Giải mã linh ứng lạ lùng của lời chú nguyện trong Phật giáo

Google News

(Kiến Thức) - Trong nhiều truyền thống Phật giáo, những câu thần chú, chú nguyện rất thường được sử dụng và có nhiều sự linh ứng lạ thường mà người đời không thể nghĩ lường.

Trong nhiều truyền thống Phật giáo, những câu thần chú, chú nguyện rất thường được sử dụng và có nhiều sự linh ứng lạ thường mà người đời không thể nghĩ lường.
Sự tích bài kệ chúc lành
Lịch sử Phật giáo có ghi chép, trong quá trình hành đạo, Đức Phật từng độ cho một kẻ sát nhân đã giết 999 người tên là Angulimala (tiếng Hán dịch là Ương Quật Ma). Truyện kể rằng trước khi được Phật độ, Angulimala đã giết 999 người và chặt ngón tay họ xâu lại thành chuỗi đeo vào cổ nên dân chúng mới đặt tên cho anh ta là Angulimala nghĩa là “chuỗi ngón tay”.
Sau khi đã thành tỳ kheo, một ngày kia, lúc đi thọ bát tôn giả Angulimala gặp một thiếu phụ đang lâm bồn. Gặp sản phụ nằm rên siết bên đường, động lòng bi mẫn, thầy trở về bạch Phật xem có cách gì cứu giúp nạn nhân không?
Nhung cau chuyen he mo ve bi mat cua loi chu nguyen
 Ảnh minh họa. Nguồn: ditimchanly.org.
Theo bài viết “Ương Quật Ma – Bài học Phật pháp cho người Phật tử” đăng trên website Vuonhoaphatgiao.com, lúc đó Phật bảo Angulimala rằng: “Con hãy đến gặp người thiếu phụ ấy và chúc lành cho nàng như thế này: Thưa chị, từ ngày sinh ra đến nay, tôi chưa hề cố ý tiêu diệt đời sống một sinh vật nào. Do lời nói chân thật này, ước mong chị được mẹ tròn con vuông.
Nghe vậy tỳ kheo Angulimala bối rối: “Bạch Thế Tôn! Làm sao con dám thốt ra câu ấy... khi con là "chuỗi ngón tay"?. Phật dạy: “Này tỳ kheo, từ ngày sinh ra cho đến nay có nghĩa là từ khi con xuất gia, sanh vào thánh tộc vâng giữ đời phạm hạnh.
Nghe như vậy Angulimala liền hoan hỷ ra đi. Người thiếu phụ vẫn còn nằm rên siết bên vệ đường. Tôn giả Angulimala liền đọc lời chúc lành đến cho nàng sau một bức mành trúc. Kỳ diệu thay, một chú bé kháu khỉnh liền chào đời trong sự vui mừng của tất cả mọi người hiện diện... Từ ngày đó các bạn đồng phạm hạnh gọi thầy Angulimala là Paritta có nghĩa là "chúc lành."
Và cũng kể từ ngày hôm ấy, tôn giả Paritta thêm vững niềm tin, tinh cần tu tập, chẳng bao lâu thầy đắc quả A La Hán. Câu chúc lành của thầy gởi đến người thiếu phụ lâm bồn dạo nọ được xem như một bài kệ cầu an và được lưu truyền làm mọi người đều kinh ngạc.
Truyện bà lão trì chú Cát tường
Trong sách "Xứ Phật huyền bí" (nguyên tác là Autobiographe D’un Yogi) của đạo sư Yogananda do Nguyễn Hữu Kiệt dịch được Nxb VHTT ấn hành, tác giả cũng kể một câu chuyện để làm minh họa cho sự linh nghiệm khi niệm chú như sau:
Ngày kia, có vị tăng đi ngang qua một thôn vắng vào lúc trời sắp tối. Trên nền trời đã tắt nắng, ông nhìn thấy một vùng hào quang tỏa sáng từ một căn nhà tranh nhỏ ở cuối làng. Lấy làm lạ, ông liền tìm đến căn nhà ấy. Thì ra, trong nhà có một bà già đang trì chú Cát tường (tức Tiêu tai cát tường thần chú – một bài chú của nhà Phật dùng để cầu nguyện sự bình an cho mình và khu vực mình sinh sống). Lấy cớ xin nghỉ đêm lại, ông dò hỏi xem bà già này đang tu tập pháp môn gì. Nhưng thật ra bà không có hiểu biết gì khác ngoài bài thần chú cát tường được một vị du tăng dạy cho bà cách đó 3 năm.
Từ khi học được, ngày nào bà lão cũng trì tụng một cách rất chí thành. Quả thật, gia đình bà và cả ngôi làng nhỏ này đã 3 năm qua sống bình yên, mưa thuận gió hòa và không hề xảy ra một tai họa nào.
