|
"Vũ nữ chân dài" - món đặc sản của miền Tây (Ảnh: Zing). |
Ở các vùng đồng ruộng miền Tây như Bạc Liêu, An Giang hay Đồng Tháp, nhái sản sinh rất nhanh và có quanh năm. Vào mùa mưa nhái nhiều vô kể, mỗi khi trời tối, chúng lại đồng thanh kêu như bản hợp xướng đồng quê miền Tây và trở thành một âm thanh quen thuộc mà bất kỳ người con nào ở xứ này đi xa cũng nhớ.
Tranh thủ thời gian này, những người nông dân lại dùng đèn soi để chụp bắt đem về chế biến thành những món ngon. Khi nhái còn tươi, người ta thường kho tiêu, ram với sả nghệ, nấu món cà ri hay nấu canh chua. Thịt nhái rất dai và thơm do sống trong môi trường hoang dã và thường là món đặc sản để đãi khách phương xa.
|
Nhái làm sạch rồi đem tẩm ướp gia vị trước khi đem phơi (Ảnh: Trọng Bình). |
Ăn không hết, người ta thường đem làm khô nhái. Những con nhái cơm nhỏ sau khi được bắt về được lột sạch da, rửa sạch rồi tẩm ướp gia vị như muối, tiêu, ớt cho thấm đều rồi đem phơi khô, đến khi chỉ còn nhỏ bằng ngón tay.
Thông thường ướp khô nhái, người chế biến phải để khoảng 2 tiếng mới vớt nhái ra phơi, như vậy gia vị mới thấm vào thịt nhái, ăn mới thơm, ngon. Do vị thơm ngon khó cưỡng, lại có hình dáng rất đặc biệt nên người dân dặt cho cái tên khá mĩ miều “cô gái chân dài”, “vũ nữ chân dài”, “kiều nữ đại gia”....
Khô nhái rất dễ ăn, thường người ta đưa lên bếp than hồng nướng, hoặc chiên mắm, chiên giòn rồi chấm với nước cốt me. Khi ăn thường nhai cả xương và thịt, giòn rụm thơm ngon quyện với vị chua chua thanh thanh của me, chút cay cay của ớt, ăn rất thú vị.
|
Vũ nữ chân dài lên bàn nhậu (Ảnh: Trọng Bình). |
Theo người dân nơi đây, để phơi được 1 kg nhái khô bình quân hết khoảng 4 kg nhái tươi. Giá nhái khô hiện giờ khoảng 500.000 đồng, vào dịp Tết sẽ tăng cao hơn và có khi cháy hàng.
Mời quý độc giả xem video đặc sản chuối tiến vua (nguồn VTC):