Trong tình yêu, đòi hỏi phải có lòng tin ở nhau, đặt biệt trong quan hệ vợ chồng đòi hỏi này lại càng cao hơn. Nếu vừa yêu vừa nghi ngờ theo dõi, xét nét nhau từng li từng tí, lúc nào cũng lo người kia phản bội mình thì không những chỉ xúc phạm người mình yêu mà còn tự biến mình thành kẻ đáng ghét.
Một anh nghi ngờ người yêu vẫn còn lưu luyến "người cũ". Một hôm, anh ta bắt gặp cô người yêu đi vào phòng làm việc của anh kia, bèn đứng chờ ở hành lang đợi người yêu ra và chặn lại hỏi:
- Cô vào phòng nó làm gì?
Cô gái thật thà:
- Em hỏi số điện thoại của một người bạn.
- Ghi có cái số điện thoại mà phải đến 10 phút? Đưa tôi xem!
Cô đành phải mở sổ cho người yêu xem, không ngờ anh ta cứ đứng ngắm nghía mãi dãy số điện thoại. Bỗng anh đưa ra một mảnh giấy:
- Bây giờ tôi đọc, cô ghi lại dãy số này xem nào.
Cô nàng chẳng hiểu ra sao nhưng thấy vẻ mặt căng thẳng của người yêu cũng đành làm theo. Nào ngờ anh ta bỗng trợn mắt lên:
- Tại sao con số 4 cô ghi trong phòng nó lại có cái đuôi nguệch ra thế này, còn đây có cái đuôi ấy đâu? Nhất định cô vừa ghi vừa để nó hôn nên mới như thế.
|
Ảnh minh họa. |
Cứ thế, cuộc cãi cọ ngày một quyết liệt. Cuối cùng cặp tình nhân tan vỡ chỉ vì con số 4 có nguệch ra một cái đuôi.
Có thể nói khi đã không tin nhau, đã nghi ngờ nhau thì bất cứ một dấu hiệu gì dù nhỏ nhất như cái đuôi một con số cũng trở thành “bằng chứng hiển nhiên” của sự phản bội. Thật ra, nếu đôi trai gái kể trên có lấy nhau thì sống với một người chồng “Tào Tháo” như vậy cũng khó có thể hạnh phúc.
Bây giờ, bằng các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, người ta có thể theo dõi nhau bất cứ lúc nào. Thô thiển thì nhìn đồng hồ xe máy để vặn vẹo xem đi bao nhiêu cây số. Về chậm với lý do đến nhà ai thì lấy điện thoại gọi ngay đến nhà đó kiểm tra. Nếu nói là vào siêu thị, lại săm soi yên xe xem có vết phấn của người giữ xe ghi vào không… Có chị không dám ngồi cạnh người hút thuốc lá sợ khói thuốc vương vào tóc, về chồng kiểm tra thấy mùi lạ cho là đi ngồi với trai.
Con mắt kẻ đa nghi nhìn đâu cũng thấy tình địch, gặp ai cũng thấy họ có thể hơn mình hoặc về ngoại hình, hoặc về tài năng, lo họ trẻ hơn, giàu có hơn hoặc thành đạt hơn. Với kẻ đa nghi, dù người yêu hoặc chồng hay vợ họ gặp bất cứ ai, họ cũng có lý do để nghi ngờ. Thậm chí có anh chồng là tiến sĩ khoa học thuê thợ đến sửa lại nhà, ghen luôn cả với thợ xây.
Một chị nọ đang giữa buổi làm ở cơ quan tự nhiên thấy nóng ruột, nghi chồng ở nhà dắt gái về, liền xách xe máy phóng thẳng về nhà. Chị gõ cửa liên hồi, anh chồng vẫn không nghe thấy. Chị vợ điên tiết bắc ghế trèo lên đập cửa kính chỗ toa-lét, chui vào để “bắt quả tang”, nào ngờ anh chồng đang ngồi, hai tai đeo cặp “phôn” mở nhạc oang oang nên chẳng hay biết gì cả.
Mới đây ở Anh, các chuyên gia tâm lý phát hiện trong xã hội hiện đại, do mất tự tin đến gần như “đánh mất chính mình”, ngày càng có nhiều người mắc chứng đa nghi hoang tưởng. Một mẩu tàn thuốc lá rơi ở góc nhà, một dấu giày trên thảm, một cái chăn gấp vội vàng không ngay ngắn đều khiến họ nghi có kẻ tình địch đã lẻn vào nhà trong khi mình đi tập thể dục buổi sáng, nhưng vợ hoặc chồng thanh minh thế nào họ cũng không tin.
Nhiều trường hợp các chuyên gia tâm lý phải đặt caméra bí mật mới giải tỏa được tâm lý nghi ngờ của họ. Hiện nay, tuy nhà nước ta chưa chính thức cấp giấy phép cho ai hành nghề thám tử tư nhưng trong thực tế những người làm nghề theo dõi thuê này vẫn hoạt động, thậm chí có bác “xe ôm” cũng được trả hàng mấy trăm nghìn đồng mỗi ngày để làm “thám tử tư”.
Trong thực tế người đa nghi không những xúc phạm đối phương mà còn làm khổ chính mình và càng đa nghi, tình yêu càng suy giảm, có nguy cơ biến quan hệ yêu đương hay vợ chồng thành mối quan hệ của công an với kẻ tội phạm. Cho nên một khi sự nghi ngờ trở thành nỗi ám ảnh, dằn vặt ngày đêm, nó sẽ khiến người trong cuộc ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng sống trong lo âu, uất ức, sức khỏe cả thể xác lẫn tinh thần đều suy giảm.
Nếu không còn một chút lòng tin nào với nhau nữa, lúc nào cũng nhìn người mình yêu như một kẻ gian manh, lừa đảo thì như thế còn sống với nhau để làm gì?