WHO: Bệnh nhân COVID-19 tái dương tính là một phần của hồi phục

Google News

(Kiến Thức) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh nhưng xét nghiệm tái dương tính với virus SARS-CoV-2 là do phổi đang đào thải các tế bào chết chứ không phải là tái nhiễm.

Phát ngôn viên của WHO cho hay: "Chúng tôi biết rằng có một số bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau khi đã hồi phục lâm sàng. Từ những gì chúng ta biết hiện nay và điều này dựa trên dữ liệu rất gần đây, chúng ta thấy rằng những bệnh nhân này đang đào thải các tế bào chết còn sót lại trong phổi của họ, như là một phần trong giai đoạn hồi phục".
Đồng quan điểm, chuyên gia Maria Van Kerhove thuộc chương trình khẩn cấp y tế của WHO, cũng giải thích: "Khi phổi lành lại, các phần tế bào chết của phổi sẽ được đẩy lên. Những phần này mới thật sự khiến bệnh nhân tái dương tính. Đây không phải là virus dễ lây, nó không tái kích hoạt. Đây thật ra là một phần của giai đoạn hồi phục".
WHO: Benh nhan COVID-19 tai duong tinh la mot phan cua hoi phuc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định các bệnh nhân COVID-19 tái dương tính là do phổi đang đào thải các tế bào chết chứ không phải là tái nhiễm. Ảnh minh họa.
Hàn Quốc gần đây thông báo có hơn 100 trường hợp dương tính trở lại với COVID-19 sau khi khỏi bệnh, làm tăng lo ngại những bệnh nhân đã hồi phục có thể tái nhiễm.
Một số nghiên cứu cho thấy những người nhiễm virus corona chủng mới bắt đầu có kháng thể sau khi bị nhiễm khoảng một tuần hoặc trong khi xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên chưa rõ liệu cơ thể những người bệnh này có sản xuất đủ kháng thể để ngăn virus tấn công trở lại hay không và kháng thể này sẽ tồn tại trong bao lâu.
Theo WHO, cần nghiên cứu thêm về các ca tái dương tính với COVID-19 để xác định liệu họ có thể lây nhiễm virus cho người khác hay không.
"Chúng ta cần thu thập có hệ thống những mẫu bệnh từ các bệnh nhân đã hồi phục để hiểu rõ hơn về thời gian họ có thể phóng thích virus sống là bao lâu", WHO cho biết.
Đối với một số loại virus, như virus gây bệnh sởi, những người mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời. Nhưng với các loại virus corona, như virus gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS), khả năng miễn dịch kéo dài vài tháng đến vài năm.
Tại Việt Nam cũng có những trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh. Ở những người tái dương tính không có dấu hiệu lâm sàng nào. Bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh, ăn ngủ bình thường.
Về phương pháp xét nghiệm, GS Nguyễn Văn Kính cho biết bản chất của xét nghiệm hiện nay là làm RT-PCR: Lấy một đoạn mồi để phát hiện đoạn gen Y của virus. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, lên tới 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của virus, không phải phát hiện toàn virus.
Vì vậy, để khẳng định bệnh nhân có tái dương tính hay không thì phải nuôi cấy virus để xem có tái hoạt động hay không. Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì virus không hoạt động. Như vậy giả thiết đặt ra đây chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại. Những ca tái dương tính đều không lây nhiễm trong cộng đồng.
“Chúng tôi nghĩ cần phải nghiên cứu thêm kháng thể của bệnh nhân. Bệnh nhân tái dương tính trở lại không phải dùng thuốc điều trị” – GS Nguyễn Văn Kính cho biết. Trước đó, khi xảy ra các trường hợp tái dương tính với Virus Sars-CoV-2, có giả thuyết đặt ra là bệnh nhân có thể chuyển thành người lành mang trùng sau khi công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Kính bác bỏ giả thuyết này, vì nếu là trường hợp người lành mang trùng thì virus sẽ phải sống.
Một lần nữa, ông nhắc lại hiện tượng bệnh nhân tái dương tính không phải riêng Việt Nam có mà trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy. Việc này do đáp ứng miễn dịch của từng người, không phải là ca bệnh. Khi theo dõi dịch tễ trên thế giới như tại Nhật Bản, Trung Quốc... những ca tái dương tính trở lại không lây nhiễm cho bất kỳ trường hợp nào dù họ đã về cộng đồng cách ly. Những người mà những ca này tiếp xúc F1 hoàn toàn âm tính.
Thảo Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)