Bi hài cảnh ở chung mẹ chồng khiến vợ chồng "thân ai nấy lo"

Google News

Sau 6 năm chịu đựng, chị bàn với chồng chuyện ra ở riêng thì anh tuyên bố "Em muốn thì đi một mình, anh không đời nào". Chán cảnh sống như vậy, chị Hoài không muốn sinh con thứ hai nên âm thầm dùng thuốc tránh thai. 

Chị Hoài (quận Ba Đình) cho biết, chị chưa từng thấy mẹ chồng có vấn đề gì về tim mạch. Nhưng phòng ngủ của chị đêm nào cũng phải mở hé, ít nhất 10 cm, bởi mẹ chồng nói bà bị bệnh tim, lúc nào cũng có thể gọi. Cũng vì lý do này, từ hồi mới cưới, chị Hoài luôn có cảm giác thấp thỏm khi "yêu" và chẳng thể thăng hoa. Sau khi chị có bầu và sinh con, đời sống chăn gối càng ảm đạm.

Không những vậy, chị Hoài còn nhiều lần nghe thấy hàng xóm, người quen kể lại họ được mẹ chồng buôn chuyện về chị thế nào. "Ban đầu nghe mọi người nói lại, tôi sốc, còn hỏi lại mẹ chồng xem có thật vậy không. Bà chối bay, còn giận dỗi ngược. Sau tôi quen và chán nên bỏ ngoài tai", chị Hoài kể. Dù vậy, chị vẫn ấm ức và ngày càng mệt mỏi vì cuộc sống luôn bị soi mói và căn vặn đủ điều.

Sau 6 năm chịu đựng, chị bàn với chồng chuyện ra ở riêng thì anh tuyên bố "Em muốn thì đi một mình, anh không đời nào". Chán cảnh sống như vậy, chị Hoài không muốn sinh con thứ hai nên âm thầm dùng thuốc tránh thai. Chị dửng dưng nhìn chồng khát con và vẫn đi cùng khi anh kéo tới phòng khám vô sinh. "Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ tới chuyện bỏ chồng nên thấy việc sinh thêm chỉ làm khổ mình và khổ con", chị giải thích.

Chồng chị Hoài không dám quyết đoán việc ra riêng vì sợ mẹ buồn. Ảnh minh họa: M.T

Ba tháng trước, khi thấy mẹ chồng rao khắp nơi rằng bà muốn lấy vợ hai cho con trai để sớm có cháu đích tôn, như tức nước vỡ bờ, chị Hoài đưa con gái ra ngoài sống. "Giờ chồng tôi vẫn ở với mẹ anh ấy, chỉ thỉnh thoảng qua thăm con. Tôi không thể nhốt đời mình trong cuộc sống ngột ngạt đó thêm ngày nào nữa và cũng chẳng quan tâm chồng quyết định thế nào", chị Hoài chia sẻ.

Thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội) nhớ rõ tình cảnh dở khóc dở cười tương tự của một cặp vợ chồng ở Gia Lâm, Hà Nội, đến tư vấn cách đây không lâu. Người chồng là trưởng phòng một công ty xuất nhập khẩu, vợ là chánh văn phòng một tập đoàn lớn. Cả hai gõ cửa trung tâm khi gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ vì chồng ngoại tình. Khi hỏi sâu hơn, nhà tâm lý phát hiện, vấn đề bắt nguồn từ cuộc sống chung ngột ngạt của họ với bố mẹ và anh chồng, chị dâu.

Người vợ tên Trâm chia sẻ, mới cưới, bố mẹ chồng đã nói muốn cả hai con trai luôn ở cùng cho tình cảm và dễ chăm sóc, giúp đỡ nhau. Nghĩ phụ huynh chỉ nói vậy, thời gian sau sẽ thay đổi, lại được chồng động viên sẽ mua nhà ra riêng, chị không lo lắng nhiều.

