Ngày 22/10, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Đà Nẵng) cho biết tiếp tục phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm lấy mẫu tôm hùm tại một cửa hàng hải sản nằm trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để làm rõ vụ tôm hùm bị bơm tạp chất.
|
Chủ kinh doanh ở Đà Nẵng bị bắt quả tang bơm tạp chất agar vào tôm hùm. Ảnh: Dân Việt. |
Trước đó vào ngày 18/10, lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng này và phát hiện tôm hùm bị bơm tạp chất Agar, còn gọi là thạch rau câu. Tạp chất này dùng để tăng trọng lượng, giữ tôm tươi lâu hơn. Chủ cửa hàng này cho biết số tôm hùm này được nhập từ một vựa hải sản tại thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), vận chuyển bằng xe khách về Đà Nẵng.
Ăn tôm bơm tạp chất có hại gì?
Từ vài năm gần đây, tạp chất agar đã được các gian thương sử dụng để bơm vào tôm nhằm thu lợi nhuận. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là liệu loại bột này khi bơm vào tôm thì có gây hại gì đối với của người tiêu dùng hay không?
Chia sẻ trên Giadinhnet, PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học – Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN) cho biết: "Agar là bột thạch để làm thạch. Thực chất thì nó không độc nhưng lại được người ta sử dụng bơm vào tôm để làm giả. Thật ra, agar không hề có tác dụng làm tôm tươi trở lại, mà do khi bơm vào thì tôm sẽ phồng, trông béo lên nên bắt mắt hơn.
Thạch thì rẻ, mà họ lại hòa tan thêm với nước và sẽ được lượng dung dịch rất lớn. Đối với bản thân con tôm, việc làm này không gây độc vì đó là thạch mà chúng ta ăn hằng ngày, chỉ là họ pha loãng ra thành dạng sền sệt để bơm chứ không phải dạng cứng như bình thường".
Theo ông Côn, có nhiều loại chất khác có thể tăng trọng lượng tôm nhưng thường thì agar được sử dụng nhiều do giá thành rẻ. Đối với người ăn phải tôm hùm chứa tạp chất thì cũng không độc hại.
Tuy nhiên, nếu là những con tôm chết, ươn, hỏng mà được bơm tạp chất để trông bắt mắt hơn rồi người tiêu dùng ăn phải thì ít nhiều cũng sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia về thủy hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm phát triển. Cụ thể là vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, tiêu chảy, nhiễm trùng máu, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
|
Nhiều cơ sở sản xuất vì lợi nhuận đã bơm các tạp chất vào tôm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Internet. |
Ngoài ra, nếu nguồn nước sử dụng để hòa tan tạp chất lấy từ các con sông, kênh rạch hay nước ruộng bẩn, vi khuẩn sẽ càng tăng và có cơ hội tấn công vào cơ thể, khiến người ăn dễ bị mắc bệnh.
Đồng thời, việc tẩm tôm trong hàn the, ure... cũng làm tăng khả năng ngộ độc cấp tính ở người tiêu dùng. Đặc biệt, nếu cơ thể tích tụ quá nhiều chất ure, gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn thần kinh, thậm chí là ung thư gan.
Cách phân biệt tôm bị tiêm tạp chất
Theo những người có kinh nghiệm, loại tôm được chọn để bơm tạp chất chủ yếu là tôm sú.
Con tôm cứng, thẳng đơ. Bình thường thì mình tôm phải mềm, cong.
Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.
Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.
Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.
Khi nấu, nếu là tôm bơm tạp chất thì sẽ chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.
Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.