Chân dung người xây dựng cảng Hải Phòng

Google News

(Kiến Thức) - Nhờ tầm nhìn của Bùi Viện mà cảng Hải Phòng mới hình thành và nhanh chóng trở thành thương cảng lớn nhất nhì nước ta.

 

Hải Phòng có mạch nguồn tự nhiên từ một vài làng chài ven sông, thế nhưng nhờ tầm nhìn của Bùi Viện mà cảng Hải Phòng mới hình thành và nhanh chóng trở thành thương cảng lớn nhất nhì nước ta.
Việc khó triều Nguễn
Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, vào khoảng giữa thế kỷ XIX, sau khi đã bình định Nam Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu xâm lược Bắc Kỳ. Để đối phó với âm mưu thâm độc này, vua Tự Đức đã cùng triều thần văn võ bá quan nhất trí giao trọng trách cho Doãn Khuê đang đương chức Nha doanh điền sứ tỉnh Nam Định một nhiệm vụ quan trọng.
Theo các tài liệu sử học còn ghi chép lại và chúng tôi đã đối chứng với những ghi chép của dòng tộc họ Bùi ở xã An Ninh (Tiền Hải, Thái Bình) thì việc quan trọng mà triều đình giao cho Doãn Khuê là xây dựng gấp Ninh Hải thành một cảng lớn có thể làm cửa ngõ cho cả xứ Bắc Kỳ thông thương với bên ngoài.
Doãn Khuê sau rất nhiều cân nhắc đã giao phó việc khó khăn này cho Bùi Viện. Bùi Viện liền tổ chức một cuộc thị sát bến Ninh Hải, ông cho lập hai đồn binh, lập nha Hải Phòng, trạm thuế quan ở ngã ba sông Cấm và sông Tam Bạc. Những công việc này của Bùi Viện đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của đô thị và cảng biển Hải Phòng sau này.
Chan dung nguoi xay dung cang Hai Phong
Cảng Hải Phòng thời xưa. 
Tổng công trình sư
Lịch sử đánh giá Bùi Viện như một “tổng công trình sư” của cảng biển Hải Phòng hiện nay. Sau khi đã lên kế hoạch, thiết kế bản vẽ, chọn vị trí... đích thân Bùi Viện đã chỉ huy các công đoạn xây dựng lẫn thi công công trình lớn lao nhất mà triều đình nhà Nguyễn đã giao phó.   
Cũng theo nhà sử học Lê Văn Lan, Chiêu thương Cục của Nhà nước phong kiến nhà Nguyễn được thành lập, làm nhiệm vụ chuyên trách việc buôn bán với nước ngoài là theo đề nghị của Bùi Viện. Ông cho mở một chi điểm ở Ninh Hải, chi điểm này về sau trở thành phố Chiêu Thương nổi tiếng, được các nhà buôn Tây phương khen ngợi là có tầm nhìn.
Những năm tiếp theo, Chiêu Thương quán ở Ninh Hải đã thu hút một số đông các nhà buôn người Việt và người Hoa đến sinh cơ lập nghiệp, mở cửa hàng buôn bán. Một trong những mặt hàng buôn bán chủ yếu lúc này là thóc gạo, lâm - thổ - thủy - hải sản.
Từ đó, bộ mặt phố xá ở khu vực ngã ba sông Tam Bạc và sông Cấm dần thay đổi. Đó là những cơ sở khởi thuỷ cho việc hình thành nên thành phố cảng Hải Phòng sau này. 
Chan dung nguoi xay dung cang Hai Phong-Hinh-2
Ngay khi Bùi Viện lập xong bến cảng, nhiều tàu buôn cỡ lớn đã đến giao thương. 
Lấy độc trị độc
Theo tư liệu của ông Bùi Luật, người đang chịu trách nhiệm nhang khói ở từ đường họ Bùi ở Thái Bình, thì khi vua Tự Đức phong cho Bùi Viện là Tuần hải Nha chánh Quản đốc (tức Đô đốc Hải quân), ông đã tổ chức một đội Tuần dương quân độc nhất vô nhị lúc bấy giờ.
“Theo như lời kể của các cụ trong dòng họ, thì ngày trước có rất nhiều cướp biển người Hoa hoạt động khu vực ven biển dọc từ Quảng Ninh xuống vùng Nam Định. Cụ Bùi Viện khi đó là quan văn nhưng lại được giao trọng trách của một võ tướng nên đã dùng đến những cướp biển người Hoa vào đội Tuần dương quân”, ông Luật cho hay.
