Gửi ý kiến sau bài viết "Tuổi thọ người Việt tăng mạnh, làm gì để già hoá thành công?", nhiều độc giả cho rằng tài chính, sức khỏe là hai yếu tố tiên quyết để chuẩn bị cho một tuổi già thư thái, khỏe mạnh, không phiền con cháu.
Nhiều người cho rằng "tầm 30-40 tuổi còn phải lo cho con nhỏ, cứ 40 tuổi trở lên bắt đầu tính đến cuộc sống tuổi già là vừa", nhưng cũng có người chia sẻ đã chuẩn bị cho tuổi xế chiều từ năm 30 tuổi, như độc giả Quang Nguyễn, ở Hà Nội.
"Tôi đồng quan điểm với 14,6% và 16,4% người trong khảo sát nói trên, nghĩa là chuẩn bị tài chính và sức khỏe cho cuộc sống về già từ khi mới ngoài 30 tuổi", độc giả này cho biết. Năm nay, anh gần 40 tuổi và đã có gần 1 thập kỷ chuẩn bị cho ngày nghỉ hưu.
Anh Quang là kỹ sư công nghệ thông tin, vợ anh 35 tuổi, là kế toán một công ty lớn. Họ có hai người con gái, đang tuổi học tiểu học.
Đón con đầu lòng lúc 29 tuổi, khi con gái lớn được 1 tuổi, anh Quang đề nghị với vợ sẽ "tích lũy cho tuổi già ngay từ bây giờ", thay đổi quan điểm “trẻ cậy cha, già cậy con”.
Ban đầu, vợ anh rất phản đối, cằn nhằn cho rằng anh "lo quá xa", rằng vợ chồng trẻ phải lo cho con mức tốt nhất, phải báo hiếu cha mẹ, phải phấn đấu sự nghiệp, thậm chí phải hưởng thụ trước khi sinh con thứ 2.
"Tôi hiểu suy nghĩ của vợ. Cô ấy nghĩ nhiều đến việc tích lũy tài chính, còn tôi suy tính thêm về sức khoẻ. Tôi không quan trọng con gái - con trai nhưng thuyết phục vợ nên sinh đủ 2 con, không cần cố bằng được phải có con trai, dù tôi là con trưởng trong nhà. Nếu trì hoãn việc sinh con sau tuổi 30, sức khỏe vừa giảm sút, khó lo được cho con cái.
Điều may mắn trong gia đình tôi là có người cha mẫu mực. Ông không hút thuốc, ít uống rượu, trong khi vận động là việc ông làm thường xuyên. Bữa cơm ông cũng động viên con cái không nên ăn dưa, cà muối nhiều, bớt ăn mặn dù quê tôi vùng biển, không ăn quá cay, chua, đồ chiên xào.
Thậm chí, ông dạy chúng tôi những điều rất nhỏ như không ăn canh cùng với cơm để dạ dày không quá mệt, không nhai đá lạnh để bảo vệ răng", anh chia sẻ.
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Phan Chí Hiếu
Nhờ chế độ sinh hoạt nề nếp, ở tuổi 75, chỉ số xét nghiệm máu của bố anh "đẹp như mơ", không tiểu đường, cao huyết áp hay bệnh về gan, thận... Ông rất ít khi phải đi viện, trừ những lần đi khám sức khỏe định kỳ.
Cụ ông cũng thường tham gia hoạt động của khu phố, bạn cùng quân ngũ... để cuộc sống sinh động hơn. Khoảng vài năm trước, ông vẫn lái xe ô tô gia đình đi thẳng một lèo từ Hà Nội vào Vinh (Nghệ An), thậm chí xa hơn mới nghỉ.
Vợ chồng ông bà cũng không phiền con cháu phải chu cấp hàng tháng bởi có lương hưu và một khoản tiết kiệm nhỏ phòng khi đau ốm.
