

Google News

Những người lạ đến đây, thấy hình ảnh những chiếc sọ trâu treo lơ lửng giữa trời đều khiếp sợ, nhiều người yếu tim có thể bị ngất ngay tại chỗ.

Cạnh khu rừng thiêng trên đỉnh Lủng Cẩu cao 2.000 mét thuộc dãy Tây Côn Lĩnh có một nghĩa địa huyền bí ở Bản Phùng (huyện Xín Mần, Hà Giang) treo lủng lẳng những chiếc đầu lâu trâu.
Phong tục lạ lùng
Hà Giang là nơi tập trung nhiều người dân tộc La Chí, họ sống định canh định cư thành từng bản. Trong quá trình tìm hiểu phong tục tập quán của người La Chí, chúng tôi được ông Nông Quang Lù, xã Bản Díu (Xín Mần), nguyên Bí thư Huyện ủy Xín Mần cho biết:
Người La Chí đến Hà Giang đã từ lâu đời, họ có bản địa, chỉ có họ Lùng vốn là gốc người Nùng di cư từ Trung Quốc sang cách đây ngót trăm năm hoặc người họ Vương gốc Hoa di cư gần đây. Người La Chí có rất nhiều các phong tục về làm ruộng, làm nhà ở, cưới xin, ma chay, trang phục...
Một trong những phong tục kì lạ của người La Chí đó là phong tục về ma chay. Theo người La Chí, khi có người thân trong gia đình mất đi, gia đình và bản làng sẽ mổ trâu cúng giỗ.
Chiếc đầu lâu của con trâu được giữ nguyên thịt, cắm trên đầu gậy mang ra ngoài mộ của người chết. Nghe những câu chuyện rùng rợn về nghĩa địa sọ trâu của người La Chí, chúng tôi lặn lội đến xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) để mục sở thị.
Con đường nhỏ xíu, chỗ đá hộc, chỗ bùn lầy ngập bánh xe. Núi cao, rừng sâu, mây mù quanh năm bao phủ. Sau khi đến sườn phía Đông đỉnh Lủng Cẩu, chúng tôi liều mạng tiến vào khu rừng cấm rộng mênh mông của dân tộc La Chí - một dân tộc chỉ có 8.000 người, cư ngụ ở huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần của tỉnh Hà Giang.
Đối với người La Chí, không phải ngày cúng rừng thì không ai dám vào khu rừng thiêng huyền bí này, nhưng chúng tôi là người ngoại đạo nên không sợ gì ma quỷ thánh thần.
Sau nửa giờ cuốc bộ trong rừng thẳm, đến một khoảng trống rộng rãi, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng kinh ngạc: rất nhiều đầu lâu trâu treo lủng lẳng trên những cọc vầu hoặc cọc gỗ cắm rải rác trong những bụi cỏ, sau những gốc cây. Một cảm giác lạnh lẽo ghê ghê chạy khắp cơ thể.
Đây chính là nghĩa địa của người La Chí. Có cái đầu lâu trâu vẫn còn hai chiếc sừng, có cái đã rụng sừng, có cái còn nguyên bộ hàm, có cái được cắm thẳng lên cọc, có cái rơi xuống đất. Có những chiếc sọ trâu ẩn hiện trong những bụi cây, đi va vào mới biết.
Dưới chân những chiếc cọc treo đầu lâu trâu là những ngôi mộ được đắp bằng những hòn đá hộc hoặc những nấm đất bị mưa nắng bao năm mài mòn thấp lè tè.
 Một chiếc đầu trâu cắm trên cọc chôn trước mộ người chết ở Bản Phùng (huyện Xín Mần, Hà Giang).
Theo tìm hiểu, chỉ khi nào có người chết người La Chí mới vào nghĩa địa này đào huyệt, làm lễ tang ma, sau đó, chỉ đến ngày Tết tháng bảy âm lịch, họ mới lại vào nghĩa địa để cúng và chia của cho người chết.
Khu nghĩa địa nằm ở phần rìa bản, cách khá xa khu dân cư, và được bao bọc bởi núi đá, cây rừng. Sự kỳ bí, hoang dại của nó toát lên từ những chiếc sọ trâu cắm trên đầu một cây gậy dựng ngay phần mộ.
Những người lạ đến đây, thấy hình ảnh những chiếc sọ trâu treo lơ lửng giữa trời đều khiếp sợ, nhiều người yếu tim có thể bị ngất ngay tại chỗ.
Nằm chênh vênh giữa núi rừng, nghĩa địa càng trở nên ma mị, bí ẩn khi có ngôi mộ không chỉ có một cái đầu trâu mà còn có tới 3 - 4 cái, có những cái còn thịt tươi nguyên, nhưng cũng có những cái chỉ còn trơ sọ.
Lý do xuất hiện nhiều đầu trâu ở cùng một mộ được lý giải là tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Theo phong tục cũ thì lễ cúng cho người mới chết ít nhất phải thịt 3 con trâu nhưng đến nay, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình mà có thể chỉ mổ 1 con trâu, vì vậy nhìn vào số lượng sọ trâu, bò treo bên mỗi ngôi mộ có thể biết con cháu người đã khuất nghèo hay giàu.
Nếu giàu có, số lượng đầu trâu cắm trên cọc sẽ nhiều hơn. Còn riêng đối với những gia đình nghèo đói, kinh tế khó khăn thì vẫn phải cố gắng có lấy một cái sọ trâu để treo, không thể không treo thứ đó ở trước mộ nhà mình vì đó đã trở thành phong tục bấy lâu nay, không ai được phép kháng cự.
