Theo Quyết định về biểu mẫu và quy trình cấp hộ chiếu vắc xin ban hành ngày 20/12 của Bộ Y tế, "hộ chiếu vắc xin" được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vắc xin được cơ quan này cấp phép. Mẫu "hộ chiếu vắc xin" sẽ bao gồm về cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch), tên bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi đã tiêm, cùng các thông tin về loại vắc xin, số lô, ngày tiêm vắc xin...
|
Cấp hộ chiếu vắc xin cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vắc xin. |
Cụ thể, quy trình cấp Hộ chiếu vắc-xin cho người dân gồm 3 bước như sau:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn tại Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 với 8 loại đã được Bộ Y tế cấp phép, bao gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala, mỗi sản phẩm được gắn 1 mã code.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Theo Bộ Y tế, mã QR trong hộ chiếu vắc xin sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.
“Hộ chiếu vắc xin” hiển thị 11 thông tin là: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vắc xin; sản phẩm vắc xin; nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin; mã số của chứng nhận.
Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vắc xin dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
“Hộ chiếu vắc xin” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế. Người có tấm “hộ chiếu” này đã được chứng nhận sức khỏe ổn định và có lợi thế khi xin visa để xuất cảnh.
“Hộ chiếu vắc xin” ra đời đã mang đến rất nhiều lợi ích như: Giúp các cơ quan y tế kiểm soát tốt và dễ dàng hơn tình hình sức khỏe mỗi người; để người dân biết rõ được sức khỏe của mình; hỗ trợ các quốc gia mở cửa đón khách quốc tế.
Cụ thể, mã code bệnh dịch COVID-19 theo bảng mã quốc tế là 840539006COVID-19, cùng mã code của 8 loại vắc xin đã được sử dụng tại Việt Nam là Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Janssen, Hayat-Vax, VeroCell, Sputnik và Abdala.
Theo thông tin ban đầu (tính đến 9-12), đã có một số quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam.
Có thể nói, "hộ chiếu vắc xin" là công cụ để có thể mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Mở đường bay với quốc gia nào phải có sự đồng thuận với quốc gia đó.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, kế hoạch đã trình, lộ trình nối lại một số đường bay thương mại quốc tế dự kiến từ tháng 12/2021 và đầu năm 2022. Bộ sẽ tiếp tục rà soát và làm việc với các quốc gia để nối lại các chuyến bay sớm nhất. Từ đó có báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mở lại các đường bay chia làm 3 giai đoạn, lộ trình khác nhau và tương ứng với tần suất khai thác, biện pháp phòng, chống dịch kèm theo bảo đảm nhu cầu đi lại của thị trường.
Việc mở các đường bay là nhu cầu thực tế khách quan. Đây là nhu cầu không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng xem xét mở lại các chuyến bay. Việc nối lại đường bay nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đi lại, giao thương, phát triển du lịch.