Di tích lịch sử Khe Tù ở thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh vốn được biết đến là nơi giam giữ tù binh lớn nhất vùng Đông Bắc thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Hơn 60 năm trôi qua kể từ khi Khe Tù bị đóng cửa, PV đã trở lại nơi đây để nghe các nhân chứng kể lại những câu chuyện còn ghi trong chính sử về quá khứ một thời hào hùng của cha ông. Di tích Khe Tù rộng trên 21ha với một hệ thống giám sát, nhà giam dày đặc, tuy nhiên điều ám ảnh nhất với tù binh và hậu thế chính là bệ đá chặt đầu, nơi đã có rất nhiều chiến sĩ của ta bị kẻ thù xử tử...
|
Bệ đá chặt đầu - biểu tượng của tội ác thực dân Pháp. |
Máy chém - đầu rơi!
Năm 1943, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng một trại giam lớn nhất khu vực Đông Bắc Việt Nam ở thị trấn Tiên Yên. Cái tên Khe Tù được người dân đặt cho địa danh này từ đó. Xung quanh trại giam là hệ thống kênh rạch chằng chịt nối ra Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, thực dân Pháp còn xây dựng cả một sân bay quân sự lớn. Như vậy, Khe Tù không chỉ là nơi giam giữ hàng ngàn tù binh mà còn là căn cứ quân sự lớn của thực dân Pháp chống lại Việt Minh.
Sau khi xây dựng nhà tù, Pháp đã dựng lên một máy chém lớn có lưỡi dao nặng 80kg, dày đến 3cm, dài 2m để hành hình những người tù cách mạng và thường dân vô tội mà chúng bắt được. Cạnh chiếc máy chém, thực dân Pháp còn xây dựng một khu hầm ngầm dùng để giam giữ tử tù trước khi hành quyết. Căn hầm này ăn ra sông Khe Tù để tiện cho việc vứt xác tử tù ra sông. Mục tiêu của thực dân Pháp là chém được càng nhiều chiến sĩ cách mạng càng tốt, chúng bắt tất cả những người chống đối và thường dân từ các tỉnh Đông Bắc về đây lao động khổ sai. Trong quá trình giam giữ, hễ phát hiện ra người nào là chiến sĩ Cộng Sản chúng lập tức đưa ra máy chém chặt đầu bất kể ngày, đêm.
Hiện nay, căn hầm này chỉ còn là tàn tích ẩn dật sau những khóm cỏ dại, riêng bệ đá chém đầu thì đã bị hư hỏng phần cột và lưỡi dao chém, chỉ còn lại bệ đá trơ trọi cạnh bờ sông Khe Tù.
|
Phóng viên đã đến nơi có bệ đá chặt đầu. |
Anh Nguyễn Văn Quyết, một người dân sống trong khu di tích Khe Tù dẫn chúng tôi đến chỗ có bệ đá. Đến nơi, anh Quyết đã trở thành "hướng dẫn viên" bất đắc dĩ kể lại những câu chuyện còn ghi trong chính sử về quá khứ một thời của cha ông. Theo đó, thực dân Pháp đã cho xây dựng một lô cốt kiên cố cách máy chém khoảng 50 - 70m nằm bên bờ sông. Lô cốt này có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc chống lại các cuộc vượt ngục của tử tù, đồng thời đề phòng các cuộc đột kích của quân Việt Minh theo đường thủy lên để giải thoát cho tù binh trên đường đi xử chém.
Mặc dù địch canh phòng cẩn mật, nhưng những chiến sĩ cách mạng vẫn gan dạ chống lại những đợt hành hình đẫm máu. Những tử tù bí mật thành lập những tổ đặc biệt, lợi dụng địch sơ hở trên đường dẫn giải ra pháp trường liền tìm cách phá còng, bỏ chạy ra sông. Để đối phó lại, địch đã bố trí súng máy từ trong lô cốt nhằm vào tù binh bỏ trốn mà khạc đạn. Những lần vượt ngục như vậy chỉ có rất ít người sống sót, hầu hết là chết dưới làn đạn của kẻ thù hoặc bị vướng mìn khi vượt qua 4 hàng rào thép gai trải rộng hơn 21ha quanh Khe Tù.
|
Một bể nước trên cao phục vụ nhà tù vẫn còn nguyên vẹn. |
Không dám đào hố sâu quá 60cm vì sợ trúng xác người
Khi đến thăm Khe Tù, anh Quyết dẫn chúng tôi băng qua khu đất ngập đầy cỏ dại, chỉ có vài cây nhãn cao quá đầu người mọc quanh khu vườn hoang. Anh kể: Khi trồng cây hoặc làm nhà cửa, người dân chúng tôi không ai dám đào sâu quá 60cm vì sợ gặp xương người. Đã có nhiều trường hợp khi cày cấy, đào đất trồng cây thì gặp phải những mảnh xương trắng bung lên, sau đó người dân lại chôn trở lại vị trí cũ.
Theo tài liệu lịch sử hiện còn lưu giữ tại Phòng Văn hóa huyện Tiên Yên thì ngoài xác bộ đội có thể còn có cả xác của dân thường, vì trước đây thực dân Pháp bắt cả tù binh ở các nơi khác đến để lao động khổ sai, nếu ai làm việc không tốt chúng bắt ăn cơm trộn muối sau đó bắt uống nước xà phòng để nôn ra rồi tiếp tục bắt đi đập đá. Nhiều người không chịu đựng được kiểu tra tấn này nên đã chết, những xác chết này chúng đem chôn tại chỗ hoặc cho vào bao tải ném xuống sông Khe Tù. Điều này khiến việc quy tập mộ của bộ đội sau này rất khó khăn. Không những thế, nơi đây cũng nhiều lần bị bom đạn cày xới khiến cho những nấm mồ lộn xộn lẫn nhau nơi cuối sông cùng bãi.
Ông Lương Quốc Chung (87 tuổi) - một nhân chứng hiếm hoi chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy cách đây gần 70 năm kể lại: "Hồi đó, thực dân Pháp thường trói tay bộ đội đem ra chỗ máy chém chặt đầu, chặt đầu xong, chúng vứt xác trôi sông hoặc đem chôn xuống một cái rãnh. Vì thực dân Pháp giết người không ghê tay nên càng làm tăng lòng căm thù của quân, dân ta và ý chí đập tan bộ máy giết người ở Tiên Yên càng được nung nấu. Đến năm 1949, quân và dân ta đã tổ chức một đợt tổng tấn công phá nát Khe Tù và giải phóng được hàng ngàn tù binh, xóa sổ trung tâm đầu não của thực dân Pháp thống trị vùng Đông Bắc".
(Còn tiếp...)
"Ngày xưa giặc Pháp xây dựng đến 4 lớp rào thép gai cùng mìn quanh Khe Tù, tôi đã chứng kiến nhiều tù binh vượt ngục bị vướng mìn làm nổ tung xác, cơ thể nằm rải rác quanh bờ sông, giòi bọ lúc nhúc đục trong xác người... Khi bắt được tù binh vượt ngục chúng thường dẫn giải đi qua cổng nhà tôi để ra chỗ bệ đá chặt đầu".
Ông Lương Quốc Chung (nhân chứng Khe Tù kể lại)