|
Nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19 tại TPHCM tăng cao sau khi xuất hiện biến thể mới Omicron BA.4 và BA.5. Ảnh: V.S |
Ngày 10/7, anh Nguyễn Minh Hùng (39 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) đưa mẹ đến Bệnh viện Quận 8 tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện, anh được nhân viên y tế cho biết, bệnh viện tạm hết vắc xin, dự kiến tuần sau tiếp nhận lô vắc xin mới và tiếp tục tiêm chủng cho cộng đồng. Trên cổng bệnh viện cũng dán thông báo “Hiện Bệnh viện quận 8 đã sử dụng hết vắc xin được phân bổ, thứ 2 tuần sau (11/7/2022) sẽ tiêm chủng trở lại”.
Chia sẻ với phóng viên, anh Hùng nói: “Tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và mắc bệnh từ cuối năm 2021. Trong gia đình có mẹ tôi may mắn chưa bị nhiễm bệnh; bà đã được tiêm 3 mũi vắc xin. Để an toàn hơn cho mẹ trước sự xuất hiện của biến chủng mới, hôm nay tranh thủ ngày nghỉ, tôi đưa mẹ đến bệnh viện dự kiến tiêm cho cả 2 mẹ con. Đến đây, tôi mới biết bệnh viện tạm hết vắc xin, nhưng không sao, đầu tuần sau, chúng tôi sẽ trở lại để tiêm mũi 4”.
Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng tạm hết vắc xin ngừa COVID-19 cũng đang diễn ra ở nhiều bệnh viện khác. Đại diện Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết, tuần qua, bệnh viện đã tiêm hết vắc xin được phân bổ và đang tiếp nhận lô vắc xin mới, dự kiến từ ngày 11-15/7, bệnh viện sẽ tiếp tục tiêm chủng cho cộng đồng. Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng trong tình trạng tương tự; dự kiến ngày 11/7 tiêm vắc xin trở lại.
Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, chỉ trong 1 ngày (ngày 6/7), đã có hơn 76.580 người dân đi tiêm vắc xin tại các điểm tiêm trên địa bàn. Trong đó, mũi 1 chiếm tỷ lệ 5,5%, mũi 2 chiếm 3,6%, mũi bổ sung chiếm 0,02%, mũi nhắc lần 1 chiếm 18,6%. Số lượt người dân đến tiêm mũi nhắc lần 2 chiếm 72,3% (55.356 người), tăng gấp 3,8 lần so với ngày trước đó.
Số người dân đi tiêm ngừa COVID-19 hiện đã tăng gần gấp 10 lần so với thời điểm trước khi TPHCM mở đợt cao điểm tiêm chủng (trước ngày 13/6, trung bình mỗi ngày chỉ có 4.000-8.000 lượt tiêm). Trước nhu cầu tiêm chủng tăng cao, ngành y tế thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp chuyên môn, triển khai tiếp nhận, thăm khám và thực hiện tiêm chủng đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Tiếp nhận, phân bổ thêm
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, nói rằng, với sự xuất hiện của hai biến thể mới Omicron BA.4 và BA.5, số người dân đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đang tăng cao. Bà cho biết: “Ngày 4/7, Sở Y tế đã tiếp nhận thêm 117.000 liều vắc xin Pfizer (đợt 151) và phân bổ về cho các cơ sở. Hiện ngành y tế thành phố đang làm thủ tục tiếp nhận thêm 600.000 liều vắc xin Pfizer (đợt 152)”. Đại diện Sở Y tế cũng cho biết, tình trạng thiếu vắc xin chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và cục bộ ở một số đơn vị khi nhu cầu tiêm chủng tăng cao. Nguồn vắc xin trên toàn thành phố còn khá dồi dào, ngành y tế đang chủ động các giải pháp để đáp ứng đủ nguồn vắc xin phục vụ người dân.
Sở Y tế đã giao cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cung ứng kip thời vắc xin phòng COVID-19 hiện có cho các đơn vị thực hiện tiêm chủng và tăng cường các đội tiêm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ngày càng tăng của người dân. Tính đến hết ngày 6/7, TPHCM đã tiêm tổng cộng hơn 21,7 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19. Cụ thể, có gần 8,5 triệu mũi 1, hơn 7,5 triệu mũi 2, trên 685.000 mũi 3, hơn 14,4 triệu mũi nhắc lần 1 và trên 567.000 mũi nhắc lần 2.
BR-VT: Hơn 58.000 liều vắc xin hết hạn
Tính đến 18 giờ ngày 3/7, tỉnh BR-VT có 58.620 liều vắc xin COVID-19 hết hạn sử dụng, trong đó gần 28.000 liều vắc xin Moderna có hạn đến ngày 30 và 31/5, hơn 30.000 liều vắc xin Pfizer có hạn đến ngày 25/6. Sở Y tế tỉnh BR-VT lý giải, số vắc xin được cấp nhiều hơn so với nhu cầu của tỉnh đề xuất. Ngoài ra, vắc xin được cấp cận hạn, số lượng lớn được rã đông trước nhiều hơn so với nhu cầu tiêm thực tế của tỉnh. Cùng với đó, nhiều người không đồng ý tiêm…
Duy Quang