Khi cơn giận dữ hoành hành dẫn đến mất kiểm soát, chúng ta dễ thốt ra những lời nói nặng nề hay thậm chí để xảy ra xô xát gây nên những hệ lụy đáng tiếc cho bản thân và gia đình. Do vậy, kiềm chế những cảm xúc giận dữ của bản thân là điều rất khó nhưng ai ai cũng phải học.
Có nhiều cách kiểm soát cảm xúc, làm chủ cơn giận. Cũng không quá khó để chúng ta học, chỉ cần bạn phải kiên trì tập luyện.
Bạn cần học cách kiểm soát giận dữ thông qua nhận biết sự xuất hiện của cảm xúc. Nếu bạn không nhận thức được cảm xúc, chắc chắn rồi cũng sẽ có lúc chính cảm xúc đó gây phiền toái cho bạn. Học cách kiểm soát cảm xúc thông qua việc thừa nhận, bạn cần phải hiểu được rằng chính bạn là người tạo ra những ý nghĩa đó, chứ không phải một ai khác bất kì.
|
Nếu cảm thấy tâm trạng mình bị đè nén quá sức chịu đựng, bạn hãy nói ra |
Học cách kiểm soát cảm xúc thông qua việc chấp nhận, bạn nhận thức được cảm xúc, bạn thừa nhận nó, thì không quá khó để bạn học cách chấp nhận chúng. Không nên che giấu cảm xúc của bạn, nếu như bạn phớt lờ chúng, thì chúng càng làm cho bản cảm thấy bức bối, đè nén hơn và không thể kiểm soát được sự giận dữ.
Học cách kiểm soát cảm xúc bằng cách vượt lên, lúc này bạn hoàn toàn tách ra khỏi cảm xúc và nguyên căn của chính nó. Học cách kiểm soát cảm xúc bằng cách hòa hợp, hãy đưa sự chú ý, sự tập trung của bạn vào nơi bạn có thể tìm thấy sự bình an của sức mạnh nội tâm.
Học cách kiểm soát cảm xúc cũng là học cách làm người điềm tĩnh, vị tha, học làm người cư xử có văn hóa. Bạn đừng nhìn hiện tượng để đánh giá con người, sự việc mà phải tìm hiểu lý do, nguyên nhân gây nên một sự tranh luận gay gắt.
Bạn hãy suy nghĩ xem có cần thiết tốn tâm trí vào một cuộc cãi vả không đáng có. Cân nhắc điều đó sẽ giúp bạn rộng lòng tha thứ hoặc phớt lờ những điều nhỏ nhặt làm vướng bận những suy nghĩ lớn của đời mình. Phải đặt địa vị mình vào người khác để cư xử đúng mực. Đừng nghĩ mình luôn đúng mà phải cố tìm xem mình đã sai chỗ nào để thông cảm với bạn và bớt đi sự giận dữ, căm ghét.
Nếu cảm thấy tâm trạng mình bị đè nén quá sức chịu đựng, bạn hãy nói ra. Tất cả chúng ta đều có ít nhất vài người bạn thân - những người sẵn sàng chia sẻ cùng bạn mọi buồn vui mà không bị cắt ngang hay chê trách bạn. Nếu đang băn khó khăn về việc gì đó, hãy gọi cho bạn của mình để trò chuyện và giãi bày. Những rắc rối được chia sẻ bằng ngôn từ sẽ hiệu quả rất nhiều, ví dụ đăng một dòng trạng thái nhẹ nhàng lên Facebook. Trong nhiều trường hợp, việc chia sẻ nỗi bực mình với người khác giúp bạn tìm ra một giải pháp xử sự thật đơn giản mà bản thân chưa từng nghĩ đến.
|
Bắt tay vào một việc gì đó như nghe nhạc, xem phim, trồng hoa, làm vườn… sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp tích cực để kiềm chế cơn giận. |
Thay vì ngồi một chỗ gặm nhắm những nỗi phiền muộn tức tối trong lòng, chúng ta hãy tập thể thao một chút. Giải pháp ấy sẽ giúp bạn ổn định tinh thần hơn rất nhiều. Chạy bộ, đi dạo trong công viên, tập thể hình hay tham gia một lớp học yoga sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng, xóa tan nỗi lo âu và thư giãn tâm trí.
Một nghiên cứu của trường Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết, đi xe đạp giúp cải thiện tình hình tim mạch của bạn. Đặc biệt, nếu đạp xe trong khoảng 20 phút mỗi lần và tập 4 lần mỗi tuần sẽ giúp tăng lượng hormone tạo cảm giác thoải mái thư thái.
Cách tốt nhất để giải quyết nỗi tức giận là tìm một việc làm. Bắt tay vào một việc gì đó như nghe nhạc, xem phim, trồng hoa, làm vườn… sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp tích cực để kiềm chế cơn giận.
Trong cuộc sống, ai cũng phải đối diện với những việc không vui, những việc đáng giận, đáng bực mình. Tuy nhiên cuộc sống là của chính mình, chúng ta dùng tâm thái như thế nào để đối đãi cuộc sống thì cuộc sống cũng lại trả ta thế đó.
Người thực sự khôn ngoan là người có thể kiểm soát được cảm xúc của mình và dễ dàng xả bỏ đi sự giận dữ bằng ý chí mạnh mẽ của bản thân.