Từ những tin ngắn...
Năm 1911, Bác Hồ còn là một thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành đã xin làm bồi tàu để được đi ra thế giới mở rộng kiến thức. Năm 1919, Bác trở về Pháp sống với cụ Phan Châu Trinh và luật sư Phan Văn Trường. Chính trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã viết bản yêu sách gửi hội nghị Versailles để yêu cầu tự do, bình đẳng cho dân An Nam.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch kể rằng, khi viết bản yêu sách gửi hội nghị Versailles, Nguyễn Tất Thành ký dưới bản yêu sách này cái tên Nguyễn Ái Quốc và từ đây cái tên ấy được muôn người trong nước cũng như thế giới biết đến. Mặc dù bản yêu sách không được hội nghị các nước đế quốc xem xét nhưng Nguyễn Ái Quốc không nản lòng. Bỏ hết số tiền dành dụm được để thuê in bản yêu sách thành truyền đơn, Nguyễn Ái Quốc đã đem một phần gửi về trong nước qua các thủy thủ, một phần đem phân phát tại Paris.
Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2013), Kiến Thức xin giới thiệu tới độc giả loạt bài có nội dung thông tin sinh động, giàu giá trị tham khảo về chủ đề này. Loạt bài sẽ được đăng tải liên tục từ 17/6 - 21/6/2013. Kính mời độc giả theo dõi, đón đọc. |
Không ngờ, bản yêu sách được tờ báo Dân chúng đăng lên. Cảm kích, Nguyễn Ái Quốc đến tòa soạn tờ báo để cảm ơn. Chủ nhiệm báo – ông Jean Longuet là cháu ngoại của Karl Marx và là nghị sĩ Quốc hội Pháp đã tiếp Nguyễn Ái Quốc rất thân mật. Ông gọi Nguyễn Ái Quốc là đồng chí và bày tỏ rằng, ông rất có cảm tình với nhân dân An Nam, đồng thời ông khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết tin tức ở thuộc địa cho báo của ông nhằm làm cho người Pháp hiểu rõ những bất công xảy ra ở An Nam.
Được ông Jean Longuet động viên, Nguyễn Ái Quốc thường lui tới tòa soạn báo Dân Chúng để học hỏi và cũng tích cực làm quen với những người Pháp khác. Trong số đó, có ông chủ bút tờ Đời sống thợ thuyền. Ông này chính là người đầu tiên dạy Nguyễn Ái Quốc những kỹ năng làm báo.
Ban đầu, ông bảo Nguyễn Ái Quốc viết tin tức ở thuộc địa cho báo. Tin tức thì không thiếu nhưng Nguyễn Ái Quốc còn chưa giỏi mặt viết lách bằng tiếng Pháp. Biết vậy, ông chủ bút động viên: “Có thế nào anh viết thế ấy, tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa đi in. Anh không cần viết dài; 5 hay 6 dòng cũng được”. Nguyễn Ái Quốc bắt đầu học viết báo như thế.
Những mẩu tin đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc viết rất khó khăn. Khi viết xong lại cẩn thận chép thành 2 bản. Một bản gửi cho tòa soạn còn một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên được đăng báo, Nguyễn Ái Quốc vô cùng vui sướng, đọc đi đọc lại rồi lấy bản gốc ra để so đọ xem người ta sửa như thế nào để rút kinh nghiệm và học hỏi cách viết. Cứ như thế một thời gian, Nguyễn Ái Quốc đã nắm được cách viết tin.
Khi viết tin ngắn đã bớt sai, ông chủ bút lại bảo: “Bây giờ anh viết dài hơn một tí, viết độ 7, 8 dòng”. Cứ theo cách kéo dài dần dần ấy, Nguyễn Ái Quốc đã viết được cả một cột báo hoặc có khi dài hơn. Đúng lúc ấy, người chủ bút lại bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng, không viết dài hơn”.
Phải rút ngắn lại trong khi đang quen viết dài cũng khổ như lúc ban đầu đang viết ngắn phải kéo dài ra. Nhưng với sự cố gắng nghiêm túc, Nguyễn Ái Quốc đã làm được theo yêu cầu của người thầy. Đến lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đã nắm vững kỹ năng viết báo, có thể viết ngắn dài tùy ý mình.
... Đến Người làm báo thông minh
Sau khi học được kỹ năng viết báo, cùng với việc gửi bài đăng lên các tờ báo Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn sáng lập một tờ báo của riêng mình. Vẫn cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cho biết: “Để mở rộng tuyên truyền đến các thuộc địa, ông Nguyễn cùng các đồng chí của ông ra tờ báo Người cùng khổ - Le Paria do ông là chủ bút kiêm chủ nhiệm. Những người yêu nước Mangat, Angieri, Mactinich là những luật sư, thầy thuốc, nhà buôn hoặc sinh viên. Họ có công việc và gia đình của họ. Họ không thể để nhiều thì giờ cho tờ báo. Mọi người chỉ có thể góp một số tiền nhỏ và 1 bài báo mỗi tuần. Ông Nguyễn được mọi người cử ra làm cho tờ báo chạy. Vì vậy, ông kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc”.
Ở Paris có vô số báo ra mỗi ngày nên tờ Le Paria ban đầu gửi bán ở các sạp báo không chạy mấy. Nguyễn Ái Quốc bèn làm cách khác. Ông mang báo đến các buổi mít tinh phát cho dân chúng, rồi lên diễn đàn nói: “Các bạn thân mến, báo Người cùng khổ phát không nhưng tôi hết sức cảm ơn nếu các bạn vui lòng quyên góp giúp ít nhiều để giúp chúng tôi trả tiền in. Một xu, một quan, nhiều ít cũng tốt”. Những người Pháp dù nghèo cũng sẵn lòng rộng rãi cho nên Nguyễn Ái Quốc đã thu được những khoản tiền đủ chi trả cho tổn phí ra báo, đôi khi còn dư nữa.
Ngoài tờ Le Paria, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã lập ra nhiều tờ khác nữa. Trong số đó có tờ Thanh Niên ra ngày 21/6/1925 là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau này lấy ngày 21/6 là ngày kỷ niệm báo chí Việt Nam là từ dấu mốc đó.
Là lãnh tụ cách mạng, đồng thời Bác Hồ cũng được coi là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam vì vào ngày 21/6/1925 người cho ra tờ báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do người làm chủ bút. Báo chí đối với Bác Hồ là một phương tiện vận động cách mạng, tuyên truyền cách mạng. Trong nhiều năm làm báo, Bác Hồ đã để lại một gia tài báo chí đồ sộ với hàng nghìn bài viết ký nhiều bút danh khác nhau. Nhiều bài bình luận, xã luận của Bác đến nay vẫn được trích dẫn trong các giáo trình dạy báo chí như những tác phẩm mẫu mực.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU