Theo báo cáo công tác y tế tháng 9/2018 của Bộ Y tế, trong tháng 9 cả nước có 12.233 ca tay chân miệng, tăng 3.289 ca so với tháng 8 và nâng tổng số mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay lên 42.772 ca.
Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM đã có hơn 3 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng. Tại Hà Nội, trong tuần qua cũng ghi nhận 46 trường hợp mắc nâng các ca tay chân miệng từ đầu năm đến nay lên hơn 1.500 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại các xã, phường, thị trấn.
Các trường hợp bệnh tay chân miệng hiện nay cho thấy sự trở lại của gien C4 thuộc chủng virus Enterovirus 71 (EV71) - chủng vi rút gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước vào năm 2011.
Trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận từ 30.000 đến 80.000 trường hợp mắc bệnh. Năm 2011, dịch bệnh lan rộng nhất đã ghi nhận trên 108.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 164 ca tử vong tại 30 tỉnh, thành phố.
|
Trong tháng 9/2018, cả nước có 12.233 ca tay chân miệng, ảnh Internet. |
Từ năm 2012 đến nay, bệnh tay chân miệng trên cả nước có khuynh hướng giảm, chủ yếu là các trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú. Nhưng mùa dịch năm 2018 có xu hướng tăng mạnh.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), cho hay trong một tuần qua, số ca nhập viện do tay chân miệng tăng đột biến. Ngày thứ hai 24/9, cao điểm khoa điều trị cho 222 em, đến ngày 26-9, tại khoa còn 179 em. Trong đó số ca bệnh nặng phải theo dõi sát sao là 25-30 em. BS Khanh lo ngại số lượng trẻ nhập viện sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Theo BS Khanh, số ca nhập viện vì tay chân miệng hơn 50% do nhiễm chủng virus EV71, là chủng nguy hiểm nhất của tay chân miệng tính đến thời điểm hiện tại. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, sốc, suy tim, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.
Các bác sỹ khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu của con để phát hiện bệnh và đưa đi khám kịp thời. Các bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).
Khi trẻ sốt cao không hạ, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay. Hoặc có trẻ không có dấu hiệu rõ nhưng lúc thiu thiu ngủ có hiện tượng giật mình trên hai lần trong vòng 30 phút thì cha mẹ phải nghĩ đến khả năng bệnh này.
Ba dấu hiệu sớm cảnh báo diễn biến nặng
Các bác sỹ cũng lưu ý cha mẹ những dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng có thể diễn biến nguy hiểm. Cụ thể, trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamon. Đây là tình các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen. Và biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.
Bác sĩ lưu ý cha mẹ cần phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Theo các bác sĩ đây là 3 triệu chứng rất sớm, cha mẹ cần chú ý theo dõi. Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.