Coi chừng suy kiệt vì “thực dưỡng chữa bệnh“

Google News

Thực tế, có phải riêng thực dưỡng giúp khỏi ung thư và gạo lứt muối mè có khả năng chữa bệnh hay không?

- Trong một số bệnh nhân mà BS Nguyễn Hoài Nam công bố chữa thành công tại Hà Nội, phóng viên đã trực tiếp trao đổi với hai người còn sống. Thực tế, có phải riêng thực dưỡng giúp họ khỏi ung thư và gạo lứt muối mè có khả năng chữa bệnh hay không?

Mất trí nhớ vì nhịn ăn

Cuối 2004, khi đang là trưởng khoa quản lý xây lắp, Học viện Cán bộ quản lý đầu tư và xây dựng, anh Lê Trí Dũng (số 68, ngõ 12 Đào Tấn, Hà Nội)  bị viêm họng, ho nhiều. Lúc đó, anh chỉ nghĩ đơn giản là do mình làm việc quá sức, hút thuốc nhiều nên bị bệnh. Uống bao nhiêu thuốc cũng chẳng khỏi, lưỡi đen kịt.

Đi khám thì anh được bác sỹ kết luận: U đỉnh phổi trái 3cm, di căn quai động mạch chủ, di căn cơ hoành và bắt đầu lan sang phổi phải, hạch khắp nơi - giai đoạn III, IV.
 
Với gần 2 tỷ đồng chi trả để đi truyền loại hóa chất tốt nhất, ít tác dụng phụ nhất... khối u của anh có biểu hiện dừng lại, không mọc nữa nhưng mới truyền hết 3 đợt thì anh đã bị suy thận nặng, người phù thũng phải lọc máu. Hết phương cứu chữa anh được bệnh viện trả về. Cả gia đình anh tuyệt vọng, cứ nhìn thấy anh là khóc.

Trong lúc đi thư viện tìm sách chữa bệnh cho chồng, vợ anh đã được tiếp cận với phương pháp thực dưỡng - ăn gạo lứt muối mè . Về nhà chị đã nhờ BS Nam đến giúp anh thực hiện.
 
Đầu tiên anh thực hiện quá trình nhịn ăn. Sau 7 ngày chân anh hết phù và đến ngày thứ 38 anh vẫn đi lại được. Do nhớ nhà và con, anh đi bộ về nhà, miệng khô nứt nẻ, thấy hộp ô mai của con, anh chỉ định lấy một quả để ngậm, nào ngờ thèm quá ăn luôn 2 quả. Chẳng ngờ, anh bị viêm ruột ngay lập tức, đi ngoài như tháo cống, huyết áp tụt, nằm tại chỗ không  biết gì.
 
Thấy thế, các chuyên gia thực dưỡng đã "cứu" anh bằng thực dưỡng. Anh phải tiếp tục nhịn ăn và đến ngày thứ 43 từ 60kg anh chỉ còn 38kg. "Trận "chết" đó đã khiến tôi mất trí nhớ", anh Dũng cười chia sẻ. Từ đó, tôi tiếp tục thực hiện thực dưỡng chữa bệnh và rất lâu sau bệnh mới ổn định hẳn, trí nhớ đang phục hồi nhưng chưa được như xưa.

Anh Lê Trí Dũng bên các sản phẩm thực dưỡng.
Anh Lê Trí Dũng bên các sản phẩm thực dưỡng.

Dễ chết do suy kiệt trước khi chết vì bệnh

Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư.

GS.TS Nguyễn Bá Đức cảnh báo, nhiều người nghe tin đồn thổi, tờ rơi, đồn truyền miệng, phổ biến vô thưởng vô phạt là bị ung thư không được ăn các chất bổ dưỡng, thậm chí, nhiều trường hợp còn cực đoan hơn là nhịn ăn, ăn kham khổ gạo lứt muối mè, uống nước lã... để bỏ đói khối u hy vọng khối u tiêu đi hoặc không phát triển.
 
Đây là một suy nghĩ phản khoa học bởi vì họ không hiểu rằng bản chất của bệnh ung thư là các tế bào ung thư lấy ngay những yếu tố dinh dưỡng của những tế bào lành để phát triển xâm lấn vào các tổ chức xung quanh, biến các tế bào lành phục vụ cho tế bào ung thư. Vì thế việc nhịn đói hay không nhịn đói tế bào ung thư vẫn phát triển. Thậm chí, khi nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút thì tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn và cơ thể người bệnh suy kiệt, không có sức chống đỡ bệnh tật.

Thực tế cho thấy, giảm cân không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà chỉ cần sụt cân > 5% trọng lượng cơ thể sẽ gây giảm đáp ứng điều trị, làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của hóa chất, xạ trị, không đủ sức khoẻ để tiếp tục điều trị...
 
Đặc biệt, càng sụt cân, người bệnh càng mệt mỏi, chán ăn, tăng nguy cơ di căn xương, giảm hoạt động của các cơ quan chức năng như tim, phổi, tiêu hóa, thiếu máu, suy yếu đáp ứng miễn dịch nguy cơ nhiễm trùng cao. Điều này là nguyên nhân khiến 20 - 30% bệnh nhân ung thư tử vong là do suy kiệt, trước khi tử vong do bệnh.

Không trị được bệnh và dễ hỏng đường tiêu hóa

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định, gạo lứt muối mè không thể chữa được ung thư. Ở gạo lứt có một màng bọc mà cơ thể không tiêu hóa được nên đòi hỏi phải nhai rất kỹ, nếu không chính nó lại làm hỏng đường tiêu hóa.
 
Theo Đông y, gạo lứt không có tác dụng chữa bệnh. Chỉ có vừng đen được coi là thực phẩm kéo dài tuổi thọ, có tác dụng tư âm, dưỡng huyết, nhuận tràng... vì trong đó giàu chất đạm, mỡ và các nguyên tố vi lượng. Vì vậy, tốt nhất chỉ nên ăn cơm trắng với muối vừng đối với người béo phì, rối loạn chuyển hoá lipit, bệnh gút...

GS.TS Nguyễn Ngọc Kha, nguyên Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện K khẳng định, nhịn ăn hay ăn gạo lứt muối vừng chữa bách bệnh là điều phi lý, bịp bợm. "Tôi đã gặp không ít bệnh nhân ung thư chỉ vì ăn gạo lứt muối mè đã phải vào cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, truỵ tim mạch, tay chân lạnh, huyết áp giảm... Tôi đã phải truyền đạm cho bệnh nhân mới hồi tỉnh", GS.TS Nguyễn Ngọc Kha nói.

"Nếu chỉ ăn gạo lứt và muối vừng không thôi thì không đủ chất theo điều kiện tối ưu về dinh dưỡng hiện nay, đặc biệt là không có rau xanh. Không có rau xanh nghĩa là không có vitamin C - loại vitamin chống lão hoá và tăng sức đề kháng thì rất khó giúp cơ thể khoẻ mạnh, chứ chưa nói gì đến việc chống ung thư. Để phòng bệnh ung thư nói chung và các bệnh lý khác nói riêng là phải có nguồn chất xơ để giúp loại bỏ các độc tố trong cơ thể thì chế độ ăn gạo lứt, muối mè không có.
GS.TS Bùi Minh Đức (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)
Thúy Nga

Bình luận(0)