Vò võ nuôi con đợi chồng trong thương nhớ

Google News

Em cứ tự động viên mình phải cố gắng làm hậu phương vững chắc cho chồng để anh yên tâm công tác nhưng thật sự nhiều lúc cũng yếu lòng vì nhớ.

Chị Thanh Tâm thân mến!

Sau Tết dương lịch, mọi thứ dường như vội vã, lòng người cũng náo nức, xốn xang chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Lịch nghỉ Tết dương năm nay trùng với cuối tuần nên em có nhiều thời gian nghỉ ngơi bên các con, gia đình. Nhưng lúc ở một mình, nỗi nhớ chồng lại trào dâng da diết.

Tết là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau nhưng có lẽ đó là điều xa xỉ đối với những người vợ lính như em. Đã từ rất lâu em không được cùng anh đi đón giao thừa, không cùng anh sắm đồ trang trí ngày tết và mua quần áo mới cho các con nữa, nhiều lúc cảm thấy mình như mẹ đơn thân, cái gì cũng phải tự mình làm, cố gắng chu toàn mọi việc hai bên, thay anh chăm sóc, vun vén gia đình, dạy dỗ các con.

 

Vo vo nuoi con doi chong trong thuong nho

Ảnh minh hoạ.


 

Vợ chồng em lấy nhau được 9 năm thì hơn 4 năm nay anh ấy đón Tết nơi đảo xa. Anh ấy cứ đi miết vậy từ khi con trai bé của em mới được vài tháng tuổi. Nhớ chồng nhiều khi em không biết phải làm sao chị ạ.

Em cứ tự động viên mình phải cố gắng làm hậu phương vững chắc cho chồng để anh yên tâm công tác nhưng thật sự nhiều lúc cũng yếu lòng vì nhớ. Ngày đó em "kết" anh bởi phong thái nhanh nhẹn, từng trải, ăn nói dễ nghe, giọng nói sang sảng và đôi mắt trìu mến, sau đó theo anh lên xe hoa. Có ai ngờ đâu lấy nhau về cứ một mình vò võ nuôi con đợi chồng trong thương nhớ.

Em cũng biết công việc của anh thường xuyên phải công tác xa nhà, nhưng chưa từng nghĩ khi xa nhau, mọi việc nhiều lúc lại khó khăn đến như thế. Ngày anh nhận nhiệm vụ đi đảo, em nén cảm xúc, vui vẻ để anh yên tâm công tác. Nhưng lấy chồng xa quê, không có người thân bên cạnh, giờ chồng lại xa nhà, nên thấy tủi thân vô cùng.

Lúc ốm đau cũng chỉ có mình và con, ngày lễ Tết người ta có đôi có cặp, gia đình vui vẻ đi chơi còn mình chỉ có ba mẹ con. Thiếu thốn tình cảm thế nào em cũng chịu được nhưng thương nhất là tụi nhỏ chị à! Mỗi khi thấy các bạn quấn quýt bên bố mẹ chúng lại luôn miệng nhắc đến bố, đòi bố mà em chạnh lòng.

Thêm nữa, chuyện mẹ chồng nàng dâu không hợp, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười mà chẳng dám nói với chồng, sợ chồng lại lo lắng chuyện gia đình.

Đôi khi em rất muốn anh xin chuyển công tác về gần nhà hoặc về thành phố để gần gia đình, gần vợ gần con hơn... Nhưng khi chồng nói hiện tại vẫn chưa thực hiện xong nhiệm vụ, em lại ngậm ngùi và chờ đợi những lần chồng nghỉ phép về thăm nhà.

Nhiều khi em không kiềm chế được cảm xúc, khi các áp lực đổ dồn lên vai, còn cáu muốn anh lựa chọn giữa công việc và gia đình vì em quá chán cảnh chồng đi biền biệt như vậy. Vậy là hai vợ chồng lại cãi vã. Anh nói em không hiểu chuyện, không nghĩ cho anh, ích kỉ,... Phải chăng em đã quá ích kỉ như anh nói?

Em xin được giấu tên

Em gái thân mến!

Thực sự xa chồng biền biệt có người vợ nào vui cho được. Em và những người vợ lính thực sự là những người có bản lĩnh và nghị lực "giữ lửa" trong mỗi gia đình. Chính sự nỗ lực, cố gắng, sẻ chia, động viên chồng là những điều thiết thực nhất để các anh ấy yên tâm làm nhiệm vụ, góp phần cho đất nước có những mùa xuân trọn vẹn, hạnh phúc.

Chị hiểu những thiệt thòi mà em và các cháu phải trải qua. Nhưng mình đã lựa chọn người đàn ông ấy, lựa chọn người có lý tưởng, hoài bão thì sao trong lúc nóng giận mà dễ dàng nói buông tay là buông tay cho được. Lúc nóng giận thì nên bình tĩnh, đừng vội vàng xả hết nguồn cơn với chồng. Hai vợ chồng ở xa nhau, nói những lời đó càng làm tổn thương anh ấy thì bản thân em có vui được không? Khi có dịp, hai vợ chồng hãy nói chuyện thẳng thắn, chia sẻ cùng nhau, để từ đó tìm ra tiếng nói chung em ạ.

Đối với con nhỏ, em hãy nói chồng tranh thủ thời gian nghỉ gọi điện về nhà nhiều hơn, nói chuyện với các cháu nhiều hơn. Hãy để anh ấy kể về nhiệm vụ nơi đảo xa cho các con nghe để các cháu thấy bố của mình là một chiến sĩ đảo xa đầy dũng cảm, nhiệt huyết, bồi đắp cho các con tình yêu thương gia đình, đất nước và tự hào về người bố của mình. Chị tin rằng, trong các câu chuyện của con với bạn ở lớp hay với những cô cậu bé nhỏ hàng xóm, các cháu sẽ rất tự hào về bố và cố gắng noi gương bố.

Chúc gia đình nhỏ của em luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc và sớm ngày đoàn tụ bên nhau!

Theo Thanh Tâm/Phụ nữ Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)