Nếu có hiện tượng chống lại, người đó sẽ bị bản làng khai trừ, đuổi khỏi bản nếu không thì phải sống cảnh “sống không chơi, chết không đưa”. Do vậy, gia đình nào treo càng nhiều đầu trâu càng thể hiện sự thành kính đối với người đã mất và khẳng định được vị thế trong bản làng.
Anh Nông Đức Trung (45 tuổi) - một người dân xã Bản Phùng giải thích thêm, thời nay có gia đình quá nghèo không có điều kiện có thể không mổ trâu ngay mà đợi vài tháng sau làm lễ cũng được nhưng nhất định phải thực hiện.
Gửi trâu cho người chết
Tục lệ ma chay của người La Chí vô cùng phức tạp, lạ lùng và tốn kém. Khi có người chết, gia đình vào rừng xẻ gỗ, làm quan tài rồi chôn ngay. Trước khi chôn, gia đình người chết chỉ mổ một con gà để thầy cúng làm lễ tiễn ma và lấy chân gà để xem bói.
Sau khi chôn người chết, suốt 13 ngày, những người trong gia đình không làm việc gì, không đi đâu, ăn cơm không dùng đũa, thìa, mà chỉ ăn bốc, chỉ ăn rau xanh, không ăn thịt, không cho ai mượn cái gì.
Và điều lạ nữa là họ thay nhau ngày đêm ngồi bên mộ mời cơm người chết và đuổi ruồi muỗi cho người chết. Đến ngày thứ 13 kể từ ngày mai táng, gia đình cùng cả bản kéo ra mộ tham gia lễ làm ma.
 Ngôi mộ treo lơ lừng 3 chiếc đầu trâu.
Vật hiến tế cho người chết là con trâu. Thông thường, vật hiến tế gồm 3 con trâu, nhà giàu có thể nhiều hơn.Người La Chí quan niệm chết là sang một thế giới khác, nên vẫn cần trâu để cày trên những thửa ruộng bậc thang, vì thế họ gửi trâu cho người chết lấy vốn làm ăn.
Người con trai cả dẫn trâu đi vòng quanh mộ 3 lần, quỳ lạy ở chân mộ, mời tổ tiên về dự lễ, rồi đóng 4 chiếc cọc quanh mộ. Trâu được buộc vào một chiếc cọc cao, thường là cây vầu.Ông thầy cúng tay cầm sừng trâu, củ gừng và hỏi linh hồn người quá cố nguyên nhân dẫn đến cái chết.
"Trò chuyện" xong với người chết, thầy cúng bắt đầu cúng hiến trâu cho người chết. Lễ cúng vừa tiến hành xong, người ta mổ trâu tại nghĩa địa, xẻ thịt, róc xương, rồi lại xếp xương thịt thành hình con trâu, lấy tấm da trâu phủ lên.
Thầy cúng lại cúng hiến dâng từng bộ phận của con trâu cho người chết. Khi các nghi lễ này làm xong, người ta đem luộc đầu trâu, bóc sạch thịt, cắt sừng và đem sọ trâu cắm ở chiếc cọc bên mộ.
Hàng năm, cứ đến dịp Tết tháng bảy (người La Chí coi Tết tháng bảy to hơn Tết Nguyên đán), họ lại đi tảo mộ. Ngày Tết tháng bảy, vào bản của người La Chí, thấy trâu cứ đổ uỳnh uỵch, vì hầu như nhà nào cũng mổ trâu cúng tổ tiên, người chết.
Nhà nào cũng treo đầy thịt trâu khô, da trâu khô trên gác bếp, chứa đầy thịt trâu muối trong các hũ lớn để ăn dần. Món thịt trâu khô, da trâu nướng, thịt trâu muối đều là đặc sản tuyệt vời của người La Chí ở đất Hoàng Su Phì và Xín Mần của tỉnh Hà Giang.
Ngoài những khu nghĩa địa có treo đầu trâu, người La Chí ở Xín Mần còn dựng hẳn một ngôi đền thờ đầu trâu, thờ thần rừng và cũng là thờ vua Gia Long – ông vua của người La Chí.
Ngôi đền được làm bằng đất nện, nhỏ như một ngôi nhà cấp 4, rất dễ tưởng lầm đó là nếp nhà dân bình thường.Trước, ngôi đền được lợp bằng gỗ pơmu.
Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, sau khi người dân tu sửa ngôi đền đã thay thế nó bằng tấm lợp prô-xi-măng.Bên trong ngôi đền hết sức sơ sài.
Bệ thờ chính được đắp bằng đất nằm chính giữa ngôi đền. Hai bên tả - hữu là hai bệ thờ nhỏ hơn. Bài vị bằng đá, được chạm khắc bằng ký tự cổ.
Trưởng bản Lùng Seo Phô than phiền: Trước, ở bệ chính có pho tượng đồng. Thế nhưng, nó đã bị kẻ xấu đánh cắp, khi người ta rộ lên phong trào đi đánh cắp cổ vật. Mặt khác, ngôi đền nằm giữa rừng già nên không có người bảo vệ.
Ngôi đền là biểu hiện linh thiêng của người La Chí. Trừ ngày lễ vào tháng 3 hằng năm, những ngày khác, không có bất kỳ ai được phép ra vào nơi này.
Nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Xín Mần, bà Nguyễn Thị Minh Lý cho biết: Những phong tục, tập quán của người La Chí đã được TS Vi Văn An thuộcViện Dân tộc học dày công về đây nghiên cứu. Nó thể hiện đời sống tâm linh và bề dày văn hóa của một tộc người nơi cực Bắc Tổ quốc.
Ngoài phong tục cúng thần Rừng, thần Nước hằng năm, người La Chí còn có lễ hội cúng thần Tình yêu – khoảnh khắc để những người trai, người gái không đến được với nhau khi còn sống sẽ được kết đôi khi đã hóa thành những linh hồn.
Theo Hôn nhân & Pháp luật

Bình luận(0)