Quả vậy, những tài liệu lịch sử còn ghi chép lại có nói rất nhiều về bọn cướp biển. Suốt một thời gian dài, chúng hoành hành ở các cửa sông, cửa biển, từ Trà Lý đến cửa sông Cấm, cửa Ba Lạt và các vùng lân cận. Không biết bao nhiêu tàu thuyền lẫn tài sản đã bị cướp bóc. Thậm chí, chúng còn giết chết cả những nhà buôn Tây phương hòng chiếm đoạt hàng hóa.
Khi tổ chức Tuần dương quân, Bùi Viện đã đề xuất với thượng cấp cho ông sử dụng những tên cướp biển. Với mức lương cao lại hưởng nhiều bổng lộc nên những tên cướp biển được xung vào Tuần dương quân rất mực trung thành. Trong suốt thời gian Bùi Viện chỉ huy đội quân này, vùng biển gần như không có nạn cướp bóc. Tiền kho tải vào kinh thành Huế cũng không mảy may sơ sảy.
Tuần dương quân do Bùi Viện tổ chức gồm hai thành phần chính: Thanh đoàn và Thủy dũng. Thanh đoàn do số đông cướp biển người gốc Hoa hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bùi Viện.
Thủy dũng thì toàn bộ do người Việt hoạt động. Ngoài ra, Bùi Viện còn cho đóng thêm 200 chiến thuyền do chính tay Bùi Viện chỉ huy tuần tiễu khắp vùng duyên hải có nhiệm vụ vận tải tiền của nhà nước, hộ vệ các nhà buôn và tiêu diệt giặc biển ở biển Đông Hải.
Chan dung nguoi xay dung cang Hai Phong-Hinh-3
Khu di tích Bùi Viện tại xã An Ninh. 
Vua ngự duyệt binh
Khi Bùi Viện tổ chức và huấn luyện thành thục đội Tuần dương quân, trong buổi ra mắt quốc dân tại cửa biển Thuận An (Huế), đích thân vua Tự Đức đã đến ngự duyệt và mừng rỡ ban thưởng khi thấy đó là đội quân tinh nhuệ bậc nhất thuộc Hải quân triều đình.
Bùi Viện lúc đó đứng ở mũi thuyền, thân mặc giáp, tay phất cờ hiệu lệnh. Các chiến thuyền theo hiệu lệnh riêng tiến – thoái – tụ - tán rất linh hoạt. Vua Tự Đức khen Bùi Viện: Mạnh Dực xuất thân văn quan mà võ nghệ xuất chúng.
Những tài liệu mà chúng tôi tìm thấy ghi chép Bùi Viện cùng Trạng Bồng Vũ Duy Thanh đã tìm tòi đóng ra một kiểu chiến thuyền có tên “thủy xa mộc thành”. Chiến thuyền này chạy bằng động cơ, có thể lặn xuống đáy nước hay nổi lên trên giống như tàu ngầm bây giờ.
Tài liệu ghi rõ: “Tàu này bằng gỗ, trên có lầu bát quái mặt thành bằng gỗ mềm rất dầy, 8 phía có đặt 8 khẩu đại bác. “Thủy xa mộc thành” đã được chế ra bằng cả tấm lòng ưu thời mẫn thế, trong lúc nhà vua không biết đến và không hề trợ giúp. Chiến tàu được đem ra thí nghiệm trước các Quốc tử viên”.
Danh sĩ Nguyễn Tư Giản, người phục vụ qua 7 đời vua nhà Nguyễn ca tụng Bùi Viện qua hai câu thơ: “Lỗi lỗi lạc lạc thanh thiên bạch nhật/Chiến chiến căng căng thâm uyên bạc băng” (Tài lỗi lạc như da trời xanh mặt trời trắng/Ở chỗ nguy hiểm như đứng trên vực sâu tuyết mỏng).
“Bùi Viện hoàn toàn có thể đề nghị nhà vua và triều đình chọn cửa biển Trà Lý hay Ba Lạt quê mình để xây dựng cảng biển. Tuy nhiên, ông đã không làm điều đó và đã chọn cửa sông Cấm ở Hải Phòng để xây dựng cảng biển, phát triển kinh tế, quân sự. Điều đó chứng tỏ ông không hề vị riêng cho mình, cũng chứng tỏ tầm nhìn thế kỷ của một văn quan trông việc võ tướng”.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan
Trần Hòa

>> xem thêm

Bình luận(0)