Việc ăn lâu tưởng chừng như không phải tuân theo nguyên tắc nhưng theo các chuyên gia thực phẩm, để bữa ăn thêm trọn vẹn bạn nên nhớ những nguyên tắc sau đây để tránh những trường hợp
Không ăn lẩu tái, sống
Không ít người tiêu dùng thích ăn lẩu tái vì cho rằng sẽ giữ được độ ngọt của thực phẩm. Tuy nhiên theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Khoa Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc ăn thực phẩm chín tái sẽ không thể tiêu diệt được hết ký sinh trùng bám trên thực phẩm, người ăn sẽ phải đối mặt với các bệnh về đường tiêu hóa. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng nhấn mạnh, dù là lẩu hay món ăn nào khác cũng nên tuân thủ theo nguyên tắc “ăn chín uống sôi”.
Không nên ăn lẩu tái sống. ẢNH: HQ
Không dùng chung đũa gắp thịt sống và chín
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo nếu dùng chung đôi đũa để vừa gắp thịt sống cho vào nổi lẩu, vừa gắp thịt chín để ăn sẽ là điều kiện để vi khuẩn trong thức ăn sống thâm nhập vào miệng.
Không ăn lẩu quá nóng
Thức ăn khi nhúng trong nồi lẩu nóng hơn 100 độ C có thể sẽ nóng ở mức 50- 60 độ C, do đó nếu ăn quá nóng sẽ dễ làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản, ngoài ra có thể gây hỏng men răng. Bên cạnh đó, các nồi lẩu cay nóng sẽ gây kích thích đường tiêu hóa, làm hại sức khỏe. Do vậy cách ăn lẩu an toàn nhất là gắp những đồ ăn đã chín ra bát để nguội bớt rồi mới từ từ sử dụng.
Nên ăn nhiều rau xanh và ăn rau trước khi ăn thịt
Thông thường thực phẩm chính trong các món lẩu là thịt, cá. Tuy nhiên theo chuyên gia thực phẩm bạn nên ăn nhiều rau xanh và ăn rau trước khi ăn thịt để dạ dày không phải làm việc quá tải. Bên cạnh đó, rau xanh còn giúp giải độc, làm mát cơ thể và hấp thụ các chất béo tốt hơn.
Không nên ăn lẩu quá lâu
Thực phẩm khi đun sôi trong thời gian dài, sẽ mất đi nhiều vi chất dinh dưỡng. Đơn cử khi đun sôi rau quá lâu, lượng vitamin và khoáng chất sẽ giảm đi chất nhanh, và chỉ còn lại chất xơ. Hay với một số loại thịt cá, nếu đun trong nồi lẩu quá lâu, các protein bị chia cắt nhỏ, khi ăn những thực phẩm này, cơ thể hấp thu được rất ít dinh dưỡng
Bên cạnh đó, càng đun lâu thì nước lẩu sẽ càng mặn, lúc này lượng purin, chất béo, natri và dầu mỡ trong nước lẩu tăng lên sẽ làm tăng axit uric trong máu, không tốt đối với người bị bệnh gout.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng từng tư vấn, các gia đình không nên ngồi ăn lẩu quá lâu, trên 2 giờ. Bởi khi ngồi ăn lâu như vậy, dạ dày sẽ phải làm việc liên tục để tiết ra dịch vị nhằm tiêu hóa thức ăn, điều này là hoàn toàn không tốt. Khi phải làm việc liên tục, lượng dịch vị tiêu hóa tiết ra sẽ bị giảm, từ đó gây rối loạn tiêu hóa.
Không nên uống nước đá khi ăn lẩu nóng
Khi ăn lẩu nóng chúng ta thường có xu hướng uống nước đá để giải tỏa nhiệt trong người. Tuy nhiên theo chuyên gia việc làm này sẽ kích thích dạ dày co bóp, gây giảm tiết dịch tiêu hóa, đồng thời sẽ làm giảm lượng men tiêu hóa trong cơ thể, từ đó gây cản trở quá trình tiêu hóa của bạn.