Trẻ than mệt, bất ngờ phát hiện bị ung thư

Google News

Các bệnh nhi được xác định bị u nguyên bào thần kinh sau nhiều lần than mệt, ói. Nếu được ghép tế bào gốc, trẻ sẽ có thời gian sống dài hơn, tỷ lệ tái phát thấp, hiệu quả cao.

Bệnh nhi là bé L.Q.H (sinh năm 2016), bị u nguyên bào thần kinh. Mẹ bệnh nhi cho biết khi được 3 tuổi, bé nhiều lần than mệt và nôn. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ thăm khám và phát hiện khối u trên tuyến thượng thận.

Sau đó, H. được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM để được điều trị cho đến nay. Mới đây, bác sĩ báo tin H. được ghép tế bào gốc nhưng kinh tế gia đình khó khăn. Bệnh viện và các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho trường hợp này.

Cùng chung chẩn đoán u nguyên bào thần kinh, bé S.R.N (sinh năm 2019) nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. Sau nhiều lần hóa trị, bé được chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu vào tháng 9/2022. Đến nay, kết thúc quá trình ghép, bé đã được xuất viện và tiếp tục theo dõi diễn tiến.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM bước đầu triển khai ghép tế bào gốc tạo máu trên các bệnh nhân u nguyên bào thần kinh. Ca ghép đầu tiên được bệnh viện thực hiện thành công là một bệnh nhi 32 tháng tuổi vào năm 2021.

Tre than met, bat ngo phat hien bi ung thu

Các bệnh nhi u nguyên bào thần kinh được ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: BVCC

Trước khi nhập viện, bé thường xuyên đau bụng, mệt mỏi, hay nôn ói. Gia đình tưởng trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhưng bác sĩ ở địa phương nghi ngờ có khối u ở bụng nên cho trẻ chuyển viện. Tại TP.HCM, bé được chẩn đoán bị u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao, thời gian sống rất thấp. Sau thời gian điều trị, trẻ được thực hiện ghép tế bào gốc tự thân.

10 ngày sau cấy ghép, bé mọc tủy xương, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát tốt. 16 ngày sau ghép, bé phục hồi bạch cầu hạt và tiểu cầu tốt, không nhiễm trùng.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đình Văn, Trưởng khoa Ung bướu huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2, những năm gần đây, trẻ mắc ung thư được khoa tiếp nhận có chiều hướng tăng, từ 100-120 ca lên 200-300 bệnh nhi. Ngoài nhóm bệnh nhi ung thư tạng đặc, hầu hết là các trường hợp ung thư thể máu.

“Hiện nay, y học đã có nhiều bước tiến trong điều trị, chúng tôi thường xuyên cập nhật phác đồ của thể giới, chất lượng thuốc giúp kéo dài thời gian sống và giảm xạ trị để tránh ảnh hưởng về sau. Đặc biệt, phương pháp ghép tế bào gốc tự thân giúp hạn chế tối đa tái phát ung thư, mang đến nhiều hiệu quả”, bác sĩ nói.

Theo các bác sĩ, ghép tế bào gốc tạo máu có giá trị trong các bệnh lý huyết học lành tính, ung thư huyết học và ung thư dạng bướu đặc ở trẻ em.

Theo Linh Giao/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)