Ngồi chờ tới lượt khám tại khoa Khám bệnh, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Lê Thị Thu Phương (16 tuổi, ở Ninh Bình) tâm sự mắc căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Căn bệnh khiến em phải điều trị kéo dài.
Cách đây 3 tháng, Phương thấy trên hai chân xuất hiện nhiều vết bầm trên da nhưng không để ý vì nghĩ do quá trình đạp xe đi học, em bị va vấp vào đâu đó.
Đến khi vết bầm ngày càng nhiều kèm theo chảy máu chân răng, gia đình mới đưa em đi khám. Kết quả cho thấy tiểu cầu em bị xuống thấp dưới mức báo động, chỉ còn ở ngưỡng 20.
Ngay sau đó, Phương được chỉ định truyền tiểu cầu và uống thuốc ức chế miễn dịch. Hiện tại, tiểu cầu của em đã lên mức 280 nhưng vẫn phải uống thuốc định kỳ.
Thạc sĩ Lê quang Tường, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, cho hay bệnh viện đang điều trị cho gần 3.000 bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Đây là căn bệnh có số lượng nhiều nhất tại khoa. Mỗi ngày, ít nhất 70 người đến khám vì căn bệnh này.
Đối với bệnh nhân Phương, bác sĩ Tường cho hay em được người nhà phát hiện kịp thời để điều trị. Nếu muộn hơn, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Tường từng rất tiếc vì những ca bệnh do không phát hiện kịp thời nên đến viện cấp cứu trong tình trạng tai biến mạch máu não, không thể cứu chữa.
|
Khoa Khám bệnh, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, mỗi ngày có ít nhất 70 người đến khám vì căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Ảnh: Hà Quyên. |
Coi chừng xuất huyết nội tạng
Theo bác sĩ Tường, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay vô căn là một rối loạn đông máu - cầm máu do kháng thể kháng tiểu cầu của người bệnh tự phá hủy tiểu cầu của chính bản thân.
Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào chính của máu bên cạnh hồng cầu và bạch cầu. Tiểu cầu có chức năng trong việc đông cầm máu tại vị trí chảy máu của cơ thể. Nếu cơ thể thiếu hay giảm nhiều tiểu cầu sẽ dẫn đến quá trình đông cầm máu không hiệu quả. Người bệnh thường bị xuất huyết dưới da, ở các chi hoặc bất cứ vị trí nào trên thân thể.
Diễn biến xấu nhất là xuất huyết chảy máu ồ ạt nội tạng như nội não (gây tai biến mạch máu não), phổi (gây nhồi máu phổi, suy hô hấp), thận (gây suy thận), nguy hiểm đe dọa tính mạng.
“Căn bệnh này có tới 70% bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn sau 6 tháng điều trị. Tuy nhiên những bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch mãn tính thì tiểu cầu thấp kéo dài hoặc luôn tái diễn. Khi số lượng tiểu cầu giảm nặng nếu không được phát hiện kịp thời rất nguy hiểm”, bác sĩ Tường khuyến cáo.
Vết bầm trên da - dấu hiệu cảnh báo
Bác sĩ này cho biết xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có những biểu hiện ban đầu như xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, máu chân răng, chảy máu kinh nguyệt kéo dài.
Trong đó, biểu hiện sớm và dễ nhận biết nhất là tình trạng xuất hiện các vết bầm trên da. Khác với sốt xuất huyết, các vết bầm của căn bệnh này đa hình thái như nốt, chấm, mảng và rải rác ở tay chân hay lan rộng toàn thân. Các vết xuất huyết ban đầu có màu đỏ, sau đó chuyển sang vàng nhạt và thâm.
Người bình thường có tiểu cầu đạt ở mức trên 150-450 G/L. Bệnh nhân sẽ có tiểu cầu dưới 150 G/L.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên thường xuyên đi khám, xét nghiệm máu để kịp thời phát hiện bệnh. Đặc biệt, khi xuất hiện các vết bầm tím trên da bất thường, chúng ta cần đến các bệnh viện chuyên khoa sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.