Nhung cau chuyen he mo ve bi mat cua loi chu nguyen-Hinh-2
 Ảnh minh họa. Nguồn: ditimchanly.org.
Vị tăng liền bảo bà lão đọc câu thần chú cho ông nghe và nhận thấy bà lão đã đọc sai một chữ. Ông liền đọc lại cho bà nghe và chỉ ra chỗ sai để đề nghị bà sửa lại.
Hôm sau ông từ biệt ra đi. Và phải mất một thời gian sau ông mới lại có dịp trở lại ngôi làng. Điều thay đổi đầu tiên ông nhận thấy là cũng vào giờ giấc như lần trước, nhưng ông không còn nhìn thấy vùng hào quang tỏa lên từ căn nhà tranh kia. Trên đường vào làng, ông nhìn thấy một khu đất trống với dấu vết của một trận hỏa hoạn vẫn còn rất rõ. Hỏi ra mới biết đã có một người chết và ba căn nhà kế nhau bị thiêu trụi.
Rất kinh ngạc, ông tìm đến nhà bà lão hôm trước. Sau khi chào hỏi, ông nói: “Thưa lão bà, phải chăng người đã không còn trì tụng thần chú Cát tường như trước kia nữa?
Bà lão đáp với vẻ ngạc nhiên: “Tôi vẫn trì tụng bình thường như trước đấy chứ. Hơn nữa, tôi đã nhớ sửa lại chỗ sai như ngài chỉ dạy. Mặc dù điều đó thật khó khăn và tôi vẫn rất hay lầm lộn qua lại giữa chữ đúng và chữ sai ấy”.
Vị tăng liền hiểu ra mọi việc. Chính sự thay đổi do ông yêu cầu đã đánh mất đi hiệu lực của việc trì tụng thần chú. Vì cho rằng trong câu thần chú có chỗ sai, nên bà lão đã sinh tâm nghi ngờ, không còn tin tưởng tuyệt đối vào việc trì tụng của mình nữa. Mặt khác, do ý niệm sửa sai trong khi trì tụng, bà đã bị phân tán tư tưởng mà không còn tập trung được như trước kia!
Sự linh nghiệm đến từ đâu?
Như trong câu chuyện trên đây đã một phần hé mở, muốn câu chú nguyện linh nghiệm, trước hết người niệm phải tin tưởng. Đạo sư Yogananda trong tài liệu nói trên phân tích: “Khi một lời cầu nguyện được thực hiện với niềm tin tưởng sâu xa, sự linh ứng hầu như chắc chắn sẽ xảy ra. Việc thoát khỏi những căn bệnh bất trị, những trường hợp tai qua nạn khỏi hoặc rất nhiều sự linh nghiệm khác... đã thường xuyên được biết đến mà không ai nghi ngờ gì”.
Cũng theo đạo sư Yogananda, đức tin đó không giống như niềm tin dựa trên lý trí thuần túy khoa học như kiểu niềm tin 2 cộng với 2 là 4. Tức là người cầu nguyện vốn đã chấp nhận sự linh ứng, mầu nhiệm ấy ngay từ khi nó chưa xảy ra mà không đòi hỏi phải có một sự giải thích hợp lý nào. Sự mầu nhiệm sẽ không xảy ra khi người hành giả vì bất cứ một lý do nào đó còn có sự nghi ngờ trong lòng.
Yếu tố thứ hai được Yogananda nhấn mạnh là phải có sự định tâm. Ngài viết: “Và việc tập trung tư tưởng, hay định tâm, cũng là một yếu tố quyết định khác được tìm thấy trong những trường hợp phép lạ được thực hiện. Khi người ta phân tán tư tưởng vào nhiều việc, ý chí sẽ không đủ sức mạnh để làm nên những điều vượt khỏi các giới hạn thông thường, hay nói khác đi là không thể có phép lạ... Mặt khác, định tâm và đức tin là hai điều hỗ tương cho nhau và rất thường phải đi đôi với nhau. Khi có một đức tin vững chắc người ta mới có thể định tâm, và chính việc định tâm làm củng cố thêm niềm tin sâu vững.
Sự linh nghiệm của những lời chú nguyện khi được thực hành trong trạng thái chú tâm cũng được nói đến trong sách "Hành trình về phương Đông". Trong đó, pháp sư Hamud nói với phái đoàn các nhà khoa học phương Tây rằng: “Sự cầu nguyện có một sức mạnh kinh khủng, có thể dời núi lấp sông, đó là bí quyết khoa “Mật tông Tây Tạng”... Vấn đề cầu nguyện không phân biệt tôn giáo và cũng không cần theo một nghi thức, nghi lễ nào nhất định, mà chỉ cần tập trung tư tưởng, hết sức chú tâm cầu nguyện”.
Nam Khánh

Bình luận(0)