Hai lần vào viện cấp cứu
Người phụ nữ 61 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội áp dụng liệu trình ăn chay 49 ngày theo “bác sĩ Google”, mới đến ngày 41 thì gặp sự cố nghiêm trọng. Bệnh nhân được chuyển đến viện Tim mạch Quốc gia, bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Ngay lập tức được cấp cứu ngừng tuần hoàn, bồi phụ điện giải. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân còn thêm biến chứng suy thận cấp, tiêu cơ vân.
Sau 15 ngày điều trị tích cực, người phụ nữ trên được xuất viện. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, gia đình tiếp tục đưa bà quay lại cấp cứu vì bị đau tim dữ dội. Lần này bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành, chỉ định đặt stent, trước đó bệnh nhân không hề biết mình mang căn bệnh nguy hiểm này.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng viện Tim mạch Quốc gia chia sẻ với báo giới, đây là một trong rất nhiều trường hợp tự chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng gây hậu quả nặng nề. Bản thân bệnh nhân bị bệnh mạch vành, nên chế độ ăn chay sẽ làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim.
Theo TS Hùng, bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân tim mạch giảm tối đa tinh bột chế biến sẵn, thay vào đó ăn các loại hạt chế biến thô như gạo lứt. Song cần đảm bảo chế độ ăn cân đối, ăn nhiều cá, rau củ quả, hạn chế mỡ động vật, phủ tạng động vật chứ không khuyên ăn chay.
Trước đó, tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng tiếp nhận cấp cứu nữ bệnh nhân 57 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội nhập viện sau khi ăn chay theo lộ trình được hướng dẫn trên mạng trong 45 ngày. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị. Bệnh nhân vào viện có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực trái, sau giảm ý thức.
Tại đây, người bệnh được chẩn đoán bị rối loạn nhịp tim – phân biệt cơn thiếu máu não thoáng qua. Mới được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực chống độc được 5 phút thì bệnh nhân xuất hiện giảm ý thức, ngừng tuần hoàn. Sau 40 phút cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, tim đập trở lại, trên điện tim sau cấp cứu có hình ảnh tổn thương.
Trong quá trình điều trị cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục có thêm 5 lần ngừng tuần hoàn với tình trạng rất nặng hạ kaii, suy thận cấp không cải thiện nên được lọc máu liên tục, nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi thở máy, tiêu cơ vân, suy tim... Rất may sau đó sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục.
Nghe “bác sĩ Google”, chẩn đoán sai, bệnh tình nặng hơn
Theo bác sĩ công tác tại viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn chay là chế độ ăn gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (rau, củ, quả, các loại hạt...), hoàn toàn không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc động vật như các loại thịt, cá và hải sản.
Trên thực tế, lâu nay, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người chọn ăn chay, bởi vì ăn chay có nhiều chất xơ giúp chống táo bón, giảm cholesterol, giảm thèm ăn, tránh được béo phì, chất xơ làm giảm triglyceride và mỡ xấu LDL...
Song nếu ăn chay trường diễn thường sẽ dẫn đến cơ thể bị thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, can xi, vitamin B12... dễ có nguy cơ thiếu máu. Vì vậy, người trưởng thành nên ăn chay ít nhất một tuần một lần để thanh lọc cơ thể, tránh bệnh tật, giúp tâm hồn thư thái, tinh thần nhẹ nhõm.
Người lớn tuổi cần một số chất dinh dưỡng từ thức ăn nguồn động vật để duy trì sức khỏe, do họ thường khó hấp thụ dưỡng chất, vì thế ăn chay trường không phải là liệu pháp an toàn cho sức khỏe. Theo đó, mỗi người sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau, đặc biệt là những trường hợp có bệnh lý nền vì thế người dân không nên ăn chay theo chế độ trên mạng. Điều này có thể dẫn đến thiếu vi chất gây suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải, và gây biến chứng nặng nề.
Công bố mới nhất tại Mỹ cho thấy, cứ 5 người thì có 2 người tự tra “bác sĩ Google”, gây chẩn đoán sai bệnh cho bản thân, làm bệnh tình nặng hơn. Tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhận định, con số này còn lớn hơn nhiều. Theo đó, thông tin về các bệnh trên mạng rất đa dạng, lẫn lộn giữa thông tin khoa học hàn lâm và thông tin thường thức.
Thông tin hàn lâm thường chuyên ngành, khó hiểu, thông tin thường thức dễ hiểu nhưng được viết bởi những người không có chuyên môn đầy đủ, chưa kể nhiều thông tin quảng cáo, nhiều câu chuyện giật gân nên người đọc dễ tin theo.
Tại Viện tim mạch Quốc gia, bác sĩ thường xuyên gặp bệnh nhân tự ý bỏ thuốc theo đơn để dùng thuốc nam, thuốc bắc không rõ thành phần. Sau khi uống vài ngày thấy khoẻ lên nhưng lâu dần, bệnh tình nặng thêm, khi quay lại bệnh viện đã bị tắc mạch vành, kẹt van tim, suy thận nặng... có trường hợp phải đưa về vì không thể cứu chữa.
“Đặc biệt, chúng tôi phải cấp cứu khá nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nói chung, mạch vành nói riêng trong tình trạng nguy hiểm vì tự ý làm bác sĩ, theo kiểu tra bác sĩ “Google”, hoặc tự ý đổi đơn thuốc, điều chỉnh thuốc, Thậm chí còn là dùng các thuốc trôi nổi theo mách bảo, hay điều chỉnh ăn uống theo kiểu thực dưỡng để... chữa bệnh”, ông Mạnh Hùng cho hay.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân, nhất là những người đã có bệnh lý tim mạch cần thường xuyên đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ để các bác sĩ kịp thời có sự điều chỉnh trong dự phòng và điều trị bệnh cho phù hợp.