Anh Quang ảnh hưởng nhiều bởi lối sống của bố, và cho rằng đó là cách ông dạy mình tích lũy sức khỏe, trân quý đồng tiền và tự lập, tự lo tốt cho bản thân, chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Từ ngoài tuổi 30, anh cố gắng duy trì hoạt động thể thao mỗi tuần; ăn uống khoa học noi gương bố; hạn chế bia, rượu dùng ở mức vừa phải dù công việc đòi hỏi giao lưu, kết nối.
"Không ít người nói cuộc sống như vậy là quá nhạt nhẽo, không mở rộng được vòng tròn quan hệ cần có trong thời buổi kim tiền, nhưng tôi nghĩ ai cũng có lựa chọn tốt nhất cho mình và biết đủ là được", anh chia sẻ.
Vợ anh hoàn thành kế hoạch sinh đủ 2 con trước khi đón sinh nhật tuổi 28. Việc kết hôn không quá muộn, lựa chọn sinh con ngay sau kết hôn và không cố sinh thêm để có con trai giúp anh chị sớm ổn định tâm lý cuộc sống, có nhiều sức khỏe để cả gia đình cùng nhau phấn đấu.
Khi bạn bè, đồng nghiệp không ít người "vật vã" với những trận đau vì gout, thuốc thang khắp nơi vì tiểu đường, cao huyết áp..., anh Quang khá tự tin vì sức khỏe của cơ thể.
Người đàn ông và vợ cũng có những tính toán cho sự tích lũy kinh tế. Thu nhập của hai vợ chồng anh ở tầm trung, 10 năm tăng dần từ 35 lên 60 triệu/tháng, đủ để chi tiêu cho cuộc sống một nhà 3-4 người ở Hà Nội, hai con học trường công lập. Anh chị có khoản tiết kiệm cho con, cho bản thân.
"10 năm qua chúng tôi túc tắc chuẩn bị, từng chút, từng chút một, nhưng cả hai vợ chồng có cùng mục tiêu về độc lập và tự do tài chính, sức khỏe, sẵn sàng cho tuổi nghỉ hưu đến sau 20 năm nữa. Già là quy luật, nó sẽ đến, và không ai muốn đau ốm, càng không ai muốn phiền con cái.
Lẽ tự nhiên, ai cũng mong muốn tuổi già được an nhàn, thư thái, nghỉ ngơi khi đã dành cả tuổi trẻ cho học hành, chăm lo sự nghiệp; dành cả tuổi trung niên cho công việc, gia đình", anh tâm sự.
Để không phụ thuộc con cháu, ngoài tự do tài chính, theo anh Quang, người cao tuổi cũng cần sức khỏe, đây là điều không thể muốn là có ngay, thậm chí có tiền cũng không có được như ý nếu không có ý thức chuẩn bị từ sớm. "Tôi càng phải cảm ơn bố mẹ vì điều này, họ đã chuẩn bị 'giùm con' từ khi còn trẻ", anh Quang viết thêm.
Cho rằng việc lập kế hoạch tài chính cá nhân giống như "chạy marathon, điểm xuất phát đông người, khí thế; nhưng chỉ còn ít người đến được điểm kết thúc", anh Quang cùng vợ đặt các mục tiêu chinh phục phù hợp, không quá tầm trên từng quãng đường nhỏ, quan trọng nhất là kiên trì.
Người đàn ông này cũng hi vọng trong tương lai tổ chức đời sống sẽ văn minh hơn, nhà dưỡng lão là một trong số đó. Nếu cha mẹ ở dưỡng lão thấy vui, khỏe, ổn, vẫn có con cháu lui tới chăm nom thì không ai nỡ chê trách, không nặng nề việc "cho cha mẹ vào đó là bất hiếu".
"Nhưng không phải ai muốn vào viện dưỡng lão cũng được vì yếu tố tài chính. Trong khi không biết số nhà dưỡng lão có đủ để 'bình dân hoá' hay không, đủ cho sự gia tăng về nhu cầu của người già hay không. Trong khi chờ đợi ngày đó, tôi và vợ cần chủ động chuẩn bị cho phù hợp: giữ sức khỏe, bớt khó tính, thích nghi với hoàn cảnh tốt hơn", anh bày tỏ.