Cuốn Đại Việt sử
lược, còn có tên là Việt sử lược, là một cuốn lịch sử Việt Nam viết bằng
chữ Hán của một tác giả khuyết danh, ra đời vào thời nhà Trần. Đây là
cuốn sử biên niên thuộc hàng sớm nhất của Việt Nam còn được lưu truyền
cho đến này.
Tác phẩm này bao quát toàn bộ lịch sử nước Việt từ thời
thượng cổ đến cuối triều Lý Nhân Tông, đem lại nhiều thông tin quý giá
về kinh tế, văn hóa, xã hội, quan hệ bang giao của các triều đại trước
thời Trần.
Có một chi tiết bên lề khá thú vị là Đại Việt sử lược đã
ghi lại 6 trường hợp các vua Lý được dâng loài rùa lạ, có tới 6 đồng tử
(con ngươi), trên cơ thể có chữ Hán, cụ thể như sau:
Năm Đinh Dậu (1117): Dâng rùa ba chân, sáu đồng tử, ngực có hai chữ Thiên Đế.
Năm Kỷ Hợi (1119): Thành Khánh hầu dâng rùa, mắt có sáu đồng tử, ngực có chữ Ngọc.
Năm Ất Tỵ (1125): Công chúa Thụy Thánh dâng rùa có sáu đồng tử, ngực có bốn chữ: Quốc, Thổ, An, Ninh.
Năm Quý Hợi (1143): Dâng rùa mắt có sáu đồng tử, ngực có bốn chữ: Dĩ, Hành, Pháp, Công.
Năm Canh Ngọ (1150): Dâng rùa có sáu đồng tử, ngực có bốn chữ theo lối triện văn là: Vương, Dĩ, Bát, Vạn.
Năm Bính Tuất (1166): Dâng rùa mắt có sáu đồng tử, chữ Ngọc vằn xanh xuất hiện.
Những
tưởng câu chuyện về loài rùa kỳ lạ này sẽ là một bí ẩn lịch sử bị lãng
quên theo thời gian. Thế nhưng các dữ liệu khoa học cho thấy đây là loài
rùa có thật 100%, và vẫn còn hiện diện ở Việt Nam cho đến tận ngày nay.
Có
thể khẳng định điều này qua đặc điểm “không lẫn vào đâu được” của loài
rùa được ghi danh trong sử sách, đó là chúng có đến 6 đồng tử, hay 6 con
mắt.
Đặc điểm này thoạt nghe có vẻ phi lý, vì trên thế giới
chẳng có loài động vật có xương sống nào có 6 mắt, thừa ra đến 4 con mắt
cả. Nhưng sẽ hoàn toàn hợp lý nếu 4 con mắt phụ thêm đó chỉ là
những hoa văn có hình dáng giống với con mắt. Đây chính là điểm độc đáo
của một loài rùa bản địa Việt Nam, có tên gọi là rùa bốn mắt.
|
Với 2 mắt thật và 4 "mắt giả", đặc điểm của rùa bốn mắt trùng khớp với loài rùa lạ trong Đại Việt sử lược.
|
Theo
các tài liệu như
Sách hướng dẫn định loại rùa Thái Lan, Lào, Việt Nam
và Campuchia và
Danh lục bò sát ếch nhái Việt Nam, rùa bốn mắt có tên
khoa học là Sacalia quadriocellata. Chúng có có mai hình ô-van màu xám
đậm đến nâu, viền mai nhẵn, điểm đặc trưng là trên đầu có 4 mắt giả. Mắt
giả của cá thể đực màu xanh nhạt, mắt giả của cá thể cái và con non màu
vàng, yếm cá thể cái màu vàng nhạt hoặc kem, yếm cá thể đực màu cam.
|
Rùa bốn mắt là một loài rùa sống dưới nước. Ảnh: Brian Kennery.
|
Loài
rùa này sống ở các ao, hồ suối trong các khu rừng thường xanh. Thức ăn
của chúng là các loài ốc, cua, tôm và các loài giáp xác nhỏ. Tại Việt
Nam, chúng được tìm thấy ở những khu rừng miền Bắc và miền Trung như Bảo
Hà (Lào Cai), Tân Ấp (Quảng Ninh), Vụ Quang (Hà Tĩnh), Phúc Sơn (Quảng
Nam - Đà Nẵng).
|
"Chữ Hán trên ngực rùa" chỉ là sự tưởng tượng từ những hoa văn uốn lượn trên yếm rùa bốn mắt? Ảnh: Colette Micallef.
|
Đặc điểm “6 đồng tử” đã rõ, thế còn các chữ Hán trên
ngực rùa? Những chữ Hán này có thể chỉ là các hoa văn tự nhiên, được cổ
nhân suy diễn theo dựa trên hình dáng có nét giống với Hán tự. Yếu tố
mai rùa “hiện chữ” cũng khiến những chú rùa được khoác lên một lớp áo
linh thiêng, xứng đáng để trở thành một sản vật cúng tiến vua.
Việc
rùa bốn mắt được đem dâng vua có lẽ là do đặc điểm ngoại hình độc nhất
vô nhị của chúng. Điều này cũng chứng tỏ loài rùa này rất quý hiếm từ
cách đây 1 thiên niên kỷ, đến mức việc rùa xuất hiện trở thành sự kiện
được ghi trong chính sử. Nếu là một loài rùa được bắt gặp thường xuyên
thì chúng đã không có được vinh dự như vậy.
|
Sự tồn vong của rùa bốn mắt đang bị đe dọa.
|
Ở Việt Nam ngày nay, rùa
bốn mắt được ghi nhận là một loài rùa hiếm gặp, chỉ có số lượng rất ít
trong tự nhiên. Tuy vậy, chúng vẫn bị săn bắt và rao bán trên mạng để
phục vụ những người chơi sinh vật cảnh. Nếu tình trạng này không được
ngăn chặn, rất có thể loài rùa tiến vua quý hiếm sẽ chỉ còn lại dấu tích
trong sử sách.
TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU: