Trước khi về chung một nhà, thấy anh còn băn khoăn việc khác biệt về văn hóa vùng miền và lối sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, chị nắm tay anh cười: “Đừng lo, chỉ cần mình có nhau là đủ!”. Ấy vậy mà cuộc đời xoay vần nào ai biết trước được...
Bi kịch mẹ chồng, nàng dâu
Họ từng là một cặp yêu nhau thắm thiết, bất chấp mọi rào cản, vượt qua mọi khó khăn để quyết định xây mái ấm gia đình. Vậy nhưng khi nên vợ thành chồng chưa bao lâu thì họ đã vội vàng buông tay nhau.
Anh NVT lớn lên trong một gia đình nghèo ở một vùng nắng gió thuộc tỉnh Bình Định. Còn vợ anh, chị TTM là “cành vàng lá ngọc” của một gia đình khá giả tại TP Đà Nẵng. Ngay lần đầu gặp nhau trên giảng đường đại học, anh đã thầm thương trộm nhớ chị nhưng đành giấu kín vì tự ti với hoàn cảnh xuất thân.
Tốt nghiệp đại học, anh T. lao vào làm việc kiếm tiền nhưng vẫn luôn âm thầm dõi theo bước chân của chị M. Anh tự nhủ mình chưa có sự nghiệp trong tay, lại phải gánh nặng lo cho gia đình nên chỉ biết cố gắng và cố gắng.
Cuộc sống cứ thế cuộn trôi, mãi tới khi cả hai bước qua tuổi 36 mà vẫn lẻ bóng, anh T. đã chủ động hẹn chị cà phê, ôn lại kỷ niệm cũ. Một lần rồi hai, ba lần. Càng trò chuyện họ càng nhận ra người đối diện thực sự là mảnh ghép còn thiếu của đời mình. Không lâu sau, anh T. lấy hết dũng khí ngỏ lời cầu hôn và đã nhận được cái gật đầu từ chị M.
Đám cưới nhỏ của họ diễn ra trong sự chúc phúc của người thân và bè bạn xa gần. Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Ngày chị M. theo anh về Bình Định làm dâu cũng là lúc sóng gió ập đến với hạnh phúc của họ. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng sự khác biệt quá lớn về môi trường sống khiến chị không thể hòa nhập với gia đình chồng.
Đặc biệt, mẹ chồng là người rất khó tính. Cuộc sống va chạm hằng ngày đã không tránh khỏi lời ra tiếng vào. Chị M. tự nhủ mình phải thay đổi để đạt mục đích cuối cùng là sống hòa thuận với mẹ chồng nhưng mọi nỗ lực của chị đều không được bà ghi nhận. Những cuộc cãi vã giữa mẹ chồng và nàng dâu vì thế mà ngày càng nhiều trước sự bất lực của người chồng.
Đầu năm 2016, chị M. sinh con đầu lòng. Bé con chào đời tưởng như sẽ là cơn gió mát lành xoa dịu mọi căng thẳng trong gia đình. Nhưng không, sự bất đồng quan điểm về cách chăm sóc trẻ giữa chị và mẹ chồng đã như giọt nước tràn ly khiến “cuộc chiến” ấy không thể cứu vãn được nữa. Cực chẳng đã, chị M. đành lau nước mắt ẵm đứa con đỏ hỏn về nhà ba mẹ ruột sinh sống.
Phiên tòa của nước mắt
Một thời gian sau, dưới sức ép của gia đình, đặc biệt là người mẹ, anh T. đã quyết định nộp đơn ly hôn với chị M. TAND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã thụ lý giải quyết vụ việc.
Ngày tòa xử sơ thẩm, chị M. không đến mà có đơn xin xét xử vắng mặt. Tại các bản khai và những phiên hòa giải trước đó, chị khẳng định trong quá trình chung sống, vợ chồng không có mâu thuẫn. Mọi bất hòa nảy sinh khi mẹ chồng can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của chị và anh T. Chị cũng nhiều lần thể hiện rõ ý kiến là không muốn ly hôn vì vẫn còn yêu thương anh T. rất nhiều.
“Khó khăn lắm chúng tôi mới đến được với nhau. Thực lòng chẳng bao giờ tôi nghĩ có ngày vợ chồng lại đưa nhau ra tòa như vậy” - anh T. cũng bắt đầu lời nói của mình tại phiên xử sơ thẩm như vậy.
Thấy vậy, HĐXX đã dành khá nhiều thời gian để hòa giải nhằm hàn gắn tình cảm giữa hai người nhưng rất tiếc câu trả lời cuối cùng của anh T. vẫn là “Muốn ly hôn”. Anh lý giải rằng đây là cách giải thoát cho cả hai người: “Điều khiến tôi day dứt nhất lúc này có lẽ là đứa trẻ, cháu còn quá nhỏ để gánh chịu nỗi đau khi cha mẹ ly tán”.
HĐXX hỏi: “Anh thấy trách nhiệm của mình như thế nào khi để mọi chuyện, đặc biệt là mâu thuẫn giữa chị M. và mẹ anh xảy ra như vậy?”. Anh T. đáp: “Tôi biết mình là người chồng không tốt nhưng…”, anh T. ngập ngừng, định nói tiếp điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Cuối cùng, anh thừa nhận bản thân mình bất lực khi phải lựa chọn giữa bên tình, bên hiếu. Cũng bởi quá chán nản trước những trận cãi vã của mẹ và vợ, anh đã dần buông xuôi và để mọi việc vượt khỏi tầm tay…
Cuối cùng, HĐXX tuyên chấp nhận đơn xin ly hôn của anh T. và giao con nhỏ cho chị M. trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh T. rời tòa nhưng có lẽ trong lòng anh đang nặng trĩu tâm tư…
Vợ tố chồng bạo lực, chồng nói vợ ngoại tình
Một vụ ly hôn khác mà TAND TP Đà Nẵng vừa xử phúc thẩm cũng khiến nhiều người nhói lòng. Gần 20 năm chung sống, có với nhau hai người con nhưng tình nghĩa chồng vợ giữa chị L. và anh Q. vỡ vụn vì lý do quan điểm sống không hợp.
Trình bày tại tòa, chị L. tố rằng nhiều lần bị chồng đánh nhưng vì sĩ diện nên chị đành ngậm bồ hòn làm ngọt, không báo với chính quyền địa phương. Ngày qua ngày, tình cảm vợ chồng dần nhạt dần theo mỗi trận đòn, chị muốn đường ai nấy đi để bản thân được giải thoát. Còn anh Q. thì trình bày rằng vợ không tôn trọng mình, sống không chung thủy vì nhắn tin tình cảm với người đàn ông khác.
Anh Q. nói: “Trước giờ, tôi chưa bao giờ đánh vợ. Khi bắt gặp những tin nhắn tình cảm đó, tôi mới nóng nảy, bột phát đánh vợ”. “Không đúng!” - chị L. gay gắt. Dừng lại vài giây, chị nghẹn ngào nói: “Đó là do quá bức xúc, muốn nhanh chóng được ly hôn nên tôi mới cố ý lên mạng xã hội thể hiện tình cảm yêu thương với người đàn ông khác để anh ta trông thấy”.
HĐXX nhận định trong quá trình chung sống, vợ chồng đã phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do tính tình và quan điểm sống không hợp. Anh Q. là người có tính gia trưởng, nhiều lần có hành vi xúc phạm, bạo lực với vợ nên hai người sống ly thân từ năm 2016. Sau khi vợ gửi đơn ly hôn, dù trình bày nguyện vọng được đoàn tụ nhưng anh không có hành động nào để hóa giải mâu thuẫn, hàn gắn rạn nứt. Ngược lại, sau khi tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu ly hôn, anh còn yêu cầu bán nhà để chia tài sản chung làm mâu thuẫn vợ chồng thêm trầm trọng. Ngoài ra, ba mẹ ruột của chị cũng nhiều lần có đơn đề nghị tòa xem xét giải quyết cho con gái được ly hôn vì anh thường xuyên có hành vi bạo hành chị, xúc phạm gia đình vợ. Vì thế HĐXX cho rằng có cơ sở xác định đời sống chung giữa anh và chị không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không còn đạt được nên chấp nhận kháng cáo, chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị. Kết thúc phiên tòa, họ lướt qua nhau, ánh mắt lạnh lùng như hai người xa lạ.