Thế nhưng hai năm sau, khi biết vợ chồng chị hùn tiền mua căn hộ trả góp, mẹ chồng phản đối gay gắt và tuyên bố: Nếu anh chị ở riêng thì không bao giờ được quay về và ông bà có ốm, chết cũng sẽ không nhìn mặt, không cho cả hai cúng, giỗ. Thậm chí, có lần biết vợ chồng chị định tới thăm nhà mới, anh chị chồng còn xì hết lốp xe để cả hai không đi được.

"Sống trong cảnh đó, dù ở cơ ngơi 5 tầng hoành tráng, tôi cảm thấy chẳng có khoảng trời riêng nào cho vợ chồng mình", chị Trâm bày tỏ.

Chị kể thêm, mỗi lần vợ chồng chị đi ăn ngoài là mẹ chồng lại giận dỗi, cả tuần sau cũng không thèm đáp lời con trai, con dâu. Dần dần, chồng chị cũng ngại, không còn dám rủ vợ đi xem phim, ăn uống hay gặp gỡ bạn bè buổi tối nữa. "Anh ấy vẫn đi đến những cuộc vui, chỉ khác là không có tôi theo cùng", chị ngao ngán kể.

Ở cùng gia đình chồng, làm gì chị cũng bị chê trách, từ nấu ăn, chọn trang phục tới cả cách dạy con. "Càng ngày, tôi càng thấy ức chế và khi về đến nhà là hầu như câm lặng, chẳng muốn nói chuyện gì với mọi người và dễ gây gổ với chồng nên anh ấy càng hay vắng mặt", chị Trâm chia sẻ.

Đến một ngày, phát hiện chồng có bồ, chị Trâm càng cay đắng khi bố mẹ chồng đổ lỗi chị không khéo léo nên anh mới đi tìm người khác. "Chồng muốn đi tư vấn để níu giữ gia đình. Tôi chỉ muốn một điều: được tự do. Chỉ thương hai đứa con đang tuổi lớn phải đứng giữa cuộc giằng co này", chị Trâm thổ lộ.

Bà Linh Nga cho biết, trong hơn 10 năm tư vấn, bà gặp không biết bao nhiêu đôi tan vỡ chỉ vì những bức bối trong cuộc sống chung với gia đình lớn. Điều này đặc biệt đúng khi mẹ chồng quá bao bọc hay có tâm lý sở hữu con trai, coi thường con dâu. Khi đó việc ở chung khiến vợ chồng không có cơ hội vun đắp tình cảm riêng, không có thời gian lãng mạn dành cho nhau, dẫn đến xa cách, mất dần cảm xúc và nảy sinh mâu thuẫn.

Giải pháp cho vấn đề này là ở riêng, có thể là sống gần nhưng độc lập, song người quyết định - người chồng - đôi khi lại không dám lên tiếng hoặc thậm chí không muốn tách ra.

"Cánh mày râu cần ý thức được việc này có liên quan trực tiếp tới hạnh phúc gia đình riêng. Chính họ phải được đả thông trước, từ đó thể hiện rõ tiếng nói quyết định của mình. Nếu người chồng vẫn mang định kiến phải sống chung mới tình cảm và báo hiếu cha mẹ, thì người vợ đấu tranh cho chuyện ra riêng rất khó khăn, mệt mỏi", nhà tâm lý chia sẻ.

Theo chuyên gia, việc ở chung chỉ ổn thỏa nếu phụ huynh biết tôn trọng sự riêng tư của con cái, khuyến khích con trai đỡ đần vợ và người chồng phải tâm lý, chia sẻ với vợ nhiều nhất có thể. Bản thân người phụ nữ cũng cần có một số kỹ năng để sống hòa thuận như: Luôn biết lắng nghe một cách tích cực, chân thành khen ngợi phụ huynh từ những điều nhỏ như khi bố, mẹ chồng nấu được một món ngon hay mua được thứ đồ tốt, rẻ; Cố gắng tác động tới chồng thay vì cố làm thay đổi bố mẹ chồng...

Theo Danviet

>> xem thêm

Bình luận(0)